Plantago major L. tên thường gọi là cây Mã đề, thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae) là loại cây mọc hoang và được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên khắp nước ta. Đây là một cây dược liệu được dùng phổ biến có tác dụng lợi tiểu, chữa ho, tác dụng kháng sinh, chữa lỵ cấp và mãn tính.
1. Mô tả cây Mã đề
Mã đề, còn gọi là xa tiền thảo (Plantago major L.), họ Mã đề (Plantaginaceae). Hai chữ mã đề là ám chỉ “móng chân của con ngựa”. Người xưa muốn ghi một dấu ấn đậm nét cho một cây thuốc thường mọc ngay ven đường đi mà con ngựa đã đạp dưới móng chân của nó. Điều đó cũng rất phù hợp với một cách gọi tên khác của chính cây thuốc này là xa tiền thảo, là cây được mọc trước bánh xe. Ý nói xa tiền mọc ngay ven đường đi, ngay trước bánh xe có thể qua lại.
Mã đề phổ biến ở hầu hết các vùng miền trong nước ta. Mã đề cho nhiều vị thuốc hay: Bông mã đề là cụm hoa, hạt mã đề (xa tiền tử). Có thể dùng tươi hoặc khô.
Mã đề là cây thân thảo, sống hằng năm. Lá mọc thành hình hoa thị, hình trứng, dài 5-12 cm, rộng 3,5-8 cm, đầu tù hơn có mũi nhọn, gân lá hình cung, mép uốn lượn, nguyên hoặc có răng cưa nhỏ không đều; cuống lá dài 5-10 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông có cán dài hơn lá, hoa nhỏ có lá bắc hình trứng, ngắn hơn đài; đài 4 thùy hơi có gờ, đính nhau ở gốc; tràng hoa mỏng; 4 thùy hình tam giác nhọn, xếp xen kẽ với các lá đài; nhị 4, chỉ nhị mảnh, bầu hình cầu có 2 ô.
Quả nang, hình chóp thuôn, dài 3,5-4 mm, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài, hạt hơi dẹt, màu nâu hoặc đen bóng.
2. Công dụng chữa bệnh của Mã đề
Toàn cây có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm loét, trừ đờm, chống ho, chống lỵ… Cả lá và hạt mã đề đều có tác dụng lợi tiểu, lợi mật…
Theo y học cổ truyền, Mã đề có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, chỉ ho, lợi tiểu. Dùng trị ho, nhiều đờm, viêm phế quản, viêm thận, bàng quang, sỏi đường tiết niệu, bí tiểu, tiểu vàng, đỏ, tiểu ra máu, viêm gan, mật, viêm loét dạ dày,…
2.1. Giúp mau lành vết thương
Một trong những công dụng nổi bật nhất của cây mã đề là làm se các vết thương và xoa dịu vết bọ cắn. Bởi nó có thể hút độc tố ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
- Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần nhai hoặc nghiền lá cây này và đắp trực tiếp lên vết ong đốt, bọ cắn, nốt mụn, vết thương do mảnh thủy tinh hoặc các mảnh vụn ghim sâu trong da hay các nốt phát ban…
- Hoặc bạn có thể đắp kín vết thương bằng lá mã đề và để nguyên trong 4-12 tiếng để cây thuốc rút các chất độc ra khỏi da, ngăn ngừa nhiễm trùng và để lại sẹo.
2.2. Hỗ trợ tiêu hóa
Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa liên tục do bị ảnh hưởng nặng nề từ thuốc kháng sinh, dị ứng thức ăn hoặc thực phẩm đổi gen (GMO), cây Mã đề giải quyết được những vấn đề này. Lá và hạt cây đều có tác dụng làm lành cho hệ tiêu hóa đang bị tổn thương và giảm viêm.
- Lá có thể được chế biến thành món ăn, làm trà uống hoặc sấy khô.
- Phần hạt cây có thể xay nhỏ hoặc nấu lấy nước uống dùng trước bữa ăn, không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có thể giúp bạn giảm cân.
2.3. Chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp
Vì rất giàu khoáng chất silica, Mã đề là một chất làm tiêu đờm tuyệt vời. Điều này có nghĩa rằng nó giúp làm sạch sự tắc nghẽn và chất nhầy, điều trị ho hiệu quả, cảm lạnh và nhiều bệnh đường hô hấp khác.
“Cây Mã đề đóng vai trò như một chất làm long đờm, làm dịu viêm mũi, đau, giảm ho và viêm phế quản nhẹ”, Theo David Hoffmann, người sáng lập Hiệp hội Thảo dược Mỹ cho biết.
2.4. Điều trị bệnh trĩ
Với đặc tính làm se, cây mã đề cũng được sử dụng để xoa dịu và chữa lành bệnh trĩ vô cùng hiệu quả. Khi được điều chế thành kem hoặc thuốc mỡ, cây mã đề có thể ngăn ngừa việc chảy máu ở bệnh trĩ và viêm bàng quang.
Ngoài những công dụng nói trên, cây mã đề còn rất có ích cho chị em phụ nữ trong những kỳ kinh nguyệt khó chịu, giải quyết nhiều vấn đề về da mặt và thậm chí còn có thể chữa bệnh viêm khớp.
- Cây mã đề rất hiệu quả trong việc điều trị ngộ độc thủy ngân, tiêu chảy.
- Loại cây này còn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như súp hay chế biến salad.
3. Bài thuốc về cây Mã đề
Trị sỏi tiết niệu, viêm nhiễm đường tiết niệu: mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g, kim tiền thảo 40g, trạch tả uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày một thang trước bữa ăn.
Trị viêm gan cấp tính: mã đề, hạ khô thảo, mỗi vị 20g, nhân trần 40g, đại phúc bì 16g, đẳng sâm 12g, sắc uống ngày một thang.
Trị viêm gan mạn tính: mã đề, phục linh, trạch tả, bạch truật, mỗi vị 12g, nhân trần 20g, đẳng sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g, trư linh 8g. Sắc uống, ngày một thang.
Theo: Natural News, GS.TS Phạm Xuân Sinh -Trường Đại học Dược Hà Nội