Mô tả
- Cây nhỏ có cành.
- Lá kép lông chim lẻ gồm 10 đến 26 đôi lá chét, hầu như không có cuống, hình trứng dài, dày, nhẵn hoặc có lông ở mặt dưới.
- Hoa và bao hoa phủ đầy lông.
- Quả hạch màu đỏ, nhẵn, hơi thuôn dài, đầu tù và cong, mặt trong có lông thưa và ngắn. Một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây mọc phổ biến ở khắp nước ta nhưng phổ biến nhất ở miền trung. Còn thấy ở Malaixia, Inđônêxia.
- Người ta dùng quả vỏ thân và vỏ rễ phơi hay sấy khô làm thuốc.
Thành phần hóa học
Hạt chứa dầu béo, màu vàng nhạt.
Trong vỏ và gỗ bách bệnh người ta đã chiết được các chất sau:
- Các hợp chất quassinoid: eurycomalacton, 6-α-hydroxyeurycomalacton, longilacton, 5, 6-dehydro-eurycomalacton, 14, 15-β-dihydroxyklaineanon, 11-dehydroklaineanon, các quassinoid có tác dụng diệt vi trùng sốt rét Plasmodium falcifarum đã kháng thuốc.
- Các hợp chất triterpen loại lirucalan: niloticin, dihydroniloticin, piscidinol A, bourjotinolon A, episapelin A, melianon và hyspidron.
- Từ rễ đã phân lập được 3 quassinoid: eurycoinanol, eurycomanol 2-O-β-D-glucopyranosid và 13β, 18-dihydroeurycomanol.
- Các alkaloid loại canthin-6-on được phân lập từ vỏ và gỗ: 9, 10-dimethoxycanthin-6-on, 10-hydroxy-9-methoxy-canthin-6-on, 11 hydroxy-10-methoxy- canthin-6-on, 5, 9-dimethoxycanthin-6-on và 9-methoxy-3 methyl-canthin-5, 6 – dion.
- Ngoài ra còn có các alkaloid carbolin.
- Từ vỏ cây bách bệnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam đã xác định được thành phần hai chất đắng euricomalacton và 2. 6 dimethoxybenzoquinon.
- Ngoài ra, còn campestrol, và β-sitosterol.
Quy trình chiết quassinoid như sau:
- Sắc vỏ bằng nước nhiều lần, cô cho hơi đặc.
- Dùng tanin để kết tủa quasin sau đó gạn lấy cặn, rửa cặn và loại tanin bằng chì cacbonat, quasin được giải phóng.
- Cô đặc trên nồi cách thuỷ. Dùng cồn 800 để chiết (cồn đun sôi), cất thu hồi cồn, ta được quasin thô.
- Muốn tinh chế, rửa quasin thô bằng hỗn hợp cồn và ête. Người ta cho quasin và neoquasin có công thức chung C22H30O6. Quasin có hai nhóm metoxyl và một OH tự do. Dùng axit clohydric đun sôi để khử metyl ta sẽ được một hợp chất truhydroxyl gọi là quasinol.
Vị thuốc Bách bệnh
Hình ảnh vị thuốc bách bệnh
Tính vị: vị đắng, tính mát
Tác dụng: thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi thấp, lợi tiểu, lương huyết, chỉ lỵ, thường dùng chữa chàm ở trẻ nhỏ, tiểu tiện ra máu, nhức mỏi, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng,..
Công dụng và liều dùng:
- Như tên của cây, đây là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh (bách là trăm).
- Vỏ dùng chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng.
- Quả dùng để chữa lỵ
- Vỏ phơi khô tán bột ngâm rượu hay làm thành viên uống.Ngày dùng 4 đến 6g.
- Lá còn được dùng tắm ghẻ, lở ngứa.
- Một số tài liệu nghiên cứu gần đây cho thấy bách bệnh có tác dụng kích thích sinh dục nam. Cây này được tìm thấy trong vùng rừng rậm ở nước ta, và đã được phân loại, nghiên cứu thực vật, sinh hóa, lâm sàng… được bào chế thành thuốc có tác dụng cải thiện sức khỏe, phòng và hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới.
Liều lượng
- Ngày dùng 4-6g dưới dạng thuốc sắc hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
- Phụ nữ có thai không dùng.
Bài thuốc có vị Bá bệnh
Chữa chàm ở trẻ nhỏ, chữa lở ngứa, ghẻ: Lá bách bệnh đun nước tắm, rửa sạch chỗ bị chàm rồi giã nát đắp lên đến khi khỏi.
Chữa đầy bụng, ăn không tiêu: Vỏ thân bách bệnh 12g, trần bì 8g, can khương 4g, đậu khấu 6g, xích phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống 5-7 ngày.
Chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông, đau bụng khi có kinh: Rễ bách bệnh 15g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng 7-10 ngày.
Thuốc bổ, kích thích tiêu hóa: Rễ bách bệnh 20g, 10 quả chuối sứ khô nướng vàng, ngâm với 1 lít rượu trắng, ngâm khoảng 7 ngày là dùng được, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ (khoảng 30 ml).
Tăng cường sinh lực, hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới:
- Bách bệnh 400mg, tinh chất nhân sâm 50mg, linh chi 50mg được bào chế thành viên nang.
- Liều lượng và cách dùng theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.