Mô tả con vật
- Ở nước ta hiện nay có ba giống dê chính: dê Việt Nam, dê Ấn Độ và dê Mông cổ. Gốc giống dê nuôi vốn là giống dê núi Capra prisca, sau giống dê này được thuần hóa, lai tạp với nhiều giống dê khác như dê núi Ấn Độ Capra aegagrus.
- Dê Việt Nam chưa rõ nguồn gốc ở đâu, có hình vóc nhỏ, chỉ cao chừng 50cm, mình dẹp, chân nhỏ, lông nhiều màu sắc, tai đứng, sừng hơi cong nhọn đưa về phía sau, dài từ 8 đến 15cm, thỉnh thoảng có con sừng nhú hơi cong về phía trước. Dê đực mình ngắn, vạm vỡ, to hơn dê cái, đầu cổ và sống lưng có lông dài cứng, chùm râu cằm rậm, sừng dài, khi già có thể xoắn lại. Dê cái trông đều đặn, hiền hậu. Dê Ấn Độ do người Pháp và Ấn Độ mang vào nước ta vào đầu thế kỷ 20, đã thích nghi với khí hậu nước ta. Dê Ấn Độ có thân dài và cao 80- 90cm, trông mảnh khảnh, mắt thường lồi lên, tai to và rủ xuống, sừng ngắn hay không có sừng. Lông màu sẫm đen hoặc xám nhạt, vú to. Dê Mông Cổ mới nhập vào nước ta khoảng vài chục năm gần đây. Mình vừa phải, to hơn dê ta nhưng nhỏ hơn dê Ấn Độ. Tai thẳng và mảnh, sừng dài, thẳng, hơi chếch về phía sau. Lông có màu trắng đen. Đặc biệt lông có hai thứ: lông thô dài cứng thò ra bên ngoài, lông tơ ngắn mềm ở bên trong có thể dùng làm len.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
- Dê được nuôi từ lâu đời, có thể phát triển ở tất cả các vùng, nhất là trung du và miền núi, rừng núi đá như Cao Bằng, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình lại càng thích hợp. Dê đực 2-3 tuổi nhảy cái tốt nhất, dê cái 4-5 tháng đã có khả năng sinh sản nhưng tốt nhất là nên đợi đến 7-8 tháng; dê cái 5-6 tuổi nên cho nghỉ đẻ. Tốt nhất là dê đẻ vào thời kỳ 2-4 năm tuổi. Một dê đực có thể phục vụ cho 30-50 dê cái. Nếu ít đực quá thì dê sinh sản kém, dê đực chóng hỏng, nhưng nếu nhiều đực quá thì lại hại cái và tốn công nuôi đực vô ích; Cứ 18-20 ngày dê cái động hớn một lần. Mỗi lần kéo dài 2-3 ngày, dê chửa ít nhất 140 ngày, nhiều nhất 157 ngày thì đẻ (trung bình 147-150 ngày). Dê Việt Nam mỗi lần thường đẻ 2 con, có khi 3, ít khi 1 con. Dê Mông Cổ thường chỉ đẻ 1 con. Một năm dê có thể đẻ 2 lứa.
- Hầu như tất cả các bộ phận của con dê (thịt dê, tiết dê, gan, dạ dày, tinh hoàn …) được dùng làm thuốc. Gần đây có nơi nấu cao dê hoặc chỉ dùng xương, hoặc dùng cả thịt lẫn xương (chỉ bỏ ruột gan) để nấu cao dê toàn tính.
Thành phần hóa học
Theo Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội (1972) trong 100g thịt dê có 17,5% protit, 40% lipit. Nhưng hiện nay đối với các nước người ta chú ý so sánh thành phần hóa học của sữa dê với một số sữa khác: Loại sữa Cặn khô % Chất béo % Prôtit % Anbumin globulin Lactoza % Muối khoáng Độ axit % Sữa dê 13,1 4,1 5,5 1,7 4,6 0,85 – Sữa bò 12,83,7 3,5 0,6 4,6 0,80 16-18 Sữa trâu 18,2 7,1 4,05 – 5,0 – 18-22 Sữa cừu 17,1 6,75,8 – 5,7 0,82 20-25
Công dụng và liều dùng
- Tiết dê (dương huyết) máu dê vừa chảy ra cho ngay vào rượu 40° (1 phần tiết, 3-4 phần rượu), lắc đều. Ngày uống 20-40ml rượu này làm thuốc bổ huyết, chữa choáng váng, chóng mặt, nhức đầu, đau lưng. Theo tài liệu cổ, tiết dê có tác dụng giải độc của những chất độc thuộc kháng vật.
- Thịt dê (dương nhục). Theo tài liệu cổ thịt dê có vị ngọt, tính rất nóng, không độc vào ba kinh tỳ, vị và can, có tác dụng trợ dương, bổ tinh huyết, dùng chữa ho lao, gầy yếu, phụ nữ sau khi đẻ gầy yếu, khí hư, cạn sữa, huyết hôi đều dùng được. Dùng thịt tươi nấu chín cùng với một số vị thuốc khác như xuyên khung, mỗi ngày dùng từ 40 đến 60g. Gan dê (dương can) chữa những trường hợp can phong hư nhiệt, mắt mờ đỏ, sau khi khỏi sốt bị mờ mắt. Mỗi ngày ăn 30-60g nấu chín mà ăn, dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác.
- Tinh hoàn dê. Trị thận yếu, tinh hoạt. Ngày dùng 25-30g ngâm rượu uống.
- Dạ dày dê chữa gầy yếu, ăn vào bị nôn mửa. Ngày uống 20-30g.
Đơn thuốc có những vị thuốc lấy từ dê:
- Cao dê toàn tính: Chữa thiếu máu, hay đau bụng, gầy còm, hay đau mỏi lưng. Toàn con dê, mổ bỏ ruột, cạo lông, nấu với nước nhiều lần. Nước nấu được lọc trong, cô thành cao mềm. Ngày uống 5-10g.
- Dương quy sinh khương dương nhục thang: Chữa phụ nữ sau khi đẻ xong suy yếu, gầy còm, kém ăn, ít sữa (trích ở sách Kim quỹ): đương quy 5g, sinh khương 10g, thịt dê 40g. Nấu chín kỹ, chia làm hai lần ăn trong ngày.
- Trẻ con hay ăn đất. Thịt dê 20g nấu kỹ lấy nước cho uống.
- Chữa đau nhức xương: Thịt dê l00g, hoài sơn 100g, gạo tẻ một ít, nấu cháo thật nhừ mà ăn trong một ngày. Nguyên dương đại bổ (thuốc do Câu lạc bộ y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh sản xuất từ tháng 4/1981 theo đơn của cố lương y Nguyễn Kiều): Viên hoàn 10g/hoàn, gồm 10 vị: Xương thịt dê non sấy khô, đậu đen, thổ phục linh, rau má, mạch nha, ngải cứu, cám nếp, diêm sinh, phèn chua, tất cả tán nhỏ luyện với mật ong thành. Bồi bổ toàn thân cho trẻ em, người già, ngày dùng 1-2 hoàn.
Chú thích:
Không nên nhầm con dê núi Capra prisca và con sơn dương có tên khoa học Capri cornis sumatrensis cũng gọi là con dê núi hay dê rừng thường ở núi đá vôi. cả hai con này đều dược- dùng làm thuốc như dê nhà nhưng hiếm và quý hơn.