Đan sâm là cây dược liệu quý từ xa xưa đến nay rất được ưa chuộng dùng để chữa bệnh. Ngày nay do khái thác quá nhiều mà không được bảo tồn nên ngày càng mai một đi. Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm xây dựng quy trình nhân giống cây đan sâm với mục đích bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý này. Bài viết này sẽ giúp chúng ta có quy trình kĩ thuật gieo trồng cây đan sâm – một loại dược liệu, loại thuốc của mọi nhà.
Cây đan sâm
Mục lục
Mô tả cây đan sâm
Cây đan sâm có tên khoa học: Salvia multiorrhiza Bunge. Thuộc họ hoa môi Lamiaceae (Labiatae)
Cây đan sâm hay còn gọi là: huyết sâm, xích sâm, huyết căn. Có tính vị đắng, hơi hàn. Quy kinh: tâm, can.
Cây đan sâm là một loại cỏ sống lâu năm, cao tầm 30-80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5-1,5cm màu đỏ nâu. Thân vuông trên có các gân dọc. Lá kép, mọc đối: 3-5 lá chét, đặc biệt có thể có 7. Lá chét giữa thường lớn hơn cả. Lá kép có cuống dài, cuống lá chét ngắn có dìa. Lá chét dài 2-7,5cm, rộng 0,8-5cm. Mép lá chét có răng cưa tù. Mặt trên lá chét màu xanh, có các lông mềm màu trắng, mặt dưới màu xanh tro, cũng có lông nhưng dài hơn. Gân nổi ở mặt dưới, chia phiến lá chét thành múi nhỏ.
Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá, chùm hoa dài 10-20cm. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa thường là 5 hoa. Hoa có tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thuỳ, thuỳ giữa có răng cưa tròn. Hai nhị ở môi dưới,bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng l,5mm.
Xem kĩ hơn: Hình ảnh nhận dạng cây đan sâm
Công dụng của cây
- Đan Sâm có khả năng cải thiện vi tuần hoàn, làm giãn mạch động mạch vành, tăng dòng máu và ngăn ngừa thiếu máu cơ tim.
- Đan sâm là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi nhân dân, để làm thuốc bổ cho phụ nữ, phụ nữ chưa chồng da vàng, ăn uống thất thường, chữa tử cung xuất huyết, kinh nguyệt không đều, đau bụng, các khớp xương sưng đau. Còn dùng chế thuốc xoa bóp.
- Đan sâm còn được dùng chữa phong thấp khớp sưng tấy, thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ, ngăn ngừa xơ vữa mạch, chống oxy hóa, chống viêm.
Xem thêm: Công dụng và cách dùng cây đan sâm
Kĩ thuật trồng cây đan sâm
Cách làm đất trồng cây
- Đất trồng đan sâm thường là đất cát pha thịt, tơi xốp và nhiều màu mỡ. Những nơi đất nhiều cát sỏi, hay đất sét, ngập nước thì không thể trồng được cây thuốc này.
- Cây đan sâm cũng phù hợp với những vùng đất chua, bộ rễ phát triển kém, độ pH có vai trò nhất định, có loại cây thuốc ưa axit, có loại ưa đất kiềm.
- Đất san phẳng, chuẩn bị trước 2 tuần mới tiến hành gieo hạt.
Cách chọn hạt giống
Đảm bảo việc chọn lựa hạt giống chất lượng. Bạn nên tìm mua hạt giống tại những nơi uy tín. Việc lựa chọn hạt giống rất quan trọng vì nó sẽ giúp cây phát triển tốt, phòng tránh được sâu bệnh
Cách gieo hạt
- Trước khi gieo hạt giống cây đan sâm nên tiến hành xử lý bằng cách ngâm hạt trong nước ấm khoảng 2-3 giờ, giúp hạt nhanh nảy mầm
- Thời điểm gieo hạt đan sâm tốt nhất là từ tháng 5- tháng 6 ( Đối với các tỉnh miền bắc). Nếu các tỉnh Nam Trung Bộ thì gieo muộn hơn có thể tháng 7- tháng 8.
- Gieo hạt trực tiếp lên đất đã chuẩn bị như ở trên. Sau đó tưới nhẹ nước tạo độ ẩm cho hạt nhanh phát triển. Sau 7-10 ngày, hạt sẽ phát triển thành cây con.
Hình ảnh cây đan sâm khi mới ươm giống
Chăm sóc cây trồng
- Tưới nước: Thời gian đầu nên cung cấp đầy nước và độ ẩm cho cây phát triển. Thời điểm thích hợp để tưới nước là sáng sớm và chiều mát. Không nên tưới nhiều quá, cũng không nên để cây khô quá. Tưới nước vừa phải ngày 2 lần để độ ẩm đất vừa phải.
- Bón phân: Sử dụng phân vi sinh và phân chuồng hoại mục, sau đó bón xung quanh gốc sẽ giúp cây phát triển tốt. Bón phân kết hợp với xới cỏ, như vậy sẽ giúp bộ rễ thông thoáng và phát triển.
- Phòng trừ sâu bệnh: Trong quá trình chăm sóc nếu thấy biểu hiện của bệnh, bạn có thể dùng các phương pháp thủ công như bắt sâu, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, cũng như sức khỏe của người dùng sau này.
Thu hoạch
Nên thu hoạch cây đan sâm vào mùa đông. Đào rễ về rửa sạch đất, cắt bỏ cây và rễ non, có thể phơi khô hoặc sấy khô. Có thể dùng rễ đun sắc lấy nước uống hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe.
Thân Thị Thảo đã bình luận
Xin Tra cứu dược liệu cho biết cây Đan sâm có trồng được tại huyện Quốc Oai không ạ.
Có thể mua giống cây Đan sâm ở đâu và đơn vị thu mua.
Tôi muốn trồng loại dược liệu này trên diện thích đất 1 ha tại Quốc Oai
Tôi xin cảm ơn !
Lê Đào đã bình luận
Chào chị Thảo. Đan sâm là dược liệu với nhiều công dụng tốt. Tuy nhiên để dược liệu được trồng và sản xuất ra thị trường, cần có quy trình trồng chuẩn và sự kiểm định giám sát liên tục. Để được tư vấn thêm về vùng trồng, chị có thể liên hệ với chuyên gia bên em ạ. Em cảm ơn.
nguyễn du thành đã bình luận
cho mình hỏi, đất ở khu vực Củ Chi Tp HCM có thích hợp trồng được cây đan sâm không?. hiện tại đất này đang thu hoạch cao su. cảm ơn.
Lê Đào đã bình luận
Chào anh Thành. Yêu cầu dinh dưỡng đất để trồng cây dược liệu và cây công nghiệp thường sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, anh cần lưu ý đến khâu chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây dược liệu đạt tiêu chuẩn. Để được tư vấn hơn về trồng cây dược liệu, anh có thể liên hệ với chuyên gia về kiểm định dược liệu và giám sát thực thi GACP bên em ạ.
Mai duy Anh đã bình luận
Có cách nào sau khi ngâm hạt nó bị nhớt rất khó gieo. Làm thế nào để hạt khô sau xử lý để khi trồng được thuận lợi?
Lê Đào đã bình luận
Chào bạn! Hạt trước khi gieo thường được ngâm nước để kích thích sự nảy mầm nhanh hơn. Nếu để hạt khô khi gieo thì tỷ lệ này mầm của cây sẽ thấp và thời gian nảy mầm sẽ rất lâu.
Khi ngâm hạt thấy hiện tượng bị nhớt, có thể hạt giống cả bạn đang bị hỏng, bạn cần kiểm tra lại.