Mô tả
- Cây to, cao 15 – 20 m, tán lá tròn, vỏ thân xù xì, màu đỏ hồng, thường tróc từng mảng.
- Cành hình trụ, có lông, có sẹo lá rất sát nhau.
- Lá to, mọc so le, hình mác hoặc bầu dục – thuôn, dài 1,5-3 cm, rộng 6 – 10cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mép khía răng đều và sít nhau, mặt dưới có lông và gân phụ nổi rõ; cuống lá dài 3 – 5 cm, có rãnh và lông.
- Hoa to, đường kính khoảng 10 cm, mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống mập có lông; đài có 5 bản dày và dai; tràng 5 cánh lớn hơn đài, sớm rụng; nhị nhiều bằng nhau, bao phấn dài hơn chỉ nhị, nút ở đỉnh; bầu thuôn có khoảng 20 lá noãn.
- Quả mang đài tồn tại, phát triển thành bản dày, mọng nước, đường kính 10 cm hay hơn, vị chua, ăn được.
- Mùa hoa: tháng 3 – 5; mùa quả: tháng 8 – 10.
Phân bố, sinh thái
- Chi Dillenia L. gồm một số loài là cây gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, hiện có 9 loài, sổ bà là cây có kích thước lớn so với các loài cùng chi. Cây phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Ân Độ, Việt Nam, Lào, Malaysia.
- Ở Việt Nam, sổ bà thường gặp ở các tỉnh vùng núi như Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình và một số tỉnh miền Trung. Cây thường mọc ở bờ suối, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, độ cao đến 1000 m. Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng, ra hoa quả nhiều, quả rụng xuống, phát tán theo dòng nước. Do đó, ở một số vùng thượng nguồn sông thuộc vùng núi đôi khi cũng thấy cây sổ bà. sổ bà tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, xung quanh gốc cây mẹ thường gặp nhiều cây con vào mùa mưa ẩm.
Thành phần hóa học
- Vỏ và lá sổ bà chứa tanin với hàm lượng: 10% ở vỏ và 9% ở lá. Lá dài cũng chữa tanin 0.37%, glucose 2,92% và acid malic. 0,51% (The Wealth of India III, 1952)
- Theo cuốn Trung dược từ hải 1, 1993, cây số bà chứa acid betulinic, betulinaldehyd, betulin, lupeol. Ngoài ra, còn có myricetin, (+) -dihydroisorhamnetin, 3’, 5 – dihydroxy – 4’. 3-dimethoxyflavon – 7 – O – β – D -glucopyranosid, 4, 5. 7 – 3’, 4’-pentahydroxyflavon – 3 – O – β – D- glucopyranosid, 1,8-dihydroxy-2-methylanthraquinon-3 – O – β – D — glucopyranosid, 5-7-dihydroxy – 4’ – methoxyflavon – 3- O – β – D – glucopyranosid
Bộ phận dùng
Lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô. Còn dùng quả, rễ và vỏ thân.
Tính vị, công năng
- Sổ bà có vị chua, chát, tính bình, có tác dụng thu liễm, giải độc.
Công dụng
- Quả sổ bà thường được ăn sống hoặc ép lấy nước trộn với đường pha thêm nước đun sôi để nguội được một thứ nước giải khát rất tốt. Quả còn dùng làm xốt chua, mứt, thuốc ho.
- Lá sổ tươi (loại lá bánh tẻ) rửa sạch, giã nát thêm nước, gạn uống chữa đái dầm, ngộ độc thức ăn. Liều dùng: mỗi lần 30 – 40g, ngày 2 lần. Lá sổ bà phơi khô (8 – 16g) sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống chữa ho, sốt, phù thũng, đầy bụng. Có thể nấu thành cao để dùng dần.
- Ở Trung Quốc, rễ và vỏ thân cây sổ bà được dùng chữa sốt rét. Ở Ấn Độ, quả ép lấy nước trộn với đường nấu và cô đặc thành dạng mứt và chế thuốc.