Tầm bóp còn được gọi là Lu lu cái, Lồng đèn, Bôm bốp. Có tên “Lồng đèn” vì quả giống lồng đèn, còn có tên “Bôm bốp” vì khi bóp ra phát ra tiếng bộp. Tầm bóp có nguồn gốc ở các nước châu Mỹ, đã được trồng rộng rãi trên nhiều vùng nhiệt đới để làm cảnh hay lấy quả. Trong Đông y, đây là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh, lá cây tầm bóp dùng làm rau xanh ăn và quả có tác dụng thanh nhiệt tiêu đờm, giải nhiệt.
Cây tầm bóp
Cây Tầm bóp – Physalis angulata L. thường dùng giải nhiệt, trị mụn
Tên tiếng Việt: Tầm bóp, Thù lu cái, Lu lu cái, Toan tương, Lồng đèn, Phiắc tèng (Tày)
Mô tả:
- Cây thảo, sống hàng năm, cao gần 1 m. Thân nhẵn, có góc cạnh, phân cành nhiều.
- Lá mọc so le, hình trái xoan, dài 3–5,5 cm, rộng 2–4 cm, gốc hình nêm, đầu thuôn nhọn, mép nguyên hoặc đôi khi xẻ thủy nhỏ và lượn sóng; cuống lá dài 1–3 cm.
- Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, rủ xuống, màu vàng lợt hoặc trắng nhạt, có khi điểm chấm tím ở giữa; dài hình chuông, 5 răng nhọn có lông, tràng 5 cánh hình liền, có lông tơ ở mặt ngoài. Nhị 5 đính ở gốc tràng; bầu 2 ô.
- Quả mọng, hình cầu, nhẵn, màu đủ, bao bọc bởi đài to đồng trưởng có phiến mỏng; hạt nhiều, dẹt, hình thận.
- Mùa hoa quả: tháng 5–7.
Công dụng:
Rau tầm bóp có tính mát, hiệu quả rất tốt cho việc chữa trị các bệnh dạ dày, giải nhiệt và trị mụn nhọt. Rau có thể chế biến thành nhiều món ăn và đều mang đến hương vị rất lạ, hơi đắng nhưng thanh.
Theo Đông y, quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, chữa các bệnh về thận, bài tiết, chữa ho, tiêu đờm,…
- Toàn cây tầm bóp được dùng chữa cảm sốt, viêm họng, ho nhiều đờm, phiền nhiệt, nấc. Liều dùng: ngày 15–30g sắc uống.
- Để trị mụn nhọt, đinh độc, sưng vú, sưng bìu dái, lấy 40–80g cây tầm bóp giã nát, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp ngoài hoặc nấu nước rửa.
- Quả tầm bóp được dùng chữa đờm nhiệt, sinh ho, thủy thũng. Trẻ em nóng ẩm, người già khô, ăn quả tầm bóp giúp mát da, mát thịt, rất bổ ích.
- Rễ tầm bóp được dùng chữa viêm họng, viêm tuyến vú, viêm tinh hoàn, bí tiểu tiện, hoàng đản, cổ trướng. Liều dùng: ngày 20–40g, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày.
Trên thế giới, nhiều nước dùng cây Tầm bóp để chữa bệnh. Ở các nước châu Phi, lá Tầm bóp dùng chữa bệnh dạ dày, chữa sốt, hen suyễn, tiêu chảy, thấp khớp. Dùng ngoài lá chữa ngứa, mụn đậu mùa, các vết thương.
Các nước ở Trung và Nam Mỹ, Tầm bóp được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh sốt, sốt rét, đau răng, viêm gan, viêm thận, thấp khớp, khó tiêu, bí tiểu tiện.
Ở các nước Đông Nam Á, Tầm bóp dùng chữa các bệnh đường tiêu hóa. Nhiều nước còn dùng quả Tầm bóp để ăn như một món ăn nhẹ, lá được nấu chín để ăn hoặc ăn sống như một salad; tuy vậy họ không ăn quả nhiều vì ăn nhiều sẽ gây chóng mặt.
Cây lu lu đực
Hình ảnh loài Lu lu đực – Solanum nigrum L.
Tên tiếng Việt: Nụ áo, thù lu đực, cà đen.
Hiện nay rất nhiều người quan tâm đến việc có mấy loại cây tầm bóp. Và nhiều người cũng nhầm lẫn cây lu lu đực với cây tầm bóp. Trong bộ sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của tác giả Đỗ Huy Bích, trang 179 thì mô tả loài cây lu lu với những đặc điểm khá chi tiết cũng như công dụng cần lưu ý.
Mô tả:
- Cây thảo, sống hàng năm, đôi khi lâu năm, cao 30–70 cm. Thân, cành nhẵn, có cạnh, màu lục.
- Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 4–15 cm, gốc thuôn hoặc tròn, đầu nhọn, mép lượn sóng và có răng to nông, màu lục sẫm. Gân lá kết thành mạng rõ ở mặt dưới. Lá vò ra có mùi hăng hắc.
- Cụm hoa mọc ở trên thân, xa kẽ lá, thành chùm dạng tán, rủ xuống. Hoa nhỏ, màu trắng, đôi khi pha tím.
- Đài hình phễu, 5 răng; tràng hình bánh xe, 5 cánh rời, dài gấp 2–3 lần đài. Nhị 5, bao phấn dính thành ống bao quanh nhụy. Bầu tròn, 2 ô, có lông tơ ở gốc.
- Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đen bóng. Hạt nhiều, dẹt và nhẵn.
- Mùa hoa: tháng 5–6, mùa quả: tháng 7–8.
Công dụng:
Lu lu đực được dùng để chữa cảm sốt, viêm phế quản, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm bọng, viêm thận cấp, viêm tuyến tiền liệt, tiểu tiện khó khăn, lở loét ngoài da, mẩn ngứa, bỏng, vảy nến, sưng tấy, vết thương, chín mé, áp-xe, viêm vú. Ở Châu Âu, lu lu đực là thuốc giảm đau nhức, làm dịu, chống co thắt, làm dễ ngủ, an thần, chữa chóng mặt, kiết lỵ, tiêu chảy. Liều dùng : 9- 15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, không kể liều lượng.
Toàn cây lu lu đực có chất độc, nhưng ngọn non được nấu chín để ăn thay rau ở nhiều nơi. Chú ý luộc kỹ, bỏ đi 2-3 nước đầu. Cây tươi rất độc với cừu, dê, vịt , gà, nhưng bò chỉ ngộ độc nếu ăn nhiều. Quả độc nhiều hơn lá. Cây lu lu được được xếp vào loại thuốc độc bảng C trong Dược điển Pháp năm 1965, với tác dụng gây ngủ, làm dịu, an thần (dùng trong), trị ngứa, vết thương đụng dập (dùng ngoài).
Chú ý: Cây có độc, dùng phải thận trọng.
Nước sắc cây dùng rửa vết loét, vết bỏng, mẩn ngứa.
Tại Ấn Độ dịch ép cây này dùng với liều 200-250ml chữa gan phát triển to, làm thuốc đông tiểu và sổ nước.
Với liều nhỏ 30-60ml dịch ép dùng chữa bệnh ngoài da nhất là bệnh vảy nến.
Phân biệt tầm bóp và lu lu đực
Có nhiều sự trùng hợp trong tên gọi giữa Tầm bóp và Lu lu đực, dẫn đến việc nhiều người nhầm lẫn hoặc sử dụng lẫn nhau. Thậm chí, quả chín của cây Lu lu đực đôi khi cũng được ăn giống như một số loài Tầm bóp.
So sánh hình ảnh loài Tầm bóp (trái) và loài Lu lu đực (phải)
Theo báo cáo của Trung tâm An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Canada (CCOHS) phối hợp với Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (IPCS), quả xanh của cây Lu lu đực chứa lượng độc tố Solanin cao hơn hẳn so với cây Tầm bóp.
Lá của cây Lu lu đực còn chứa chất Nitrate, nếu ăn phải lượng lớn lá tươi hoặc quả xanh của loài này có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Các biểu hiện ngộ độc sau 6–12 giờ nếu ăn phải quả xanh hoặc lá tươi của Lu lu đực gồm: sốt vã mồ hôi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ.
Nếu muốn sử dụng cây Lu lu đực như thực phẩm, bắt buộc phải luộc kỹ và thay nước nhiều lần để giảm độc tố. Khi ăn quả, chỉ được phép ăn quả chín và ăn với số lượng ít để tránh ngộ độc.
Như vậy, chúng ta cần tìm hiểu kỹ thông tin dược liệu trước khi sử dụng.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.