Thảo quyết minh có diện phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới trừ châu Mỹ. Ở Việt Nam cây phân bố hầu như ở khắp các địa phương ở miền Bắc nước ta… Người dân thường trồng thảo quyết minh trên các bờ kênh mương, bãi hoang để làm thuốc và làm nước uống như trà.
Mục lục
Đặc điểm chung
1. Đặc điểm thực vật
- Thảo quyết minh là một cây nhỏ cao 0,3 – 0,9 m, có khi cao tới 1,5 m.
- Lá mọc so le, kép, lông chim dìa chẵn, gồm 2 – 4 đôi lá chét. Lá chét hình trứng ngược lại, phía đầu lá nở rộng ra, dài 3 – 5 cm, rộng 15 – 25 mm.
- Hoa mọc từ 1 – 3 cái ở kẽ lá, màu vàng tươi.
- Quả là một giáp hình trụ dài 12 – 14 cm, rộng 4 mm, trong chứa chừng 25 hạt, cũng hình trụ ngắn chừng 5 – 7 mm, rộng 2,5 – 3 mm, hai đầu vát chéo, trông hơi giống viên đá lửa, màu nâu nhạt, bóng.
2. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Hạt phơi khô.
Công dụng:
- Hạt thảo quyết minh để tươi có vị nhạt, hơi đắng, có chất nhầy; sao qua thì có vị ngọt, đắng và mặn, tính hơi hàn; Có tác dụng thanh can, ích thận, khử phong, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện.
- Dùng chữa thong manh có màng, mắt đỏ, nhiều nước mắt, đầu nhức, đại tiện táo bón. Hạt thảo quyết minh sao vàng, pha nước uống có thể thay thế chè với tác dụng lợi tiểu, chống nóng. Thảo quyết minh còn dùng để ngâm rượu và dấm để chữa bệnh hắc lào, bệnh chàm mặt của trẻ em.
- Qua nghiên cứu, hiện nay người ta dùng thảo quyết minh làm thuốc bổ, lợi tiểu và đại tiện, ho, nhuận tràng, cao huyết áp, nhức đầu, hoa mắt.
Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
Cây thảo quyết minh có thể sinh trưởng ở các vùng sinh thái khác nhau nhưng ở các vùng khí hậu ấm áp thảo quyết minh cho năng suất và chất lượng tốt hơn.
Đất thích hợp để trồng thảo quyết minh là khu vực đồng bằng ven biển, độ pH đất thích hợp từ 5,5 – 6,0, các nơi khác vẫn trồng được nhưng năng suất, chất lượng thấp hơn.
2. Giống và kỹ thuật làm giống
- Thảo quyết minh thường được trồng bằng phương pháp gieo thẳng theo hốc.
- Lượng giống cần cho 1ha: 1,0 – 1,5 kg/ha trồng lấy dược liệu. Nên dùng hạt mới thu hoạch, không nên dùng hạt để lâu, chất lượng thấp, chọn hạt già, đảm bảo chất lượng, có tỷ lệ mọc cao từ 75% trở lên.
3. Thời vụ gieo trồng
Gieo hạt vào tháng 2 – 3; Thu hạt tháng 6 – 8.
4. Kỹ thuật làm đất
- Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại trước khi trồng. Ở nhiều địa phương, nông dân thường tận dụng đất bờ kênh mương để trồng thảo quyết minh. Đất được cày sâu 20 – 25cm, phơi ải, bừa kỹ, dọn sạch cỏ.
- Lên luống cao 20 cm, mặt luống rộng 1,0 – 1,2 m, chiều dài tùy ruộng, bổ hốc với khoảng cách 40 x 40 cm.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
- Mật độ trồng 62.500 cây/ha.
- Khoảng cách trồng 40 x 40 cm.
6. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón
Bón lót: Toàn bộ lượng phân hữu cơ + toàn bộ lượng phân lân và 1/2 lượng phân kali theo các hốc đã bổ sẵn.
Bón thúc: Chia làm 3 lần bón như sau:
- Lần 1: Khi cây mọc đều, bón kết hợp với tỉa dặm cây.
- Lần 2: Sau khi bón lần 1 khoảng 20 – 25 ngày.
- Lần 3: Sau khi bón lần 2 khoảng 30 ngày.
7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Bổ hốc theo kích thước 10 x 10 x 15cm, sau khi bổ hốc bón lót phân hữu cơ + phân lân + 1/2 phân kali, lấp đất kín, tiến hành gieo từ 2 – 3 hạt vào hốc, lấp đất dầy từ 0,5 – 1 cm, tưới nước đủ ẩm ngay.
Chăm sóc:
Chế độ chăm sóc chia làm 3 thời kỳ chính ứng với 3 thời kỳ bón phân như trên:
- Thời kỳ 1: Khi cây mọc đều tiến hành tỉa, dặm cây kết hợp xới xáo, bón đạm, vun luống, tưới nước. Đảm bảo mỗi hốc có từ 1 – 2 cây.
- Thời kỳ 2: Sau đợt 1 khoảng 20 – 25 ngày, làm cỏ, xới xáo, bón thúc phân đạm + phân kali.
- Thời kỳ 3: Sau kỳ 2 khoảng 30 ngày kết hợp làm cỏ, xới xáo, bón thúc lần cuối số phân đạm và kali còn lại.
Tưới nước:
Khi gieo hạt, trong vòng 7 ngày phải đảm bảo độ ẩm thường xuyên 90 – 95% cho cây mọc đều, sau đó độ ẩm cần đảm bảo 75 – 80%. Khi gặp mưa úng cần tháo nước ngay. Chọn nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm để tưới.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Thảo quyết minh chủ yếu bị sâu xám (Agrotis ipsilon) gây hại. Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ.
Biện pháp phòng trừ:
- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.
- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.
- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm.
9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
- Thu hoạch: Hạt thu làm dược liệu. Thu vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 khi quả chín già.
- Sơ chế: Phơi khô, đập lấy hạt, loại bỏ các hạt lép phơi hoặc sấy đến khô.
- Bảo quản: Cho dược liệu vào bao nilon bọc bao tải dứa bên ngoài, để nơi khô, mát tránh mốc, mọt.
Nguồn: Nguyễn Minh Khởi – Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc – Viện dược liệu.