Giảo cổ lam hay còn có tên gọi khác là cây Ngũ diệp sâm, Cỏ trường sinh là loài cây thường mọc ở những vùng núi cao có khí hậu mát mẻ. Theo nghiên cứu, trong giảo cổ lam có chứa đến hơn 100 loại saponin khác nhau, trong đó nhiều saponin quý tương tự như trong củ nhân sâm.
Tại Việt Nam, Giảo cổ lam được GS.TS. Phạm Thanh Kỳ – Nguyên hiệu trưởng trường đại học Dược Hà Nội phát hiện và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của ông đã chứng minh Giảo cổ lam thu hái ở Việt Nam có tác dụng tăng lực, làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, làm giảm đường huyết, ổn định huyết áp, tăng cường đáp ứng miễn dịch, hạn chế sự phát triển khối u.
Vào năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hoạt chất mới trong Giảo cổ lam đặt tên là Phanoside. Hoạt chất này có khả năng kích thích tiết insulin từ đảo tụy, làm nồng độ đường trong máu giảm, đồng thời giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu của bệnh nhân tiểu đường. Chính phát hiện này đã mở ra nhiều hướng đi mới triển vọng trong việc đưa Giảo cổ lam vào hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiện nay.