Hà thủ ô là một vị thuốc đông y có tác dụng bồi bổ khí huyết, làm đen tóc, chữa mất ngủ, bồi bổ gan thận… Tuy nhiên, hà thủ ô cũng có một mức độ độc tính nhất định, cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như như dị ứng, buồn nôn, nôn khi dùng. Vậy phụ nữ mang thai hay vừa cho con bú có nên dùng hà thủ ô không?
Mục lục
Bà bầu có ăn/ uống hà thủ ô được không?
Hiện nay, không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh việc bà bầu sử dụng hà thủ ô là an toàn. Trên thực tế, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc uống hà thủ ô – kể cả dưới dạng thực phẩm chức năng, thuốc nam hay nước sắc thảo dược.
Hà thủ ô chứa hoạt chất rhein, có tác dụng nhuận tràng mạnh, kháng khuẩn và ức chế miễn dịch. Những đặc tính này có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, từ đó làm tăng nguy cơ co bóp tử cung, dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non. Đặc biệt, phụ nữ có cơ địa nhạy cảm hoặc hệ tiêu hóa yếu càng cần tránh sử dụng loại dược liệu này trong thai kỳ.
☛ Tìm hiểu thêm: Các tác dụng phụ khi dùng hà thủ ô sai cách
Hà thủ ô ảnh hưởng đến mẹ bầu như thế nào?
Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi lớn về nội tiết, chuyển hóa và miễn dịch. Vì vậy, bất kỳ loại thực phẩm, dược liệu hay thuốc nào được đưa vào cơ thể cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, kể cả những vị thuốc quen thuộc trong dân gian như hà thủ ô.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Hà thủ ô khi chưa được chế biến đúng cách sẽ chứa một số hợp chất có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Một trong những tác dụng phụ phổ biến là gây tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu.
Hệ tiêu hóa của phụ nữ mang thai vốn đã nhạy cảm hơn bình thường, nên những triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Mất nước do tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến co bóp tử cung sớm và tăng nguy cơ sinh non.
Tác động đến gan
Nhiều báo cáo y học hiện đại đã chỉ ra rằng, nếu sử dụng hà thủ ô trong thời gian dài hoặc liều cao, có thể gây tổn thương gan, làm tăng men gan, thậm chí là gây viêm gan cấp.
Trong khi đó, gan của mẹ bầu đã phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa hormone và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Khi gan bị quá tải, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn gây rối loạn chuyển hóa các chất dinh dưỡng truyền cho thai nhi. Do đó, việc mẹ bầu tự ý dùng hà thủ ô có thể làm tăng rủi ro cho chức năng gan, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tác dụng hoạt huyết
Hà thủ ô có tính hoạt huyết nhẹ, tức là có khả năng kích thích tuần hoàn máu. Trong Đông y, các vị thuốc có tính hoạt huyết thường được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu vì có thể gây co bóp tử cung, dẫn đến nguy cơ động thai hoặc sảy thai. Dù liều dùng thấp, cơ địa mỗi người khác nhau, nên vẫn tồn tại rủi ro mà không thể lường trước.
Chưa có chứng minh an toàn với thai nhi
Hiện tại, chưa có nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn nào xác nhận hà thủ ô an toàn với thai nhi. Các hoạt chất trong hà thủ ô có thể đi qua nhau thai, nhưng ảnh hưởng cụ thể thế nào đến sự phát triển của thai nhi thì chưa được làm rõ. Trong nguyên tắc chăm sóc thai kỳ, mọi yếu tố chưa có đủ bằng chứng an toàn đều không nên sử dụng, nhất là các sản phẩm từ thảo dược vốn có hoạt tính sinh học mạnh.
Một số câu hỏi thường gặp
Cho con bú có uống hà thủ ô được không?
Việc sử dụng hà thủ ô trong giai đoạn cho con bú vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng mẹ đang cho con bú có thể dùng một lượng nhỏ hà thủ ô nếu cần bồi bổ tóc, hoạt huyết hoặc cải thiện sức khỏe sau sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cảnh báo rằng các hoạt chất có trong hà thủ ô – đặc biệt là rhein và anthraquinon có thể bài tiết qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ sơ sinh.
Vì vậy, tốt nhất phụ nữ đang cho con bú không nên tự ý sử dụng hà thủ ô, dù với mục đích gì. Trong trường hợp thực sự cần thiết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc Đông y có chuyên môn, để được chỉ định đúng cách dùng, liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình dùng nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như đau bụng, buồn nôn, phát ban, nổi mẩn, khó thở hoặc tiêu chảy, cần ngưng sử dụng ngay lập tức và đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Bà bầu dùng dầu gội có thành phần hà thủ ô được không?
Bà bầu vẫn có thể sử dụng dầu gội chứa hà thủ ô mà không cần quá lo lắng. Bởi lẽ, khi gội đầu, sản phẩm chỉ tiếp xúc trên da đầu trong thời gian ngắn, khả năng thẩm thấu sâu vào máu hoặc ảnh hưởng đến thai nhi là rất thấp. Do đó, việc dùng dầu gội có chiết xuất từ hà thủ ô được xem là an toàn với phụ nữ mang thai, nếu không có phản ứng kích ứng da hay dị ứng.
Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên lưu ý gội sạch sau khi sử dụng và không nên để sản phẩm lưu lại quá lâu trên tóc hoặc da đầu. Nếu có cơ địa nhạy cảm hoặc da đầu dễ bị kích ứng, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang sử dụng các loại dầu gội dành riêng cho bà bầu, với thành phần dịu nhẹ, chiết xuất thiên nhiên, không chứa chất gây hại.
Bà bầu ngâm chân hà thủ ô có được không?
Trong thai kỳ, nhiều mẹ bầu thường gặp tình trạng tê bì, đau nhức chân tay, khó ngủ, nhất vào những tháng giữa và cuối thai. Việc ngâm chân buổi tối được xem là một phương pháp hỗ trợ thư giãn hiệu quả. Một số người lựa chọn hà thủ ô để ngâm chân với mong muốn tăng cường lưu thông máu, làm ấm cơ thể và cải thiện giấc ngủ.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không nên ngâm chân bằng hà thủ ô quá thường xuyên, nhất là trong thời gian dài hoặc với liều lượng đậm đặc. Dù sử dụng ngoài da, nhưng một số dược tính của hà thủ ô có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn hoặc huyết áp – điều này không có lợi cho mẹ bầu, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Nếu mục đích chỉ là để giảm đau nhức, thư giãn và dễ ngủ, mẹ bầu nên ưu tiên những nguyên liệu thảo dược an toàn hơn như ngải cứu, gừng tươi, hoa cúc khô, muối biển hoặc tinh dầu thiên nhiên (oải hương, hương thảo…).
Ngoài ra, cần đảm bảo thời gian ngâm chân từ 10–20 phút, nước không quá nóng (dưới 40 độ C), tránh ngâm quá lâu gây khô da hoặc làm mạch máu giãn nở quá mức.