Mô tả
- Cá ngựa có thân dài 15-20 cm, có khi đến 30 cm, màu trắng, vàng nhạt hoặc hơi xanh đen.
- Toàn thân được cấu tạo bởi những đốt xương vòng.
- Gọi là cá nhưng nó không có vây và đuôi như đuôi cá. Đuôi nó giống như cái móc hình xoắn ốc, gồm khoảng 40 đốt xương, dài bằng hoặc hơn phần thân để quấn vào các đám tảo hay các nhánh san hô dưới biển, giữ cho thân thẳng đứng.
- Cá ngựa đực có túi trước ngực (một nếp gấp dưới da) để hứng và ấp trứng do cá cái đẻ.
Phân bố, chế biến
Sống ở vùng nước gần bờ, nơi nước trong, có độ muối cao, ven biển Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia…
Cá ngựa đã được ghi trong bộ sách thuốc “Bản thảo cương mục thập di” của Triệu Học Mẫn (Trung Quốc, thế kỷ 18). Nhiều vùng ở Việt Nam cũng biết dùng loại cá này để làm thuốc.
- Chế biến: Các ngư dân khi bắt được cá ngựa thì mổ bỏ ruột, phơi khô hoặc sấy để làm thuốc (khi dùng thì tẩm rượu, sao qua, tán bột).
- Tuy nhiên, loại cá này đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam vì số cá thể trong thiên nhiên ngày càng giảm sút sau những đợt săn bắt ráo riết của con người.
Vị thuốc cá ngựa
Tính vị: Cá ngựa vị ngọt, tính ôn, không độc
Tác dụng: làm ấm thận, tráng dương, tiêu báng hòn, nhọt sưng, thúc đẻ, chữa liệt dương ở nam giới và hiếm muộn ở phụ nữ.
Bài thuốc có vị Cá ngựa
Để chữa sản phụ đẻ khó:
dân gian thường lấy cá ngựa đốt tồn tính, tán bột, uống 10 g, đồng thời tay cầm cá ngựa.
Chữa liệt dương:
Cũng theo kinh nghiệm dân gian, việc dùng cá ngựa một đôi sấy khô vàng, tán bột, uống ngày 3 lần (mỗi lần 1 g, dùng nước chiêu thuốc) có thể chữa liệt dương ở nam giới và vô sinh ở nữ giới.
Cách sử dụng cá ngựa phổ biến nhất là ngâm một đôi trong rượu để uống.
- Người bán thường buộc từng cặp 2 con bằng nhau, coi như một đực một cái.
- Cũng có thể kết hợp cá ngựa với ba kích, hồ đào, phà cố chỉ, nhân sâm (lượng bằng nhau) làm viên uống với rượu, mỗi ngày 20-30 g.