Mô tả
- Cây thảo, sống hàng năm hoặc nhiều năm. Thân rễ dạng củ, thuôn như quả lê, đường kính 1 – 1,2 cm, màu nâu.
- Lá không cuống, mọc tụ họp thành hình hoa thị ở gốc, hình dải hẹp dài, gốc có bẹ, đầu nhọn hoặc hơi tù, gân lá song song, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng.
- Cụm hoa mọc từ thân rễ thành chùm dài 15-20 cm trên mặt cán dài khoảng 1m. Ở nách mỗi lá bắc, có hai hoa màu trắng rất thơm, tràng đơn hay kép, có ống hẹp loe ở đầu; nhị đính vào họng của ống tràng; bầu hạ, 3 ô.
- Quả chứa nhiều hạt dẹt.
- Mùa hoa: gần như quanh năm, rộ vào tháng 6-9.
Phân bố, sinh thái
Chi Polianthes L. ở Việt Nam chỉ có một loài hoa huệ trên. Cây có nguồn gốc từ Mexico, sau được du nhập nhiều vùng khác của thế giới.Cây được trồng nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ở Việt Nam, hoa huệ là cây trồng khá quen thuộc, nhưng không rõ thời gian được nhập nội từ bao giờ. Cây trồng rải rác khắp các tỉnh trên toàn quốc. Với mục đích làm cảnh, hoa huệ thường được trồng ngay tại vườn gia đình hay trồng trong chậu. Ở vùng ngoại ô các đô thị, hoặc ở những nơi có chùa chiền, cây được trồng đại trà trên cánh đồng. Hoa huệ là cây ưa ẩm và ưa sáng.
Bộ phận dùng
Hoa và củ.
Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu của hoa huệ là tinh dầu.
- Khi chiết với ether petrol thu được 0,08 – 0,11% chất dầu đậm đặc, có màu đồng tối, nặng, ít tan trong cồn.
- Khi cất kéo bằng hơi nước thu được khoảng 0,7% tinh dầu mà thành phần chủ yếu là: geraniol, nerol ở dạng tự do và dạng axetat, farnesol, benzylalcohol, benzyl benzoat, methyl salicilat, methylantranilat, eugenol, acid butyric, acid phenylacetic và methyl vanilin, trong đó methylantranilat là chất có mùi thơm rất bền nên còn được sử dụng như một chất định hướng (Phạm Hoàng Hộ, 2006).
Trong củ chứa saponin steroid mà phần genin là hecogenin và tigogenin (The Wealth of raw material in India, 1969). Ngoài ra, củ còn chứa một alcaloid là lycorin.
Tác dụng dược lý
Tác dụng gây độc:
Bốn spirostanol saponin phân lập từ cao chiết methanol phần dưới mặt đất của cây hoa huệ thể hiện hoạt tính độc hại tế bào in vitro đối với tế bào bệnh bạch cầu tiền tuỷ bào của người HL – 60 và tế bào ung thư biểu mô có vảy miệng người HSC – 2 (Mimaki Y et al. 2002).
Sáu polianthosid B, C, D, E, F, G phân lập từ thân hình tươi cây hoa huệ có hoạt tính độc hại tế bào đối với tế bào Hela (Jin J.M et al., 2004).
Tác dụng kháng nấm:
Hoạt tính kháng nấm của dịch cất cô đặc có mùi thơm của hoa huệ và một số thành phần của nó được đánh giá về tác dụng đối với sự tăng trưởng sợi nấm của nấm Collectotrichum glorosporioides trên môi trường thạch – khoai tây – dextrose. Dịch cất cô đặc hoa huệ chỉ thể hiện hoạt tính ức chế nhẹ ở nồng độ 500mg/lít. Tuy vậy 3 thành phần có trong dịch chiết cô đặc là geraniol, indol và methyl anthranilat có tác dụng ức chế hoàn toàn sự tăng trưởng sợi nấm ở nồng độ này (Sebastian E. et al., 2005).
Công dụng
Hoa huệ có tác dụng lợi tiểu, gây nôn. Ở một số địa phương, nhân dân dùng củ chữa sốt rét và hóc xương. Để chữa hóc xương, giã nát củ, vắt lấy nước, nhỏ vào cuống họng (tránh nhỏ vào răng).
- Ở Ấn Độ, theo kinh nghiệm y học dân gian, thân hành dưới dạng phơi khô tán bột hoặc rượu thuốc được dùng làm thuốc trị bệnh lậu, Thân hành giã nát được bôi lên da cùng với nghệ và bơ để chữa các mụn mủ đỏ nhỏ làm cho trẻ sơ sinh đau đớn khó chịu, và cũng được dùng dưới dạng thuốc nhão với dịch ép cỏ gà để bôi trị hạch sưng (hạch xoải) [Kirtikar K.R ct al., tập 4, 1998; 2474; Nadkarni K.M, 1999. 997).