Mô tả
- Loài thú gặm nhấm. Thân mập, hơi dài, đầu tròn, tai vểnh, mõm nhọn, đuôi thon dài, nặng 300 – 400 g. Lưng hơi gồ lên, màu vàng nâu như lông con cheo cheo (Tragulus javanicus Osb.) nhạt dần về phía hai bên sườn. Bụng màu trắng bẩn. Bốn chân ngắn, mảnh.
- Có chuột đồng lớn (Rattus hosaensis) và chuột đồng nhỏ (R. losea). Hai loài đều thuộc nhóm chuột đồng để phân biệt với nhóm chuột nhà như chuột nhắt (Rattus exulans), chuột cống (R. norvegicus) và nhóm chuột rừng như chuột khuy (R. rattus sladeni).
Phân bố, sinh thái
Trên thế giới, chuột đồng phân bố ở nhiều nước thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh. Chuột đồng sống hoang ở hang hốc trong đất bên cạnh đồng ruộng, có nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhất là Kiên Giang và Minh Hải. Chúng sống thành đàn ăn vỏ, rễ cây, hoa, quả và hạt nhất là hạt thóc trong mùa lúa chín. Lúc này, sức tàn phá của hàng đàn chuột đồng đông đúc, khó có thể hình dung nổi sự thiệt hại về mùa màng. Khả năng sinh sản của chuột đồng rất lớn. Một đôi chuột đồng sau một năm, có thể sinh ra hàng trăm chuột con, cháu, chắt.
Từ lâu, việc săn bắt và trừ diệt chuột đồng đã trở thành tập quán của nhân dân nhiều tỉnh để bảo vệ mùa màng và lấy thịt ăn. Có nhiều cách:
- Bắt sống: Tìm cửa hang và các lối thoát phụ của chuột. Đốt cỏ khô hay lá khô trước hang, cho khói lùa vào đường hang. Chuột bị sặc khói, chạy ra và lao vào bẫy đã giăng sẵn. Trong mùa nước lũ, các hang đều bị ngập nước, chuột đồng kéo nhau lên mô đất cao. Việc bắt lúc này đã trở nên dễ dàng.
- Diệt trừ: Thuốc hóa học để diệt chuột có hiệu quả cao, nhưng lại rất độc hại. Thuốc diệt chuột từ cây cỏ vừa sẵn có, dễ kiếm vừa rẻ tiền mà vẫn có kết quả tốt. Có thể dùng rễ cây hương lâu, lá hồng mai, vỏ thân trúc đào, quả hồi núi, hạt củ đậu giã nhỏ, trộn với thức ăn làm bả. Nhân dân ở Quảng Nam – Đà Nẵng có kinh nghiệm diệt chuột bằng lá han tía như sau: Họ lấy mỡ phi với hành cho thơm, bôi lên mặt lá han, rồi đặt ở chỗ chuột hay qua lại. Chuột ăn mỡ, ăn luôn cả lá han nên bị bỏng, sưng miệng, cứng lưỡi mà chết.
Bộ phận dùng
Toàn con chuột đồng, tên thuốc trong y học cổ truyền là lão thử, gồm thịt, chuột bao tử, gan… Cách chế biến chuột đồng: Đập chết chuột, nhúng vào nước sôi, cạo sạch lông, mổ bụng, bỏ hết phủ tạng (trừ gan, tim, cật), chặt bỏ đầu, đuôi và bốn bàn chân, đặc biệt là gỡ bỏ hạch cổ và hạch bẹn (những thứ này làm chuột có mùi hôi và tanh).
Thành phần hóa học
Thịt chuột đồng chứa 23,6% protid, 1% lipid, 0,1% carbohydrat, 30 mg% Ca, 242 mg% P, các vitamin.
Tính Vị, Công năng
- Thịt chuột đồng có vị ngọt, chát, tính hơi ấm, không độc, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương.
- Chuột bao tử có vị ngọt, béo ngậy, tính bình, có tác dụng bổ thận, tráng dương.
- Gan chuột có vị đắng, tính ấm, có tác dụng trừ cam tích, bình can, tăng cường khí huyết, làm sáng mắt.
Công dụng
1. Thịt chuột đồng được nhân dân vùng đồng bằng và miền núi rất ưa chuộng. Thịt được chế biến thành các món ăn rất độc đáo như chuột ướp sả nướng hoặc rán, chuột nấu canh chua, chuột xào lá vọng cách, chuột băm viên, chuột kho nước dừa.
- Làng Đình Bảng (Bắc Ninh) là nơi nổi tiếng về món thịt chuột đồng. Thịt chuột đồng luôn được bán ở các chợ và không bao giờ ế. Nhà văn Vũ Bằng, tác giả cuốn sách “Món lạ miền Nam” đã liệt thịt chuột đồng vào một trong những đặc sản số một của miền đất này. Đó là món ăn ngon, bổ và dễ kiếm.
- Theo kinh nghiệm dân gian, thịt chuột đồng được dùng chữa cơ thể suy nhược, trẻ em cam tích, các vết thương, vết bỏng, gãy xương, đau lưng, nhức mỏi. Lấy chuột đồng (1 con) bọc bằng đất sét, rồi đốt chín. Bỏ đất sét, lột da, bỏ lòng, ruột, đầu, chân, chỉ lấy thịt. Nấu thịt với ngũ vị tử và nước đậu sị, ăn trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.
- Nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại nấu thịt chuột đồng với rễ hà thủ ô và lá hoặc quả câu kỷ làm món ăn đặc sản để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Cũng với tác dụng trên, người Khơ Mú đã nấu thịt chuột đồng với thịt lợn, gạo nếp và các loại gia vị như hồ tiêu, ớt, sả, hành tăm, muối trong ống nứa thành món “lam nhoọc” ăn đều đặn trong bữa cơm hàng ngày.
- Theo tài liệu nước ngoài, ở Venezuela, các bộ tộc người da đỏ rất thích món “chuột nhồi” được chế biến từ một giống chuột đồng màu trắng sẵn có ở địa phương. Lấy mứt quả nhồi vào chuột đã làm sạch, rồi hấp chín. Khi ăn, chấm thịt với mật ong. Họ cho rằng ăn món đặc sản này sẽ giúp hạ hỏa, làm sảng khoái tâm thần. Ở Trung Quốc, chuột đồng (2 con) làm sạch, chặt miếng, ninh nhừ với đậu đen (150 g), táo tàu (10 quả), trần bì (10 g). Ăn cả nước lẫn cái làm một lần. Chữa sốt rét cách nhật.
2. Chuột đồng bao tử (chuột con mới đẻ còn đỏ hỏn, chưa mở mắt). Lấy chuột bao tử rửa sạch bằng rượu, mổ bỏ lòng ruột, rồi ngâm rượu với một số vị thuốc bổ nguồn gốc thực vật như đảng sâm, ba kích, câu kỷ… trong 2 – 3 tháng. Khi dùng, uống mỗi ngày 2 chén nhỏ chia làm hai lần trước bữa ăn. Thuốc bổ dưỡng cao.
- Theo tài liệu nước ngoài, chuột bao tử là món ăn đại tiệc “độc nhất vô nhị” và vị thuốc bổ thận vô song của Tây Thái Hậu ở Trung Quốc. Chuột đồng con mới đẻ thuộc thế hệ thứ ba chứa đầy chất bổ trong Xương thịt vì ông bà bố mẹ của chúng đều được nuôi bằng thức ăn trộn với nhân sâm, nhung hươu và nhiều vị thuốc bổ khác. Đem chuột này nhúng vào dung dịch mật ong – sâm nhung và ăn sống.
- Chuột bao tử sao tồn tính, tán bột, uống với nước nóng, mỗi lần 10 g, chữa thở khò khè. Dùng nhiều ngày.
3. Gan chuột (1 cái) phối hợp với đậu đen (30 – 60g), trần bì (3 g). Ninh nhừ bằng lửa nhỏ, ăn nóng trong ngày. Chữa trẻ em biếng ăn, suy dinh dưỡng, gầy còm, xanh xao (Tài liệu nước ngoài).
- Ngoài ra, nước mật chuột được dùng nhỏ tai chữa ù tai. Cứt chuột và bồ hóng bếp (lượng bằng nhau) cho vào nồi, đốt lấy khói xông chữa lòi dom (Nam dược thần hiệu). Sữa chuột đã được sản xuất trên quy mô lớn bằng những phương tiện hiện đại ở Cộng hòa liên bang Đức để cung cấp cho các thí nghiệm sinh học và y học. Cũng ở phương Tây, người ta đang nghiên cứu tìm các chất có khả năng trị bệnh từ các acid amin của thịt chuột.