Nhung hươu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như bổ thận dương, hỗ trợ mạnh gân cốt, bổ sung dinh dưỡng cho người thiếu máu, người già yếu đi lại khó khăn… Do đó mô hình chăm sóc nhung dần được mở rộng ở nhiều nơi. Vậy cách lấy nhung hươu có gì đặc biệt không? Kỹ thuật cắt nhung hươu như thế nào? Chúng ta hãy cùng giải đáp 8 vấn đề về cách lấy nhung hươu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Thời điểm cắt nhung hươu thích hợp là khi nào?
- 2. Các phương pháp khống chế kiểm soát hươu trước khi cắt nhung?
- 3. Kỹ thuật cắt nhung hươu tươi thế nào?
- 4. Cách cầm máu cho hươu sau khi cắt nhung như thế nào?
- 5. Cắt nhung hươu có đau không?
- 6. Các lưu ý trước và sau khi cắt nhung hươu?
- 7. Thành phẩm sau khi cắt nhung hươu
- 8. Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi hươu lấy nhung?
1. Thời điểm cắt nhung hươu thích hợp là khi nào?
Thời điểm lý tưởng nhất để cắt nhung hươu là khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Lúc này nhung còn non chưa già và gãy, đem lại giá trị dinh dưỡng cai.
Thông thường Khi hươu được 8 – 10 tháng tuổi, nó sẽ bắt đầu nhú sừng và trang trại sẽ cắt tróc. Khi hươu được 2 tuổi trở lên, từ tháng 4 trở đi hươu sẽ rụng sừng và hình thành mầm sừng mới. Thời điểm cắt nhung tốt nhất là từ 45 – 50 ngày sau khi hươu khi nhú sừng.
- Nếu dưới 40 ngày sừng quá non và không đạt hàm lượng dinh dưỡng.
- Nếu sau 50 ngày, sừng cứng lại và nặng cân nhưng không được nhiều giá trị dinh dưỡng.
Thời kỳ mọc nhung tốt nhất là năm hươu 7 tuổi, sau 14 tuổi trở đi sản lượng nhung hươu sẽ giảm rõ rệt.
2. Các phương pháp khống chế kiểm soát hươu trước khi cắt nhung?
Bước đầu tiên trước khi thực hiện cắt nhung hươu là khống chế kiểm soát hươu. Bởi khi cắt nhung, hươu phản kháng lại sẽ giãy giụa dễ dẫn đến tình trạng gãy nhung khi cắt và hươu cũng bị đau hơn, do đó chúng ta phải cố định hươu lại.
Hiện nay có 3 phương pháp khống chế kiểm soát hươu là:
– Phương pháp tiếp cận: Hươu dù được nuôi dưỡng trong chuồng trại nhưng nó vẫn rất khó tiếp cận. Điều này gây khó khăn cho những người thu hoạch nhung. Phương pháp này thường áp dụng cho những người quen mặt hay thường xuyên chăm sóc hươu. Người cắt sẽ tiếp cận nhẹ nhàng từ xa đến gần. Trước hết đứng ở khoảng cách xa cho hươu nhìn, sau đó từ từ tiếp cận, không được xuất hiện đột ngột khiến hươu hoảng sợ và bỏ chạy.
– Phương pháp cố định: Phương pháp này cần khoảng 2 – 3 người, và dùng thêm các vật như khóa mõm, cũi… để cố định lại hươu, tránh hươu di chuyển khi cắt nhung.
– Phương pháp gây tê: Người chăm sóc hươu sẽ tiêm chất gây tê để giảm bớt hoạt động của hươu. Một số chất được dùng để gây tê toàn thân cho hươu như chlorali hydrate, chlorali hydrate magnesium sulfate, chlorali hydrate magnesium sulfate và cồn…
3. Kỹ thuật cắt nhung hươu tươi thế nào?
Sau khi đã biết được các phương pháp khống chế kiểm soát hươu, nhiều người còn thắc mắc không biết cắt nhung hươu như thế nào mới chính xác. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Đầu tiên để cắt nhung hươu cần chuẩn bị đủ các dụng cụ sau:
- Cưa sắt hoặc cưa gỗ được mài sắc bén.
- Cồn, hoặc lửa để khử trùng, tiêu độc cho lưỡi cưa.
- Thau hoặc chậu để hứng máu nhung hươu chảy ra.
- Các thuốc cầm máu cho hươu.
Các bước thực hiện cắt nhung hươu như sau:
- Hơ lưỡi cưa trong khoảng vài phút để khử trùng lưỡi cưa.
- Để chậu dưới vị trí cắt để hứng máu chảy ra.
- Giữ cố định phần đầu của hươu, nhẹ nhàng cưa nhung với tốc độ kéo đều tay, cẩn thận tránh để nhung bị xước, nứt, gãy… làm giảm giá trị của nhung. Vị trí cắt nhung là cách gốc khoảng 1 – 2 cm. Thời gian cắt tối đa chỉ nên từ 4 – 5 phút.
- Đắp các nguyên liệu cầm máu, thêm gạc sạch, sau đó nâng đầu và thân hươu đến khi nó đứng vững rồi thả tay ra.
- Nhung hươu bảo quản trong đá lạnh để tránh bị ôi thiu hoặc bạn cũng có thể chế biến ngay.
4. Cách cầm máu cho hươu sau khi cắt nhung như thế nào?
Sau khi nhung hươu đã được cắt, để đảm bảo sức khỏe cho hươu, thợ cắt phải tiến hành cầm máu cho hươu. Một số loại lá, than củi… được đắp lên vết thương, sau đó bịt kín bằng gạc sạch. Sau khi đã cầm máu cho hươu như vậy mới nâng thân và đầu hươu lên để nó đứng vững rồi mới được thả ra.
Có một số cách cầm máu cho hươu sau khi cắt nhung như sau:
- Dùng cây hoàng xà (cỏ lào): cỏ lào sấy khô, tán thành bột rồi rắc lên vết nhung hươu vừa mới cắt. Bên cạnh đó, lấy lá cỏ lào tươi vò nhỏ rịt bên ngoài.
- Dùng than củi trộn mực tàu: hỗn hợp thu được dưới dạng sền sệt, bôi lên vết cắt.
- Dùng phèn chua, muối ăn: Trộn 2 phần phèn chua cùng 1 phần muối ăn, tán thành bột nhỏ rồi rắc lên phần nhung ở hươu để cầm máu.
- Dùng lá chuối, dầu lạc: đốt lá chuối khô thành than, tán mịn trộn với dầu lạc đắp lên.
- Dùng cây chó đẻ: vò nát và đắp lên nhung mới cắt.
- Dùng lá dong, muối ăn: giã nát lá dong, đem rồi với muối ăn, bột than rồi đắp lên.
Bạn có thể chọn một trong những cách trên để cầm máu cho hươu đều được.
5. Cắt nhung hươu có đau không?
Nhung hươu là sừng non, bên trong vẫn có nhiều mạch máu để nuôi dưỡng nên việc cắt nhung hươu sẽ gây đau cho hươu. Vì vậy mà cần có phương pháp khống chế kiểm soát hươu trước khi cắt.
Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển khoa học công nghệ đã có phương pháp gây mê không đau đớn cho hươu, việc cắt nhung cũng trở lên dễ dàng hơn. Đồng thời, quá trình cắt nhung hươu thường được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và chuyên môn, việc cắt diễn ra nhanh chóng nên cũng giảm tối đa cơn đau cho hươu. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị nhung hươu và đảm bảo phúc lợi động vật.
Mặt khác, sừng của hươu nếu không được cắt sẽ bị hóa sừng, hươu khó chịu và sẽ tự húc vào cây, tường, đá… để sừng gãy đi. Trong trường hợp này hươu cũng sẽ bị đau nhưng có thể nhẹ hơn khi cắt nhung do sừng hươu đã già và có ít mạch máu hơn.
6. Các lưu ý trước và sau khi cắt nhung hươu?
Nhung hươu sau khi cắt nếu bị gãy hay xước thường không có giá trị bằng nhung hươu còn nguyên vẹn. Do đó, cần lưu ý những thông tin trước và sau khi cắt nhung hươu sau để đạt giá trị cao nhất:
- Những người cắt nhung hươu nên là những người có chuyên môn và kinh nghiệm, không chỉ giúp nhung giữ nguyên giá trị mà còn giảm đau cho hươu.
- Chuẩn bị một lưỡi cưa sắc để quá trình cắt diễn ra thuận lợi nhất.
- Cần thời gian để vết thương của hươu lành trở lại, lúc này mới nên tháo gạc cầm máu ra, dùng gạc sạch bịt kín để tránh côn trùng và chất bẩn bám vào.
7. Thành phẩm sau khi cắt nhung hươu
Thành phẩm thu được sau khi cắt nhung hươu sẽ được chế biến ngay hoặc giữ nguyên vẹn và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Bên cạnh đó huyết nhung được dùng để nấu cháo hoặc ngâm rượu huyết ngay sau đó.
Một số thành phần của nhung hươu như sau:
- Nhung hươu tươi: ngâm rượu, ngâm mật ong.
- Nhung hươu khô: nhung hươu tươi có thể được sấy khô, thái lát hoặc xay nhỏ thành bột. Hoặc cũng có thể nấu thành cao nhung hươu.
8. Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi hươu lấy nhung?
Mô hình nuôi hươu để lấy nhung đã dần phát triển bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại. Hiện nay có nhiều vùng nuôi hươu lấy nhung như Cúc Phương (Ninh Bình), Quỳnh Vinh (Nghệ An), Lộc Xá (Nghệ An)…
Tuy nhiên, việc nuôi hươu cũng đòi hỏi những điều kiện nhất định. Bên cạnh con giống chất lượng thì việc xây dựng chuồng trại cũng cần được đầu tư để đảm bảo diện tích phù hợp, thông thoáng. Đặc biệt là việc chăm sóc hươu cần được chú trọng. Trong giai đoạn hươu rụng đế bắt đầu mọc nhung phải được ăn nhiều loại lá cây rừng, đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
1 con hươu trưởng thành từ 10 – 12 tháng tuổi bắt đầu cho nhung và có thể khai thác nhung trong vòng 20 năm. Người dân chỉ cần đầu tư trong 1 lần và thu hoạch trong nhiều năm. Thường 1 con hươu cho giá trị kinh tế khoảng 10 triệu đồng. Chi phí giống và chăm sóc mất khoảng 1/3 giá trị thu được. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi hươu lấy nhung là khá cao.
Trên đây là những thông tin cần thiết về cách lấy nhung hươu từ bước chuẩn bị trước và sau khi cắt nhung. Mong rằng bài viết có thể giúp ích cho bạn.