Cây mật gấu là một cây thuốc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, như thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn, tiêu viêm… Đặc biệt, nó có khả năng chống viêm và giảm đau tốt cho người bị bệnh viêm xương khớp. Trong bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn về cách sử dụng và lưu ý khi dùng cây mật gấu chữa xương khớp. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
1. Cây mật gấu có tác dụng gì với bệnh xương khớp?
Cây mật gấu là một loại dược liệu làm thuốc đã được người dân sử dụng từ lâu bởi có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp rất tốt.
– Theo Đông y, cây mật gấu có vị đắng với công dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Đồng thời, nó giúp kháng khuẩn, tiêu viêm, giải độc, giảm đau lưng và thấp khớp nên hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp hiệu quả.
– Theo Y học hiện đại, có nhiều bài báo khoa học đã chứng minh tác dụng của cây mật gấu với các vấn đề xương khớp:
- Các hoạt chất có trong cây mật gấu như vitamin B1, B12, acid amin (leucin, threonin, tyrosine, methionine…), kẽm, sắt, selen… bổ sung dưỡng chất cho xương khớp phát triển khỏe mạnh.
- Các hoạt chất polyphenol, anthocyanin, flavonoid có tác dụng kháng viêm, chống oxy hoá… ức chế hoạt động của các chất trung gian hoá học gây viêm nên giảm triệu chứng viêm khớp, hỗ trợ điều trị các bệnh do quá trình viêm mãn tính như viêm xương khớp, thoái hóa khớp…
Vì có lợi trong việc điều trị viêm xương khớp, người dân đã biết sử dụng cây mật gấu chữa bệnh theo nhiều cách khác nhau như uống lá mật gấu, ngâm rượu thân cây mật gấu. Những đối tượng mắc bệnh xương khớp có thể dùng cây này gồm viêm khớp, thoái hoá khớp, thoát vị đĩa đệm…
2. Cách chữa bệnh xương khớp bằng cây mật gấu
Có một số cách dùng cây mật gấu được người dân truyền tai nhau và đem lại hiệu quả như uống trà, ngâm rượu. Dưới đây là cách chế biến cụ thể cây mật gấu trong điều trị xương khớp, những người thường xuyên bị đau nhức xương khớp, khớp bị đau sưng do thoái hóa có thể tham khảo:
Cách 1: Uống lá mật gấu
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Lá mật gấu: khoảng 50g lá mật gấu tươi hoặc khô. Để sử dụng được lâu, mọi người có thể phơi khô lá mật gấu rồi sử dụng dần.
- Nước sạch.
– Cách thực hiện đơn giản như sau:
- Lá mật gấu rửa sạch, để ráo. Đem cắt thành những khúc nhỏ cả phần thân và lá.
- Bắc nồi lên bếp, cho khoảng 1 lít nước đun đến sôi, cho lá mật gấu vào nấu trong khoảng 15 phút giữ lửa nhỏ để các hoạt chất ra hết.
- Sử dụng lá này thay thế nước uống hàng ngày để cải thiện các vấn đề xương khớp, thường uống 2 – 3 tuần là các triệu chứng đã được cải thiện.
Lưu ý không dùng nước uống để qua đêm vì dễ bị thiu ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cách 2: Ngâm rượu cây mật gấu
– Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cây mật gấu: Hiện nay có 2 loại cây mật gấu phổ biến là mật gấu miền Bắc và mật gấu miền Nam. Chúng sẽ có hàm lượng các hoạt chất khác nhau. Chúng ta ưu tiên lựa chọn mua mật gấu miền Bắc và lấy phần rễ + thân đem đi ngâm rượu do có các hoạt chất với hàm lượng cao. Bạn có thể mua cây tươi hoặc dược liệu đã phơi khô đều được.
- Rượu: Nên lựa chọn loại rượu được nấu từ gạo không chứa chất bảo quản tại các địa chỉ uy tín để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Thường dùng rượu từ 40 – 45 độ.
- Tốt nhất là 1kg cây mật gấu ngâm với 3 – 5 lít rượu.
- 1 bình thủy tinh có dung tích thích hợp.
– Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu. Rửa sạch phần thân và rễ của cây mật gấu, loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và tạp chất khác. Nếu thân mật gấu có vỏ dày thì gọt bỏ bớt vỏ.
- Bước 2: Chẻ nhỏ phần thân và rễ cho vừa vào bình. Đồng thời, nó còn giúp rượu thấm nhanh vào dược liệu, nhanh chóng ra các tinh chất có trong loại cây này.
- Bước 3: Bình thủy tinh rửa sạch, để ráo. Sau đó cho tất cả các phần thân và rễ đã thái vào, rồi cho rượu ngập dược liệu rồi đậy chặt nắp.
- Bước 4: Ngâm trong ít nhất 1 tháng là bạn có thể mang ra sử dụng. Lúc này rượu đã ngả vàng. Tuy nhiên, khi ngâm rượu càng lâu thì rượu càng chiết xuất được hết dược chất ra ngoài và rượu dịu mùi vị hơn.
- Bước 5: Sau khi đã ngâm đủ thời gian, mỗi lần chỉ nên uống khoảng 1 ly rượu nhỏ. Mỗi tuần đều đặn uống khoảng 2 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy phần rượu đã ngâm cây mật gây đem thoa tại các vùng có xương khớp đau nhức.
Lưu ý:
- Chỉ nên ngâm rượu với cây mật gấu, không kết hợp với các loại dược khác trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền.
- Nếu khi dùng thấy rượu có vị đắng quá thì bạn có thể pha thêm với nước để hạ vị đắng. Tuy nhiên, lượng rượu trắng nên giảm dần sau các lần sử dụng để cơ thể quen với độ đắng của rượu. Thường sau 15 – 20 ngày là không phải pha thêm rượu nữa.
3. Lưu ý khi chữa bệnh xương khớp bằng cây mật gấu
Trong quá trình sử dụng cây mật gấu, cần chú ý những vấn đề sau để đảm bảo bệnh nhanh khỏi và an toàn cho sức khỏe.
- Trong cây mật gấu chứa nhiều hoạt chất có tác dụng như kháng sinh. Vì vậy, không nên lạm dụng cây này do nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Người bệnh chỉ nên uống với tần suất vừa phải, khoảng 2 tuần/đợt, nghỉ, rồi sau đó dùng lại.
- Bắt đầu uống với liều lượng thấp, sau đó tăng dần để cơ thể làm quen với thuốc, tránh hiện tượng kích ứng, đau dạ dày do không hợp thuốc.
- Bên cạnh việc sử dụng cây mật gấu chữa bệnh xương khớp, nên bổ sung các loại thực phẩm bổ sung hay món ăn tốt chứa khoáng chất cho xương khớp như magie, canxi, vitamin…
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giúp xương khớp tăng cường độ dẻo dai. Tuy nhiên chỉ nên tập luyện vừa phải để tránh việc xương bị tổn thương nhiều hơn do quá sức.
- Vì cây mật gấu có tác dụng hạ huyết áp, do đó người có huyết áp thấp không nên sử dụng.
- Phụ nữ mang thai không nên tự ý dùng cây mật gấu, chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
- Đây là những mẹo dân gian, hiệu quả sẽ khác nhau tuỳ cơ địa. Khi người bệnh thấy các triệu chứng tái phát, nên đến các cơ sở y tế để điều trị dứt điểm, đừng chủ quan rồi khiến bệnh chuyển nặng.
Trên đây là cách sử dụng cây mật gấu chữa bệnh xương khớp. Mong rằng bài viết có thể giúp ích cho bạn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.