Hoài sơn (Củ mài) là cây phân bố ở cùng nhiệt đới. Ở Việt Nam có khoảng 30 loài, một số là cây trồng lấy tinh bột từ củ và hầu hết được dùng làm thuốc. Trong đông y Hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ và hơi có tính chất thu sáp, dùng trong những trường hợp ăn uống khó tiêu, viêm ruột kinh niên, di tinh, đi đái đêm, mồ hôi trộm, đi đái đường.
Mục lục
Đặc điểm chung
Đặc điểm thực vật
- Cây dây leo, thân nhẵn, hơi có cạnh và viền cạnh có màu đỏ.
- Lá đơn mọc so le hay mọc đối hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, dài 8 – 10 cm, rộng 6 – 8 cm, gân lá 5 – 7, cuống lá dài 1,5 – 3,5 cm.
- Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng, hoa đực và hoa cái khác gốc, cụm hoa đực dài 40 cm, cụm hoa cái cong dài 20 cm, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau, có 6 nhị.
- Củ hình thành từ chùm rễ tia củ, hình trụ và có khía ở phía dưới, chiều dài củ 30 – 50 cm.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Bộ phận dùng là rễ củ.
Công dụng: Trong y học cổ truyền hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, chữa suy dinh dưỡng cho trẻ em, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, di niệu, thận suy, mỏi lưng đi tiểu nhiều, bạch đới, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm.
- Ngày dùng từ 10g đến 20g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Kỹ thuật trồng trọt
Chọn vùng trồng
Hoài sơn có thể trồng ở miền núi, trung du và đồng bằng. Đất trồng cần màu mỡ, đất nhiều mùn, tầng canh tác dày 20 – 30 cm trở lên.
Chọn vùng trồng đất phù sa ven sông, đất cát pha và đất thịt nhẹ, pH 6,6 – 7,5. Không nên trồng ở đất thịt nặng, úng nước. Có thể trồng nơi có độ cao từ 100 – 800m so với mực nước biển. Nhiệt độ thích hợp 20 – 35oC, độ ẩm 80 – 95%.
Giống và kỹ thuật làm giống
Phương pháp nhân giống vô tính cho hệ số nhân giống cao nhất do đó trong thực tế người dân nên sử dụng phương pháp này.
Kỹ thuật làm giống:
- Rễ củ được sử dụng để làm giống.
- Khi thu hoạch, chọn củ có kích thước trung bình, vỏ nhẵn màu sáng, thẳng, không sâu bệnh để làm giống. Tốt nhất là dùng đoạn đầu rễ, nhưng cũng có thể sử dụng cả phần dưới (toàn bộ rễ củ) cắt thành những đoạn dài 5 – 6 cm chấm vôi hoặc tro ngay, để khô sau đó trồng ngay hoặc có thể đem ủ vào cát ẩm khi lên mầm đem trồng.
Cách ủ mầm:
Rải cát dày 2 – 3 cm xếp một lớp củ giống rồi phủ lên một lớp cát. Có thể xếp 2 – 3 lớp như vậy. Sau 7 – 10 ngày các đoạn rễ củ sẽ nảy mầm và đem trồng. Các đoạn đầu rễ nảy mầm nhanh hơn, nên xếp riêng để tránh gẫy mầm.
Thời vụ trồng
Thời vụ trồng hoài sơn tốt nhất vào tháng 2 – 3 (sau Tết âm lịch).
Kỹ thuật làm đất
- Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, có thể khử trùng đất bằng vôi bột 130kg/ha.
- Lên luống cao 30 – 35 cm, mặt luống rộng 50 – 60 cm. Bổ hốc 2 hàng so le và bón lót phân theo hốc.
Mật độ, khoảng cách trồng
- Mật độ trồng: 110.000 cây/ha.
- Khoảng cách trồng: 30 x 30 cm.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón
- Bón lót (trước khi trồng): toàn bộ lượng phân hữu cơ (phân chuồng) + toàn bộ lượng phân lân supe + 30% đạm urê + 50% kali clorua, 30% NPK đầu trâu, trộn đều trong đất.
- Bón thúc đợt 1: Sau trồng 3 tháng 50% đạm urê, 35% NPK đầu trâu.
- Bón thúc đợt 2: Sau trồng 6 tháng toàn bộ lượng đạm urê, kali colorua và NPK đầu trâu còn lại.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Cây giống đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng, tưới và giữ đủ ẩm cho đến khi hồi xanh. Sau khi trồng 15 – 20 ngày làm giàn cho cây. Giàn leo có thể làm kiểu mái nhà hoặc giàn thẳng.
Chăm sóc:
Vun xới làm cỏ đợt 2 sau khi trồng cây sau 1 tháng, ruộng luôn đảm bảo sạch cỏ dại, khi mưa xuống tháo nước kịp thời không để ngập úng. Làm cỏ kết hợp bón phân.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây hoài sơn ít bị sâu bệnh hại. Có thể có xuất hiện rệp, bọ xít nhưng về cơ bản không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường và năng suất của cây.
- Cây hoài sơn rất dễ bị thối củ nếu ruộng trồng bị thấp và đất quá ẩm.
- Đề phòng thối củ bằng cách chọn chân ruộng cao, quản lý lượng nước tưới vừa phải và thoát nước kịp thời khi mưa lớn.
Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Hoài sơn thu hoạch vào tháng 11 – 12 trong năm, khi cây tàn lụi tiến hành thu hoạch, cắt bỏ phần thân lá và đào lấy rễ củ. Cắt đầu rễ làm giống, phần còn lại đem chế biến. Tỷ lệ khô tươi khoảng 1:4, năng suất trung bình đạt 3 – 5 tấn củ khô.
Sơ chế: Đào lấy củ già rửa sạch gọt vỏ ngâm nước phèn chua để loại bỏ chất nhớt (10g phèn chua/1 lít nước) trong khoảng 2 – 4 giờ, vớt ra rửa sạch, cho vào lò sấy lưu huỳnh đến khi củ mềm. Phơi hay sấy cho se. Tiếp tục sấy lưu huỳnh 20 giờ. Phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 50oC đến 60oC đến khi độ ẩm không quá 12% là được.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh sâu, mốc, mọt.
Bạn đọc xem thêm: Ẩm thực dưỡng sinh từ củ Mài, vị thuốc Hoài sơn