Mục lục
Đặc điểm chung
Đặc điểm thực vật
- Cây Cối xay (Abutilon indicum (L.) Sweet.) thuộc dạng cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1,0-1,5 m.
- Lá mọc so le có cuống dài, hình tim, đầu nhọn, mép khía răng hai mặt có lông mềm.
- Hoa màu vàng mọc riêng lẻ ở kẽ lá.
- Quả do nhiều nang hợp lại, xếp sít nhau giống cái cối xay.
- Mùa hoa tháng 2 -3; mùa quả hạt tháng 4 -6.
Hình ảnh cây Cối xay
Giá trị làm thuốc
Theo kinh nghiệm dân gian, lá, thân, quả có tác dụng chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, bạch đới, rắn cắn, chữa vàng da, phù thũng sau khi đẻ, kiết lỵ, mắt có màng mộng, tai điếc, chữa mụn nhọt, điều trị đau viêm khớp, viêm tuyến mang tai truyền nhiễm, tật điếc, đau tai, ù tai.
Kỹ thuật trồng trọt
1. Giống và kỹ thuật làm giống
Cây cối xay được nhân giống bằng hạt, gieo vào tháng 2, 3 trong vườn ươm sau đó đánh cây con đi trồng. Lượng giống cho 1ha gieo thẳng từ 3-4 kg hạt giống.
Nếu gieo hạt trực tiếp vào hốc, thường gieo 3-4 hạt/hốc. Khi cây cao 20-30cm tiến hành tỉa chỉ để lại 1-2 cây/hốc.(Chọn các cây khỏe mạnh, không sâu bệnh).
Gieo hạt trong vườn ươm:
- Đất gieo hạt giống phải sạch cỏ dại, tơi xốp, tưới tiêu thuận lợi, chiều rộng 1-1,2m, chiều cao 20 -25 cm, gạt phẳng đất và đập nhỏ.
- Trước khi gieo, hạt được xử lý bằng nước ấm 40oC trong 60 phút,vớt ra để ráo và đem gieo.
- Hạt được gieo đều trên mặt luống,phủ một lớp đất bột 0,5 cm, sau đó phủ rơm rạ, tưới giữ ẩm trong 5-7 ngày đến khi cây mọc mầm.
- Hạt giống cối xay sau gieo ở vườm ươm 20-30 ngày,cây cao 20-25 cm có thể đánh trồng ra ruộng.
- Lượng giống cần 15-20 kg/ha, vườn ươm đủ trồng cho 4-5 ha dược liệu.
2. Thời vụ trồng
Thời vụ trồng thích hợp vào tháng 2 -tháng 4 hàng năm.
3. Kỹ thuật làm đất
Đất cày bừa nhỏ, nhặt sạch cỏ dại,làm luống rộng 70 -120 cm. Yêu cầu luống phải thoát nước tốt tránh để ngập úng (nếu bị ngập nước 1 -2 ngày cây sẽ bị chết).
4. Mật độ, khoảng cách
Mật độ: 40.000 cây/ha.Khoảng cách trồng: 50 x 50 cm (2 hàng/luống).
5. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 1/3 phân hữu cơvi sinh trộn và rải đều trên ruộng trước khi lên luống.
Bón thúc: Chia làm 3 lần bón.
- Bón lần 1: Sau trồng 15 -20 ngày bón phân NPK với lượng 54 -81kg/ha(2-3 kg/ sào Bắc bộ).
- Bón lần 2: Bón sau khi thu hoạch lần 1 (sau trồng 80 -90 ngày): bón NPK với lượng 135 -190 kg/ha(5-7 kg/sào Bắc bộ)+1/3 phân hữu cơ vi sinh.
- Bón lần 3: Bón sau thu hoạch lần 2 (sau thu lần 1: 60 -70 ngày): bón nốt số NPK còn lại+1/3 phân hữu cơ vi sinh.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu đục quả (Earias insulana)
Đặc điểm gây hại:
- Sâu gây hại trên nụ hoa, quả non và quả già từ khi cây ra nụ hoa đến khi thu hoạch. Sâu non đục vào bên trong, để lại các lỗ tròn, nhỏ trên bề mặt nụ và quả bị hại.
Biện pháp phòng trừ:
- Có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Fipronil (ví dụ Regent800WG; Tango 50SC, 800WG); Abamectin (ví dụ Abatimec 5.4EC; Catex 1.8 EC, 3.6 EC); Abamectin + Fipronil (ví dụ Scorpion 18 EC, 36EC). Lưu ý phun liên tiếp 2 lần cách nhau 14 ngày vào thời điểm cây ra hoa rộ. Nếu để sâu đã đục vào trong nụ hoặc quả thì rất khó phòng trừ.
Các loại sâu hại lá (bao gồm sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu róm)Gây hại không nhiều. Nếu mật độ sâu ít, có thể bắt sâu bằng tay.
Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ sau:
- Hoạt chất Abamectin (Ví dụ:Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); Chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (Ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP).
Bệnh thối gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii)
Đặc điểm gây hại:
- Triệu chứng bệnh bắt đầu từ phần gốc thân tiếp giáp với mặt đất với những đám sợi nấm màu trắng, phát triển theo kiểu hình quạt. Những hạch nấm nhỏ, tròn, hình hạt cải được hình thành sau đó trên các tản nấm. Các hạch nấm có thể được nhìn thấy dễ dàng trên cây bệnh, đặc biệt ở phần tiếp giáp với mặt đất. Hạch nấm có màu kem nhạt đến nâu tùy theo giai đoạn phát triển. Bệnh phát triển rất nhanh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
Biện pháp phòng trừ
- Kiểm tra ruộng cối xay theo định kỳ, loại bỏ và chuyển toàn bộ tàn dư cây bệnh ra khỏi ruộng. Nếu cây bị bệnh nặng, cần cẩn thận loại bỏ cây và cả phần đất xung quanh để hạn chế sự phát tán của hạch nấm gây bệnh.
7. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Cối xay thường thu vào mùa hạ. Toàn thân, lá, hoa đều sử dụng làm dược liệu. Cắt cây sát gốc từ 20-30 cm giũ sạch bụi.
- Sơ chế:Cắt thành từng đoạn theo quy định, phơi hoặc sấy khô.
- Bảo quản:Để nơi khô mát tránh mốc, mọt.