Mô tả
- Loài cua có kích thước lớn, dài 15 – 20 cm.
- Mai là một lớp vỏ cứng, hình gần tam giác (giáp đầu – ngực) phồng và nhẵn bóng, phủ kín cơ thể, cạnh trước hình khum có răng cưa nhọn, hai cạnh phía sau vát thẳng.
- Mắt kép có cuống quay nhìn mọi hướng.
- Bụng có yếm ngắn (đốt giáp bụng) gấp vào giáp đầu – ngực.
- Hai càng to, gần bằng nhau, chân bò dài vừa, đôi chân sau ngắn, có các đốt giẹp.
Phân bố sinh thái
Cua biển phân bố ở các vùng biển ấm, chủ yếu ở biển Đông. Ở Việt Nam các tỉnh từ Hải Phòng đến Minh Hải đều có cua biển.
Cua biển sống ở vùng biển nông, vùng nước lợ, rừng ngập mặn. Thức ăn của cua là các loại thân giáp, thân mềm, tảo, mùn.
Bộ phận dùng:
Thịt, mang và mai cua biển, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học
- Thịt cua biển chứa 17,5% protein, 0,6% lipid, 141 mg% Ca, 191 mg% P, 3,8 mg% Fe, 0,5 mg% vitamin B1, 0,08 mg% vitamin B2, 3 mg% và cung cấp 106 calo/100g (Viện Dinh dưỡng).
- Vỏ cua biển chứa chất cyanocristalin có màu xanh ở cua sống, khi đun nóng chất này sẽ chuyển thành caroten là zooerytrin có mùa đỏ gạch.
- Ngoài ra, vỏ cua còn chứa các polysaccharid.
Tính vị, công năng
Thịt cua biển có vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, bổ xương tủy, sinh huyết, tán ứ, giảm đau, thông kinh lạc.
Công dụng
Cua biển là một đặc sản có giá trị xuất khẩu nhất là loại cua gạch. Các mặt hàng của biển xuất khẩu được ưa thích là của sống và cua luộc chín ướp đồng nguyên vỏ. Cần chú ý là cua biển phải được chế biến ngay, nếu để cua chết, chất đạm trong cua dễ bị thối nát, làm thịt giảm hẳn hương vị và có thể gây độc hại cho cơ thể con người.
Thịt cua biển luộc hoặc nướng là món ăn – vị thuốc giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cơ thể đang phát triển ở trẻ nhỏ và tình trạng suy yếu ở người cao tuổi.
Thịt cua biển phối hợp với những thực phẩm khác và một số dược liệu có tác dụng giảm mập, tiêu mỡ, hạ huyết áp và đường máu:
- Thịt cua biển nấu với măng tây: Dùng măng tây ít lạnh (theo y học cổ truyền) và ít độc vì hàm lượng acid cyanhydric (HCN) thấp nên an toàn hơn. Dùng thịt cua với măng là phối ngũ cộng hưởng cho hiệu quả cao.
- Thịt cua biển nấu với rong biển, sinh địa (hoặc thục địa), có thể thêm mạch môn, táo tàu: Nấu với ít nước (vì nước ở cua sẽ ra thêm). Người yếu uống nước và ăn cái.
- Thịt cua biển nấu với sâm bố chính, hoài sơn: Công thức này dùng tốt vào mùa hè cho trường hợp kém ăn, hấp thu kém, họ nóng.
- Thịt cua biển nhồi: Thịt cua, thịt lợn nạc băm, miến nấu đông cô, bột sắn dây. Tất cả xay nhuyễn, nhồi vào mai cua đem hấp hoặc nướng chín. Ăn riêng hoặc kèm với các loại rau sống như hoa so đũa, bông điên điển, rau càng cua, rau đắng, thiên lý… (theo BS. Phó Đức Thuần).
Chú ý:
Người dị ứng với cua, nổi mẩn, ngứa ngáy, không được dùng.