Mục lục
Mô tả
- Cây nhỏ, cao 3 – 4m. Thân có vỏ xù xì và màu nâu. Cành vặn vẹo, có lông sau nhẵn.
- Lá mọc so le, hình mác thuôn, dài 4 – 14 cm, rộng 1,2 – 2,5 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới lúc đầu có lông sau giảm dần, mép nguyên hoặc hơi khía răng; cuống lá dài 0,5 – 1,5 cm, có lông, lá kèm hình giùi, hơi phình ở gốc.
- Cụm hoa đực mọc ở kẽ là thành chùm cong gồm nhiều lá bắc, trục có lông, có rãnh và nhiều hoa, hoa mọc kẹp giữa lá bắc và 2 lá bắc con; lá đài 3, mảnh, nhị nhiều. Cụm hoa cái dài thành bông, lá bắc và lá bắc con dài bằng đài, hoa không cuống, lá đài 5 xếp lợp, có lông ở mặt ngoài; bầu hình cầu, có lông, 3 ô.
- Quả nang, hình cầu, có lông, đường kính 4mm, 3 mảnh vỏ rõ, hạt hình trứng.
- Mùa hoa quả: tháng 3-7.
Phân bố, sinh thái
Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hoà. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin.
Cây ưa sáng, ưa ẩm, nơi mọc thích hợp là dọc theo các bờ suối, thượng nguồn của các con sông, độ phân bố lên tới 1500mm.
Bộ phận dùng
Rễ, gỗ, lá – Radix, Lignum et Folium Homonoiae Ripariae.
Có thể thu hái rễ và các bộ phận của cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học
- Dịch nhựa chứa toxalbumin (albumin độc), crepetin (Võ Văn Chi, 1997).
- Rù rì bờ sông chứa taraxeron là quercetin – 3 – O – β – D – glucopyranosyl (1 – 6) O – α -L- rhamnosid. Hàm lượng tannin trong toàn cây bỏ rễ là 3,5% [Atal CK et al., 1978, Indian J. Exptal Bilogy, vol. 16, p. 330 – 349]
Tác dụng dược lý
Độc tính cấp:
Toàn cây rù rì bờ sông bỏ rễ, phơi khô, nghiền thành bột khô, chiết bằng ethanol 50%, rồi cô dưới áp suất giảm đến khô, nghiền thành bột rễ được bột cao khô. Thử độc tính cấp dùng tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng đã xác định được LD50 = 500 mg/kg. [Bhakuni et al., 1969, Indian J. Exptal Biology, vol.7; 250 – 262].
Tác dụng lợi tiểu:
Nước sắc rễ rù rì bờ sông có tác dụng lợi tiểu [Chopra et al., 2001, Glossary of Indian Med Plants, Ed. 6, p.135, NISC – New Delhi).
Tính vị, công năng
Rễ có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lợi đàm, tiêu viêm giải độc, lợi niệu. Ở Ấn Độ người ta cho là rễ nhuận tràng, lợi niệu.
Công dụng
Rễ rù rì bờ sông được dùng chữa rối loạn tiết niệu, đái dắt, đái són, sỏi bàng quang. Cũng dùng để nhuận tràng, chữa trĩ. Liều dùng 10 – 15g rễ khô, sắc uống.
- Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ trị cảm, viêm gan cấp tính và mãn tính, đòn ngã, bệnh lậu, giang mai, sỏi bàng quang.
- Ở Ấn Độ, nước sắc rễ rù rì được dùng để lợi tiểu, chữa rối loạn tiết niệu, đái són đau, sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu. Còn dùng để nhuận tràng, chống loét tiêu hoá, chữa trĩ, chữa lậu và giang mai (Chopra et al., 2001, Glossary of Indian Med. Plants, Ed.6, p.135, NiSC – New Delhi; Nadkarni, 1999, Indian materia medica, p.652. Popular Prakashan Bombay – India).
- Ở Campuchia, các chồi non và lá được dùng nấu nước gội đầu, gội đầu bằng nước hãm cũng chữa sốt rét.
- Ở Lào, nước nấu lá dùng trị ghẻ.
- Ở Giava (Inđônêxia), người ta dùng dịch cây để nhuộm răng đen và làm bền chắc răng bị lung lay.
- Ở Malaixia, lá và quả nghiền ra dùng đắp trị bệnh ngoài da; cũng có thể sắc nước uống.
Nguồn: Từ điển cây thuốc Việt Nam