Trồng những cây ưa bóng làm cảnh trong nhà là thú vui của rất nhiều người. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng mỗi loại cây cảnh lại mang theo những ý nghĩa khác nhau về mặt phong thủy. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề này, hãy đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về 12 loại cây ưa bóng làm cảnh giúp thu hút tài lộc.
Mục lục
10 cây ưa bóng trồng làm cảnh, phong thủy
1. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ là loại cây ưa bóng mọng nước có lá cứng cáp và dày, mọc từ gốc, chìa thẳng đứng ra phía ngoài. Chiều cao của cây dao động trong khoảng 30 – 80cm. Lá cây lưỡi hổ có những vện màu xanh đậm xen kẽ vàng, tương tự như vện màu trên người con hổ, đến phần viền lá thì chuyển hẳn sang màu vàng. Khi trưởng thành, cây lưỡi hổ ra hoa màu trắng lục nhạt. Mỗi bông hoa có 6 cánh mềm mại, dài khoảng 3 – 4cm.

Những người chơi cây quan niệm, những chiếc lá cứng cáp của cây lưỡi hổ có tác dụng xua đuổi xui xẻo, tà ma và mang đến tài lộc, may mắn. Ngoài ra, cây lưỡi hổ cũng giúp thanh lọc không khí, loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn trong nhà rất tốt. Cây lưỡi hổ có thể được trồng trong chậu cảnh nhỏ hoặc chậu treo. Bạn có thể đặt chậu cây tại những vị trí ít ánh sáng như gần cửa sổ hay trên ban công có mái che..
2. Cây cau cảnh
Cây cau cảnh được nhiều người chơi cây yêu thích bởi dáng cây đẹp, bẹ lá chắc khoẻ, lá sum suê, xanh tươi quanh năm mang lại cảm giác tươi mới, khỏe khoắn cho không gian sống. Cây có chiều cao dao động trong khoảng 0.8 – 1.5m, tán rộng khoảng 0.5 – 1m, thân cây thẳng tắp, chia đốt và có lớp phấn trắng phủ bên ngoài.

Gốc cây cau cảnh màu vàng lục, có thể chia thành nhiều thân. Khi trồng trong nhà, cây giúp giảm bụi trong không khí và hấp thu bớt các khí thải độc, đem lại không gian sống trong lành. Trong phong thuỷ, cây cau cảnh địa diện cho sự phát triển mạnh mẽ, đem lại niềm vui và hút tài lộc cho gia chủ. Ngoài ra, sự hiện diện của cây cau cảnh cũng góp phần đem lại sự bình yên cho gia đình.
Tìm hiểu thêm: 12 cây thuốc nam trị viêm xoang
3. Cây kim tiền
Cây kim tiền còn có tên gọi khác là cây phát tài, kim phát tài hay kim tiền phát lộc, có nguồn gốc từ Châu Phi. Cây thường mọc thành bụi, thân cây vươn thẳng, mọng nước, phình to ở gốc. Lá cây kim tiền màu xanh đậm, bóng và mọc đối xứng trên thân. Chiêu cao của cây dao động khoảng 0.3 – 1m. Đến tuổi trưởng thành, cây có thể ra hoa màu vàng nhạt sau đó chuyển dần thành nâu.

Cây kim tiền được rất nhiều người chọn trồng bởi dáng cây nhỏ xinh và khả năng làm sạch không khí, tăng độ ẩm cho không gian sống. Đây cũng là lý do cây kim tiền thường được lựa chọn cho những không gian dùng nhiều điều hoà, máy lạnh.
Về mặt phong thuỷ, cây kim tiền được liên tưởng với sự phú quý, giàu sang, thịnh vượng. Vậy nên, không chỉ được trồng tại các gia đình, cây kim tiền còn rất được ưa chuộng tại các văn phòng làm việc hay cửa hàng kinh doanh. Đặc biệt, cây kim tiền ra hoa được cho là dấu hiệu của sự may mắn, thành công. Trong những ngày Tết, gia chủ cột sợi chỉ đỏ lên cây kim tiền mang ý nghĩa cầu mong một năm phát tài, phát lộc và may mắn.
4. Cây hồng phát tài
Hồng phát tài là loại cây có nguồn gốc nhiệt đới, có thể sống trong đất hoặc nước. Thân cây mảnh nhỏ với đường kính khoảng 1 – 2cm, chiều cao cây dao động khoảng 20 – 40cm. Lá cây hồng phát tài màu tía hồng, hình mũi mác và mọc trực tiếp từ thân.

Về đặc tính sinh học, cây hồng phát tài có khả năng hút ẩm tốt, giúp thanh lọc không khí, đem lại không gian sống trong lành hơn. Kích thước cây nhỏ gọn và có thể sống trong nước nên thường được đặt trang trí tại bàn làm việc hay bàn phòng khách của gia đình.
Không chỉ mang lại không gian xanh mát cho không gian trang trí, cây hồng phát còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nếu bạn quan tâm đến việc thúc đẩy may mắn và tài lộc trong không gian sống và làm việc, cây hồng phát tài là một lựa chọn thú vị để trang trí.
5. Cây lan chi
Cây lan chi hay dây nhện là loại cây thảo, mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 40 – 50cm. Cây có 1 thân, rễ ngắn và phát triển thành củ thịt phình to. Có 2 loại lan chi cơ bản gồm: lan chi lá dài và lan chi lá sọc, trong đó loại lá sọc thường được ưa chuộng hơn. Lá cây mọc sát đất, hình giáo, máu xanh bóng. Khi trưởng thành, cây cho ra những cụm hoa nhỏ.

Cây lan chi được ví như “máy lọc khí mini” bởi khả năng hấp thụ khí cacbonic và các khí độc hại từ thiết bị điện thải ra. Ngoài ra, loại cây này còn có thể biến đổi khí aldehyde formic thành đường và amoni acid, giúp giảm nguy cơ ung thư.
Người sành chơi cây cảnh thường chọn cây lan chi trong trang trí nhà cửa, sân vườn, ban công hay đặt trên bàn làm việc bởi khả năng xua đuổi vận xấu, mang đến bình yên và hạnh phúc cho gia chủ.
6. Cây ý lan
Cây ý lan (hay lan ý) là loại cây thảo, mọc thành bụi với chiều cao trung bình khoảng 40 – 50cm. Lá cây có màu xanh bóng, dạng bầu dục, nhọn ở đỉnh và nổi gân trên phiến. Khi trưởng thành, cây cho hoa màu vàng, thuôn dài và được bọc bởi mo hoa màu trắng tựa như vỏ sò. Hoa ý lan có thể nở kéo dài trong khoảng 3 – 4 tháng mới tàn.

Cây ý lan được yêu thích bởi khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ. Cây giúp hấp thụ bớt các khí độc hại như: benzene, formaldehyde, trichloroethylene, toluene và xylene. Ngoài ra, cây ý lan cũng có khả năng hấp thụ sóng điện từ phát ra từ các thiết bị như: tivi, máy tính, điện thoại,… giúp bảo vệ sức khoẻ.
Về mặt phong thuỷ, cây ý lan đại diện cho nguồn năng lượng tích cực, đem lại không gian tràn đầy sức sống, bình an và tươi mới. Cây cũng giúp xua đuổi những điều xui xẻo và đem lại may mắn cho những người sống trong gia đình.
7. Cây ngân hậu
Cây ngân hậu thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ đảo Molucca và Philippin. Cây phân bố rộng khắp trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Cây ngân hậu mọc thành bụi với chiều cao trung bình khoảng 20 – 40cm. Tán cây được tạo thành từ những lá cây, xòe rộng thành từng lớp. Lá cây màu xanh đậm xen kẽ nhiều đốm trắng dạng dọc, mặt dưới lá có gân xương cá nổi rõ.

Trồng cây ngân hậu trong nhà đem lại không gian nhã nhặn, tinh tế. Loại cây này cũng giúp thanh lọc không khí, đem đến không gian sống trong lành hơn cho gia đình. Ngoài ra, phần vỏ, lá và quả của cây ngân hạnh còn được ứng dụng trong các bài thuốc dân gian trị táo bón, hỗ trợ tiêu hoá.
Trong phong thuỷ, cây ngân hạnh là sứ giả của sự cao sang, quyền quý. Vì vậy, đặt cây ngân hạnh trong nhà giúp mang đến sự giàu có, yên ấm cho gia đình và xua đi những điều xui xẻo, không may.
8. Cây vạn niên thanh
Vạn niên thanh là cây thân thảo thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ Colombia và Brazil. Cây có phần thân mập, mọc thành cụm với chiều cao trung bình khoảng 40 – 80cm. Lá cây lớn có hình dáng tương tự lá gốc dứa với những mảng trắng nổi bật trên nền lá xanh. Hoa vạn niên thanh có màu trắng thuần khiết, được những người chơi cây rất yêu thích.

Vạn niên thanh có hơn 50 loại khác nhau nhưng chỉ có 2 loại phổ biến nhất là: vạn niên thanh bẹ và vạn niên thanh lá đốm. Cây được trồng để trang trí không gian sống và góp phần thanh lọc không khí, đem lại môi trường trong lành. Ngoài ra, cây cũng được ứng dụng trong các bài thuốc lợi tiểu, thanh nhiệt, cầm máu.
Trong phong thuỷ, cây vạn niên thanh được cho là có khả năng mang lại sự may mắn, thịnh vượng bền vững cho gia chủ. Đây cũng là lý do, mọi người thường tặng cây vạn niên thanh trong những dịp như năm mới, báo hỷ, tân gia,… với ý nghĩa mong cầu sung túc, may mắn cho gia chủ.
Tìm hiểu thêm: Các công dụng chữa bệnh của vạn niên thanh
9. Cây phú quý
Cây phú quý có nguồn gốc từ Indonesia và được trồng phổ biến tại Việt Nam và Trung Quốc. Đây là loại cây thân thảo, thân cây màu trắng hồng, lá xanh viền đỏ và chiều cao trung bình khoảng 35 – 50cm. Cây có rễ chùm, ban đầu màu trắng sau đó chuyển xanh. Hoa của cây phú quý nở vào màu hè, có màu vàng nhạt. Cây phú quý có thể trồng trên cạn hay thuỷ sinh, do đó rất được ưa chuộng trong các văn phòng làm việc.

Cây phú quý được ưa thích bởi khả năng lọc không khí tốt, giúp hút bụi mịn và góp phần loại bỏ các loại khí độc hại như: formaldehyde, benzen. Về mặt phong thuỷ, cây phú quý tượng trưng cho sự phú quý giàu sang, cát tường như ý. Vì vậy, loại cây này thường được dùng làm quà cho các dịp tân gia, khai trương, mừng năm mới,…
10. Cây vạn lộc
Cây vạn lộc là dạng cây thân thảo, mọc thành bụi, không phân nhánh và cành. Lá cây dày, bóng và có dạng bầu dục, mép lá lượn sóng, đỉnh lá nhọn. Trong bụi, lá cây mọc đan xen thành từng tầng tròn quanh thân, đem lại cảm giác cân đối, đẹp mắt.
Cây vạn lộc được trồng trong nhà nhằm giảm bụi mịn và các khí độc hại, đem lại không gian sống trong lành. Ngoài ra, màu sắc của loại cây này cũng khiến gian phòng trở nên thanh nhã, sinh động, tươi mới và nhiều năng lượng hơn. Trong phong thuỷ, cây vạn lộc là biểu tượng của tài lộc và thịnh vượng kéo dài mãi mãi. Vì vậy, sử dụng cây vạn lộc trong trang trí nhà cửa là cách giúp gia chủ hút tài lộc, thịnh khí và những điều may mắn.
Xem thêm: 5 loại cây ưa bóng dễ trồng làm thuốc trong vườn nhà
Lưu ý khi trồng và chăm sóc cây ưa bóng
Hầu hết những cây ưa bóng trên đây đều dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, để cây phát triển tốt nhất, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây:
- Ánh sáng: Cây ưa bóng không phù hợp với nơi ánh nắng cường độ cao nhưng vẫn cần ánh sáng để quang hợp. Do đó, bạn nên chọn đặt cây ở nơi có ánh sáng dịu hoặc chủ động cho cây chiếu sáng 2 – 3h mỗi ngày.
- Tưới nước: Phần lớn cây ưa bóng đều không cần tưới nước nhiều, đặc biệt là cây thuỷ sinh thì không cần tưới nước. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng bình phun cho cây khoảng 1 – 2 lần/ ngày để tránh bị úng.
- Đất trồng: Bạn nên chọn loại đất tơi xốp, thoát nước tốt để tránh gây ngập úng cho cây. Ngoài ra, bạn nên phủ thêm một lớp vỏ cây hay cỏ khô phía trên để giảm thoát hơi nước, khiến đất bị khô cứng.
- Phân bón: Bón quá ít hoặc quá nhiều đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, thậm chí khiến cây bị chết. Cách tốt nhất là bạn nên phân với tỷ lệ 5% phân tổng hợp với tần suất nửa tháng/ lần.
Trên đây là bài viết về 12 loại cây ưa bóng mang ý nghĩa tốt lành được nhiều người ưa chuộng. Hy vọng bài vết đã giúp bạn hiểu rõ hơn và tìm được loại cây phù hợp với không gian sống và mong muốn của mình!