Mục lục
Mô tả cây
- Cây nhỡ cao 3-5m, khi trồng thường nhỏ hơn. Lá mọc so le, có cuống ngắn, kèm theo hai lá kèm biến đổi thành gai. Phiến lá hình bầu dục nguyên, mặt trên màu xanh lục nhạt, mặt dưới màu nhạt hơn. Hai bên gân giữa có hai đường cong lồi (gân giả) tương ứng với hai nếp gấp của lá trong chồi.
- Hoa đều, lưỡng tính, xếp thành xim, ở kẽ lá hoặc lá bắc. Cuống ngắn. Tràng 5, nhánh màu trắng, mặt trong cánh hoa có 1 lưỡi nhỏ khía ở ngọn, 10 nhị hữu thụ dính liền nhau ở gốc thành một ống phồng. Bầu có 3 vòi hoàn toàn rời nhau, phình ở ngọn. Hai ô của bầu lép đi, ô thứ ba đựng 1-2 noãn đảo.
- Quả hạch nhỏ màu đỏ tươi, ở trên đài còn lại, đựng 1 hạt có nội nhũ.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây vốn nguồn gốc những vùng nhiệt đới và á nhiệt đới nam châu Mỹ. Những nước sản xuất nhiều nhất hiện nay là Pêru, Bôlivia (năm 1963 sản xuất 3000 tấn lá). Đó là những con số công bố chính thức, thực tế thì lớn hơn nhiều, ngoài ra còn ở Côlômbia (vài trăm tấn lá/năm), Inđonexia trước đây sản xuất tới 1.500 tấn lá/năm, nhưng hiện nay rút xuống còn khoảng 2 tấn/năm. Người ta phân biệt ra nhiều chủng cô ca:
- Chủng Erythroxylon coca Lam. của Bôlivia và Pêru trồng trên vùng cao, lá dai, to.
- Chủng Erythroxylon coca var. spruceanum Burck (E. truxillense Rusby) trồng ở đồng bằng, vùng thấp, lá mỏng và nhỏ hơn, trồng ở Giava (Inđônêxia) từ cuối thế kỷ 19.
- Chủng Erythroxylon coca var. novodrannatense Morris, lá tròn và rộng.
- Trồng bằng hạt, tại Bôlivia người ta trồng tại những vùng cao từ 300-1.800m, nhiệt độ trung bình trong năm giữa 18-26°C. Thường có tính chất lẻ tẻ từng gia đình. Thu hoạch lá bắt đầu từ năm thứ hai. Phơi hay sấy, rồi đóng thành bao từ 30-50kg. Mỗi hecta cho 85kg lá một vụ. Mỗi năm cho 340-359kg. Nếu chăm sóc đúng có thể cho tới 800kg. Mỗi năm hái lá từ 2 đến 4 lần.
- Cây này được nhập vào nước ta từ lâu, vào khoảng 1930, nhưng không được phát triển. Cả miền Bắc và miền Nam đều thấy mọc tốt.
Thành phần hóa học
Trong lá cô ca có từ 6-7% nước, 8-10% chất vô cơ, một ít tanin, axit clorogenic.
Trước đây người ta xác định trong lá cô ca có cocaxitrin và cocaflavin, nhưng nay người ta đã xác định các chất đó tương ứng với rutozit và izoquexitrozit 0,05 đến 0,10% tinh dầu với thành phần chủ yếu là salixylat metyl, các chất sáp (ở mặt lá), một ít vitamin B1 B2 và G
Hoạt chất của cô ca được xác định là những ancaloid có với hàm lượng từ 0,5 đến 2% thuộc hai nhóm chính là:
- Dẫn xuất của N-metyl pyrrolidin gồm 1 vòng, bay hơi. Đó là hygrin và cuscohygrin.
- Dẫn xuất của pseudotropanol; gồm 2 vòng, không bay hơi, quan trọng nhất, trong đó người ta lại phân ra:
Este của ecgonin (axit pseudotropanolcacbonic) hay ecgonein gồm:
- Cocain hay metylbenzoylecgonin, chứa ancol của pseudotropanol được este hóa bởi axit benzoic.
- Xinamylcocain (metyl xinamyl ecgonin).
- Truxillin hay cocamin (metyltrucillyl ecgonin) trong đó axit este hóa là các axit α hay β truxilic (dixinnamic) là những đồng phân cis và trans.
- Tropacocain tức là benzoyl pseuđotropanol.
Ngoài ra Hegnauer còn phát hiện được một ít nicotin. Tỷ lệ những ancaloid thay đổi tùy theo nguồn gốc: Lá ở Bôlivia (Huanuco) chứa chủ yếu cocain và cuscohygrin, lá Pêru (Truxillo) chứa cocain và xinamylcocacin, lá ở Giava chứa xinamylcocain và một ít tropacocain.
Tác dụng dược lý
- Thổ dân nhiều nước miền nam châu Mỹ đã biết sử dụng lá cô ca từ lâu đờì vì họ cho rằng đây là một thứ thuốc bổ: Nhai lá cô ca thì không thấy cảm giác đói và khát do chất côcain làm tê niêm mạc dạ dày. Nhai lá cô ca còn làm cho người ta làm việc chân tay mà không cảm thấy mệt nhọc. Thực tế đây chỉ là một cảm giác do tác dụng gây tê của ancaloid chứ không phải là thức ăn dự trữ và cũng không có tác dụng bổ hay làm khỏe người, quên cả đói khát.
- Chất cocain là một thuốc tê bề mặt, tác dụng lên các đoạn cuối của dây thần kinh cảm giác, gây co mạch do tác dụng giống giao cảm.
- Dùng trong, cocain là một chất độc đối với hệ thần kinh, lúc đầu làm cho phấn chấn tinh thần, sức các cơ được tăng lên, nhưng sau gây hiện tượng xìu. Liều cao sẽ kích thích dẫn tới co quắp và cuối cùng liệt hô hấp. Những chất hygrin không có tác dụng sinh lý rõ rệt. Những chất phân hủy của cocain cũng ít tác dụng.
Người ta phân biệt hai loại nghiện:
- Nghiện nhai lá côca (cocaisme): Người ta ước tính khoảng 5-6 triệu dân miền nam châu Mỹ nghiện nhai lá côca. Mỗi người nhai khoảng vài kilôgam lá một năm. Cách nhai của thổ dân ở đây giống như nhân dân ta nhai trầu không: Lá nhai với tro bếp (kiềm). Nhai như vậy họ chịu đựng được những công việc mệt nhọc, nhưng dần dần người gầy yếu và suy sụp.
- Nghiện tiêm và hít cocain (cocainomanie) xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới. Người nghiện luôn luôn phải tiêm dưới da hoặc hít cocain clohyđrat với liều ngày càng tăng để tìm sự kích thích sảng khoái nhất thời nhưng kèm theo sự suy sụp với những biến chứng về nghe, nhìn, ảo giác, tinh thần giảm sút…
Công dụng và liều dùng
- Trong y dược lá côca (phải chứa ít nhất 0,7% ancaloid, trong đó chủ yếu là cocain) được dùng làm thuốc, nhưng xếp vào những thuốc gây nghiện, khi dùng phải theo những chế độ rất nghiêm ngặt để tránh gây nghiện cho người dùng. Những chế phẩm của lá côca như bột, cồn, cao lỏng chứa trên 5 phần nghìn ancaloid cũng đều phải theo những quy chế đối với thuốc gây nghiện. Trước đây người ta thường dùng chế phẩm của lá côca làm thuốc bổ, nhưng hiện nay việc sử dụng này đã rất hạn chế. Dùng ngoài nước hãm lá côca được dùng làm thuốc súc miệng.
- Hiện nay công dụng chủ yếu của lá côca là làm nguyên liệu chiết cocain dưới dạng clo- hydrat cocain (thuốc độc gây nghiện, dùng với liều dùng tối đa 0,03-0,06) để làm thuốc tê tại chỗ trong khoa tai mũi họng, răng. Người ta ước tính nhu cầu cocain trong y dược toàn thế giới chỉ vào khoảng dưới 2 tấn/năm, nghĩa là chỉ mới chiếm có 4% tổng lượng lá côca sản xuất trên toàn thế giới (theo con số công bố chính thức). Riêng Pháp đã sản xuất tới 200kg côcain/năm và hằng năm phải nhập hàng chục tấn lá côca hoặc cocain thô từ những nước trồng côca.
- Làm nguyên liệu chế nước uống giải khát và nhai: Người ta ước tính nhu cầu này lớn nhất, chiếm hàng nghìn tấn/năm ngoài những sản lượng chính thức công bố. Người ta tìm mọi cách để hạn chế sự gây nghiện nguy hại này nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại những nước có truyền thống dùng lá côca nhai với tro bếp như nhân dân một số nước châu Á nhai trầu
- Nhu cầu dùng lá côca làm nước giải khát (nước uống côca-côla) cũng rất lớn, xuất phát từ quan niệm cho rằng lá côca là thuốc bổ trước đây. Để tránh sự gây nghiện và để bảo đảm cho nguồn nguyên liệu được dễ dàng, hội nghị quốc tế hạn chế chất ma túy năm 1961 đã quy định là những lá côca đã loại hết các chất ecgonin, cocain và những ancaloid dẫn xuất của ecgonin thì không phải theo những hạn chế về việc buôn bán những chất ma túy.