Tôn Nữ Liên Hương, Nguyễn Minh Hiền và Trần Đình Luận
Tạp chí Khoa học 2012:21a 114-118 Trường Đại học Cần Thơ
Mục lục
TÓM TẮT
Trong quá trình nghiên cứu thành phần hóa học cho cây Cỏ xước, (Ngưu tất nam, Achyranthes aspera L., họ Rau dền, Amaranthaceae ), tiếp theo bài báo đã công bố trước đây khi khảo sát cây Cỏ xước thu hái ởTrà Vinh, chúng tôi tiến hành cô lập chất trên nguyên liệu được thu hái ở Vĩnh Long. Từ các cao có độ phân cực khác nhau, chúng tôi đã cô lập và nhận danh thêm bốn hợp chất: dodecanoic acid, stigmasterol, α-D-glucopyranosyl-(1→2)-β-D-fructofuranoside và quercetin. Cấu trúc của các chất này được đề nghị căn cứ vào các dữ liệu phổ MS, 1H, 13C, DEPT-NMR và phổ2 chiều NMR.
MỞ ĐẦU
Cây Cỏ xước có tên khoa học: Achyranthes aspera L., thuộc chi Achyranthes, họ Amaranthaceae (Rau giền, Dền). Tên thông thường: Cỏ xước, Ngưu tất nam, Nhả khoanh ngù (Tài), Cỏ nhả lìn ngu (Thái), Hà ngù.
Cỏ xước là loại cây thảo, cao gần 1 m, có lông mềm, thân cứng, phình lên ở những mấu. Lá mọc đối, hình trứng, nhẵn hoặc hơi có lông, gốc thuôn, đầu tù, dày 3–12 cm; cuống lá dài. Cụm hoa mọc thành bông đơn ở ngọn thân, dài 20-30 cm, hoa mọc rủ xuống áp sát vào cuống cụm hoa. Quả nang có lá bắc còn lại tạo hình gai nhọn dễ mắc vào sớ vải khi chạm phải; vỏ quả rất mỏng, dính vào hạt; hạt hình trứng dài, dày 1 mm. Mùa hoa quả tháng 7–12. Hình dáng cỏ xước rất gần giống với cây ngưu tất, cũng là loại dược thảo rất hữu dụng ở nhiều nước Trung Quốc, Ấn độ, Nepal,…
Hình ảnh cây Cỏ xước
Cây cỏ xước đã được sử dụng trong y học cổ truyền nước ta từ lâu, vì những công dụng hữu hiệu trong điều trị đau khớp, nhức đầu, sốt rét, viêm thận, sỏi niệu và trị gan. Đối với phụ nữ, cỏ xước giúp làm giảm rối loạn kinh nguyệt, đau do kinh bế, đau bụng sau sanh.
Cây cỏ xước vừa là phương thuốc vừa là một nguyên liệu tốt trong nhiều bài thuốc hiện đang có tên trong danh mục thuốc điều trị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện dược liệu Trung ương. Tiếp theo kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của cây cỏ xước thu hái ở Trà Vinh mà chúng tôi đã công bố trước đây, (Tôn Nữ Liên Hương et al., 2011), hiện nay nghiên cứu được thực hiện trên nguyên liệu thu hoạch ở Vĩnh Long. Do đó, trong bài báo này chúng tôi công bố thêm một số hợp chất phân cực trung bình và khá vừa cô lập được.
NGUYÊN LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nguyên liệu
Mẫu nguyên liệu dùng trong nghiên cứu là phần thân cây cỏ xước được thu hái vào tháng 3/2010 tại tỉnh Vĩnh Long.
Chiết xuất và cô lập
Bột khô từ thân cây cỏ xước (2,1 kg) được chiết với ethanol, cất loại dung môi dưới áp suất giảm thu được cao tổng (204 g). Với mỗi 100 g cao tổng cho thêm 0,5 lít nước cất và lần lượt chiết phân bố lỏng-lỏng cao này với các dung môi petroleum ether (PE), chloroform (C), ethyl acetate (E) và n-butanol (B), cô quay
đuổi dung môi của dịch chiết thu được các cao PE (41 g), cao C (19,2 g), cao E (6,2 g), cao B (21 g). Tiến hành sắc ký cột cao PE, cao C, E.
- Từ cao PE (41g) tiến hành sắc ký cột với hệ dung môi có tính phân cực tăng dần từ petroleum ether pha tỷ lệ với ethyl acetate, xả cột với methanol, thu được 13 phân đoạn P.1 – P.13. Tiếp tục sắc ký vài lần trên 2 phân đoạn P.3 và P.10 thu được hai chất, khi kết tinh lại đều có tinh thể trắng. Chất (1) tinh thể hình kim (4,20 g), chất (2) dạng bột mịn (70 mg).
- Từ cao C (19 g) tiến hành sắc ký cột với hệ dung môi PE:E tăng dần độ phân cực từ(9:1) đến (0:10) và hệ dung môi E:M từ(99:1) đến (30:70), sau đó xả cột với methanol thu được 12 phân đoạn, C1–C12. Tiếp tục sắc ký cột phân đoạn C10 (3,12 g) hai lần trên cột silica gel, thu được chất (3) tinh thể màu vàng (15 mg).
Tiến hành sắc ký cột cao E (2 g) với hệ dung môi PE:E tăng dần độ phân cực [từ (40:60) đến (0:100)] và hệ dung môi E:M tăng dần độ phân cực từ(90:10) đến (30:70), sau đó xả cột bằng methanol, thu được 7 phân đoạn: E1-E7. Tiếp tục sắc ký cột đối với phân đoạn E.4 (4,12 g) hai lần trên cột silica gel, thu được chất (4)
(25 mg).
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Nhận danh cấu trúc của các chất trong cao PE
Stigmasterol(chất 1)
- Chất (1) là tinh thể hình kim, màu trắng, kết tinh trong chloroform (4,2 g).
- Nhiệt độ nóng chảy 169-170°C. Sắc ký bản mỏng cho vết Rf= 0,43 khi giải ly bằng CHCl3.
- Khi so sánh phổ của hợp chất với stigmasterol trong tài liệu tham khảo (J.Goad và T.H.Akihisa), các số liệu trùng khớp hoàn toàn.
Dodecanoic acid (chất 2)
- Chất (2) là tinh thể dạng bột, màu trắng, kết tinh trong E (70 mg).
- Sắc ký bản mỏng cho vết Rf= 0,31 khi giải ly bản mỏng trong hexane.
Phổ 1H-NMR (500 MHz, CDCl3, δppm) cho tổng cộng 3 loại proton của –CH3, –CH2– và –COOH. Từ 0,85 đến 2,36 ppm là proton gắn với carbon bão hòa. Phổ 13C-NMR (125 MHz, CDCl3, δppm) kết hợp với phổ DEPT-NMR cho thấy chất (2) có 12 carbon. Trong đó có 1 nhóm carbonyl –COOH (δ= 179,7 ppm), 10 nhóm
–CH2– (δ= 22,7→34,0), 1 nhóm –CH3 (δ= 14,1).
==> Vậy chất (2) là dodecanoic acid.
Nhận danh cấu trúc của các chất trong cao C và cao E
Quercetin (chất 3)
- Chất (3) là tinh thể dạng bột màu vàng, tan trong methanol.
- Sắc ký bản mỏng cho vết Rf= 0,3 khi giải ly bản mỏng trong E:M = 85:15.
Khối phổ có peak ion giả phân tử m/z = 303 [M+H]+phù hợp với công thức phân tử C15H15O7 (khối lượng phân tử là 302 u). Ngoài ra, mảnh ion có m/z = 285 là ứng với ion được hình thành từ ion giả phân tử mất đi một phân tử H2O.
Từ phổ1 H-NMR (500 MHz, DMSO) nhận thấy có 12 tín hiệu proton. Trong vùng từ trường: (6,0-8,0) ppm có 5 proton của vòng thơm gồm 2 proton ở vị trí meta với nhau (J= 2,5 Hz) thuộc vòng A, và 3 proton khác thuộc vòng B, trong đó 1 H ở vị trí meta và para với 2 H còn lại, (J meta= 2,0 Hz; J orto= 8,5Hz).
Trong phổ 13C-NMR và DEPT-NMR: chất (3) gồm 15 C, trong đó có 1 carbon carbonyl 175,8 ppm. Vùng δppm (135,7 – 163,8) gồm 7 carbon bậc 4 kề nối đôi và mang nhóm thế oxy tương ứng với các vị trí 2, 3, 5, 7, 9, 3′, 4′. Tại δppm: 103,0 và 121,9 là 2 carbon bậc 4 kề nối đôi >C= ứng với C10, C1′. Vùng δppm (93,3-119,9) là vùng tín hiệu của 5 carbon olefin dạng =CH- tương ứng với C6, C8, C2′, C5′, C6′.
Dựa vào các dữ liệu phổ, chúng tôi đề nghị công thức của hợp chất (3) là Quercetin. Các số liệu phổ của chất này hoàn toàn khớp với tài liệu tham khảo (John Goad).
α-D-Glucopyranosyl-(1→2)-β-D-fructofuranoside (chất 4)
Chất (4) có tinh thể dạng hạt hình khối, không màu, tan tốt trong methanol, kết quả sắc ký bản mỏng cho vết Rf= 0,55 khi giải ly bản mỏng trong hệ etyl acetate pha trong methanol và nước E:M:N = 4:1:1. Chất (4) có nhiệt độ nóng chảy: 184-185oC.
Trong phổ 1H-NMR (500 MHz, CD3OD) cho thấy hợp chất (4)có 14 H, trong đó tín hiệu ở vùng (3,0-4,0) ppm là những proton của phần đường, tín hiệu tại 5,41 ppm là proton anomer. Phần đường có 13 H vậy trong phân tử chất (4)có thể gồm 2 gốc đường. Phổ 13C-NMR (125 MHz, MeOD) và DEPT-NMR có 12 tín hiệu
carbon, trong đó có 8 mũi dương của 8 carbon >CH-; 3 mũi âm của 3 carbon -CH2OH và 1 carbon tứ cấp >C<.
Dựa vào phổ HSQC, xác định được carbon anomer δC 93,7 ppm ứng với proton anomer δH5,41 ppm (1H, d, J=3,5Hz). Căn cứ vào phổ COSY, tương tác của proton này với proton của 4 nhóm hydroxymethin, 1 nhóm -CH2OH và dữ liệu J nói trên, nên xác định một gốc đường ở dạng anpha-glucopyranose. Theo phổ HMBC,
proton anomer có tương quan với carbon tứ cấp tại δC105,4 ppm, C-2′. Mạch còn lại có 2 nhóm –CH2OH mà một nhóm có proton gây tương quan với carbon tứ cấp (δH3,63 ppm có tín hiệu giao với δC105,4 ppm), chứng tỏ đường còn lại là đường beta-fructofuranoside.
Phổ khối lượng (FT-MS) không thấy xuất hiện peak ion phân tử nhưng có các peak: m/z = 274 (100 %), ion m/z = 149 tương ứng với [C5H9O5]+ hay [C6H12O6 –CH2OH+ và peak có m/z = 130 tương ứng với [C5H6O4 ]• hay [C6H10O5 – CH3OH]•.
Vậy suy ra công thức phân tửchất (4) là C12H22O11với ít nhất 2 nhóm – CH2OH trong phân tử, và peak có m/z = 274 tương ứng với [M – CH2OH – 2 H2O]•. Kết hợp những dữ kiện trên, chất (4) được định danh là α-DGlucopyranosyl-(1→2)-β-D-fructofuranoside.
KẾT LUẬN
- Như vậy chúng tôi đã cô lập và đề nghị cấu trúc của 4 hợp chất là stigmasterol, dodecanoid acid, α-D-glucopyranosyl-(1→2)-β-D-fructofuranoside và quercetin.
- Các kết quả này là đóng góp mới về thành phần hóa học của cây cỏ xước vùng Vĩnh Long.
- Quercetin có vai trò kháng oxy hóa rất tốt và ức chế phát triển tế bào ung thư, (theo Kai Jin Wang et al., 2007).
Các nghiên cứu trên những phân đoạn còn lại đang được tiếp tục thực hiện.