Mục lục
Mô tả cây
Mộc qua là một cây nhỡ cao 2-3m, cành có gai, dài 5-20mm, đường kính phía gốc của gai tới 1-3mm, mặt cành có những bì không rõ. Lá có cuống dài 3-15mm, phiến lá hình mác dài 2,5cm-14cm, rộng 1.5cm-4cm mép có răng cưa, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím nhạt, cả hai mặt đều nhẵn. Lá kèm có hình dạng và kích thước thay đổi, dài từ 2- 2,5cm, rộng từ 1-1,5cm, mép cũng có răng cưa. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Cánh hoa màu đỏ của hoa đào, có loại hoa trắng hay hồng. Cuống hoa rất ngắn. Quả thịt hình cầu hay hình trứng, dài khoảng 8 cm, mặt ngoài nhẵn bóng, màu vàng hay vàng xanh, mùi thơm. Mùa hoa: tháng 3-4, mùa quả: tháng 9-10.
Phân bố, thu hái và chế biến
Mộc qua hiện nay còn phải nhập của Trung Quốc, ở đây cây được trồng ở Hà Nam, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên. Xem vậy ta thấy những vùng nước ta giáp giới với tỉnh Quảng Đông có thể có khả năng trồng được. Loại mộc qua của Tứ Xuyên nhiều và được xem như tốt nhất. Vào tháng 10-11 quả chín thì hái về bổ làm 2 hay 4 mảnh, phơi mặt trong quả ngửa lên phía trên, cho đến khi chuyển màu hồng tím là được. Vị thuốc mộc qua là những mảnh quả dài 2,5-9cm, rộng 1,5-3,5cm, dày 2-8mm, mặt ngoài nâu đỏ đến tím đỏ, có những nếp nhăn trong quá trình khô, mặt trong quả còn rõ những ô chứa hạt, phần lớn hạt đã rụng, nhưng đôi khi còn sót lại một số hạt hình 3 cạnh, màu nâu đỏ trong chứa một nhân. Vị chua, chát, mùi hơi thơm.
Thành phần hoá học
Trong mộc qua có saponin khoảng 2%, axit hữu cơ, tanin, và flavonoit (theo hệ dược Viện y học Bắc Kinh, 1958).
Công dụng và liều dùng
- Theo tài liệu cổ mộc qua có vị chua, chát, tính ôn. Có tác dụng liễm phế, chỉ ho, bình gan, hòa tỳ quá thấp, thư gân cốt dùng chữa phù nề, chân tay đau nhức, ho lâu ngày.
- Hiện nay mộc qua thường được dùng phối hợp với xương hổ trong đơn thuốc chữa đau nhức, thấp khớp, ho lâu ngày, phù nề. Ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Chú thích:
Ngoài cây mộc qua Chaenomeles lagenaria nói trên, tại thị trường Trung Quốc còn dùng quả một số cây khác cùng chi Chaenomeles như C. sinensis (Thouin) Koehne và một số thứ của cây mộc qua nói trên như Chaenomeies lagenaria Koid. var. wilsonii Rehd., Chaenomeles lagenaria Koidz. var. Cathayensis Rehd.
Đơn thuốc có mộc qua
- Rượu hổ cốt mộc qua (Dược điển Trung Quốc, 1963)
- Xương hổ chế 40g, mộc qua 120g, xuyên khung 40g, xuyên ngưu tất 40g, đương quy 40g, thiên ma 40g, ngũ gia bì 40g, hồng hoa 40g, tục đoạn 40g, bạch gia cản 40g, ngọc trúc 40g, tần giao 20g, phòng phong 20g, tang chi 16g, tất cả 14 vị thuốc trên đem tán bột thô, rồi cho vào 15 lít rượu trắng, đậy kín, mỗi ngày khuấy một lần, sau một tuần lễ thì mỗi tuần khuấy một lần. Một tháng sau lọc lấy rượu, còn bã đem ép lấy nước thêm vào dịch đã lọc được. Lấy 1,3kg đường phèn, hoà vào nước rồi trộn chung với rượu thuốc. Để lắng, lọc là được.
- Rượu này có tác dụng trừ thấp, tán hàn, đuổi phong, giảm đau dùng chữa phong tê thấp, tay chân co quắp, đau nhức, mắt méo xệch. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 20g đến 40g. Phụ nữ có thai không dùng được.
- Viên hổ cốt mộc qua (Dược điển Trung Quốc 1963):
- Xương hổ chế, mộc qua, bạch chỉ, hải phong đằng, uy linh tiên, xuyên khung, đương quy, thanh phong đằng, mỗi vị 50g, ngưu tất 100g, xuyên ô chế thảo ô chế mỗi vị 25g, đảng sâm 8g. 12 vị nói trên trộn với nhau, tán nhỏ, rây, trộn đều, dùng mật ong đã cô đặc làm viên hoàn, mỗi viên hoàn nặng l0g. Viên này có tác dụng hoạt huyết, dãn gân cốt, tán phong, chỉ thấp dùng trong những trường hợp chân tay cứng đờ, lưng gối đau nhức, gân cốt yếu, đi lại khó khăn. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống 1 viên, uống với nước đun sôi để nguội. Phụ nữ có thai không dùng được.