Mục lục
Mô tả cây
- Lạc tiên là một loại dây mọc leo, thân mềm, trên có rất nhiều lông mềm.
- Lá mềm, mọc so le, hình tim, dài 6-10cm, rộng 5-8cm, mép lượn sóng và xẻ hơi sâu thành 3 thuỳ, đáy lá hình tim, mép lá có lông mịn, cuống lá dài 7-8cm. Đầu tua cuống thành lò xo.
- Hoa đơn độc, 5 cánh màu trắng hay hơi tím nhạt, đường kính 5,5cm lá đài màu trắng phía dưới có gân xanh, dưới lá đài có 3 gân chính với những gân phụ trông như lá mà không có phiến chỉ có gân lá không thôi. Một đĩa có 2 tầng tua, mặt tua trên có màu tím trong vàng, trong cùng có lông mịn. Trụ cao có đầu tím đỏ, 5 nhị có bao phấn màu vàng gục xuống dưới.
- Quả hình trứng dài 2-3cm. Mùa hoa 4- 5, mùa quả 5-7.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Mọc hoang ở khắp nơi tại nước ta. Thường trẻ con vẫn hái quả ăn. Trước đây hầu như nhân dân ta không dùng cây này làm thuốc.
- Từ năm 1940, một dược sĩ Việt Nam từ Pháp về thấy cây này hơi giống Passiflora ở bên Pháp mà tại Pháp người ta dùng cây đó làm thuốc an thần nên đã dùng cây lạc tiên của ta chế thành thuốc làm thuốc an thần. Từ đó ta quen dùng, chứ chưa ai kiểm tra theo dõi tác dụng đến đâu. Hái toàn cây trừ rễ,dùng tươi hay phơi khô mà chế thuốc sắc hay pha rượu thuốc. Không chế biến gì đặc biệt. Chưa ai đặt vấn đề trồng.
Thành phần hóa học
- Lạc tiên chứa pachypodol, 4’, 7-O-dimethyl-apigenin, ermanin-4’, 7-O-dimethyl-naringenin, 3,5-dihydroxy-4,7-dimethyloxyflavanon, chrysoerpol, 2”-xylosylvitexin, vitexin.
- Hàm lượng flavonoid toàn phần là 0,074%.
- Ngoài ra, cây còn chứa alcaloid 0,033%, trong đó có harman.
Tác dụng dược lý
Alcaloid toàn phần chiết từ cây lạc tiên đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm hoạt động của chuột nhắt được kích thích dùng cafein và kéo dài thời gian gây ngủ của hexobarbital.
Chế phẩm gồm lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, lá dâu, hạt keo giậu, sâm đại hành cho kết quả như sau:
- Làm giảm trạng thái hưng phấn thần kinh của chuột nhắt đã được dùng cafein
- Gây hạ huyết áp và tăng tần số và biên độ hô hấp của thỏ thí nghiệm
- Làm dễ ngủ, ngon giấc, không thay đổi huyết áp
Tính vị, công năng
- Toàn cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy.
- Quả có vị ngọt, tính bình mùi thơm, tác dụng nhuận tràng, chỉ thống
Công dụng và liều dùng
Lạc tiên được dùng là thuốc an thần, chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Ngọn non của cây thường được thu hái để luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước đi ngủ vài giờ.
Dạng thuốc thông thường là cao lỏng có đường được pha chế như sau: lạc tiên 400g, lá vong 400g, lá gai 100g, rau má 100g. Tất cả nấu với nước, cô đặc được 100ml. Đường nấu thành siro. Pha 6 phần cao với 4 phần siro. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần.
Bài thuốc có vị lạc tiên
Bài thuốc điều trị mệt mỏi, căng thẳng: 300g lạc tiên, 200g râu ngô, 100g rau má. Đun nước uống.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị mất ngủ, rối loạn giấc ngủ:
- Bài 1: 50g lạc tiên, 30g lá vông, 20 g tâm sen, 10g lá dâu tằm. Cô thành cao lỏng. Mỗi ngày chỉ sử dụng 2-4 thìa nhỏ, pha cùng nước ấm và sử dụng trước khi đi ngủ để giấc ngủ được sâu hơn.
- Bài 2: Dùng ngọn lạc tiên để luộc hoặc nấu canh. Thường dùng trong những bữa ăn buổi tối sẽ mang lại tác dụng tốt hơn.
- Bài 3: 6g cam thảo, 6g xương bồ, 20g lạc tiên, 12g hạt san, 15g cỏ mọc, 10g cỏ tre, 10g táo nhân sao, 10g lá dâu, 12g lá vông nem. Đun cùng 600ml nước còn khoảng 200ml. Sử dụng thuốc 2 ngày một lần, kiên trì áp dụng trong khoảng 1 tháng để thấy được hiệu quả.
Bài thuốc giảm đau nhức, mất ngủ ở người cao tuổi: 500g lạc tiên, 100g lá mướp đắng non, 300g hoa thiên lý. Sao vàng, phơi hoặc sấy khô các dược liệu rồi tán thành bột. Có thể trộn cùng 50gr đậu xanh tán nhuyễn để không bị đắng khi dùng.
Mỗi lần sử dụng, pha cùng 100ml nước ấm, uống thay trà mỗi ngày. Người bệnh cần phải dùng liên tục từ 2 đến 4 tháng để thấy được kết quả lâu dài.
Chú thích:
Tại các nước châu Âu, người ta dùng 2 loại lạc tiên khác tên:
- Cây lạc tiên Passiflora coerulea L. có phiến lá chia thành 5 thuỳ cắt sâu, hoa mọc đơn độc màu xanh, quả màu lục, khi chín chuyển sang màu vàng cam.
- Cây thứ hai là lạc tiên Passiflora incarnata L. có phiến lá chia thành 3 thuỳ cắt sâu, thuỳ hình bầu dục, mép có răng cưa nhỏ.
Cây này được Dược điển Pháp chính thức công nhận làm thuốc. Trước kháng chiến, một vài nhà ở Hà Nội có trồng loại này. Tại Đà Lạt một số gia đình trồng cây này với tên Mắc mát làm cảnh và ăn quả. Chưa thấy dùng làm thuốc.
- Hoạt chất của 2 cây cũng chưa rõ ràng. Chỉ biết trong cây Passiflora coerulea, Guignard (1906) đã thấy một hợp chất sinh axit xyanhydric với tỷ lệ 0,50g axit xyanhydric trong 1kg lá hay rễ; trong hoa tỷ lệ ít hơn, Dekker (1906) cũng thấy tỷ lệ axit prussic. Năm 1942, Plouvier thấy tỷ lệ axit xyanhydric trong lá tươi thay đổi từ 0,035 đến 0,076g. Ngoài ra, Plouvier còn phát hiện các diastaza, sucraza, amylaza, amygdalaza, 3 glucozidaza và một tỷ lệ canxi cao.
Cây Passiflora coerulea được coi là một vị thuốc rất công hiệu làm dịu thần kinh, dùng dưới dạng cồn thuốc tươi [30(XX) đến 50(L) giọt một ngày) hay dạng cao lỏng (1 đến 3g một ngày).
- Cây Passiflora coerulea được coi là một vị thuốc an thần, chống co thắt, chữa những trường hợp hồi hộp, mất ngủ, động kinh, suy nhược thần kinh, H.Leclerc (Pháp) còn cho rằng có tác dụng hạ huyết áp, giảm co bóp mạnh của cơ trơn ruột và tử cung. Dùng dưới dạng cồn thuốc tươi chế từ cây hái vào lúc đang ra hoa (30 đến 50 giọt một ngày) cao lỏng (1-5g) hay cồn thuốc (2-5g một ngày).