Phần I. Đặc điểm chung
1. Đặc điểm thực vật
Hình ảnh cây Bạc hà
- Cây bạc hà là một loại cỏ sống lâu năm, cao từ 10 đến 60-70cm, có thể cao tới 1m.
- Thân vuông mọc đứng hay hơi bò, có khi phân nhánh, trên thân có nhiều lông.
- Lá mọc đối, cuống dài từ 2 đến 10mm, phiến lá hình trứng hay thon dài, rộng 2-3cm, dài 3-7cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông che chở và lông bài tiết.
- Hoa mọc vòng ở kẽ lá, cánh hoa hình môi màu tím hay hồng nhạt có khi màu trắng. Ít khi thấy có quả và hạt.
- Toàn cây có lông và có mùi thơm. Mùa hoa quả tháng 6 – 9.
2. Nguồn gốc, phân bố
Bạc hà là cây có nguồn gốc từ đới châu Âu, châu Á. Ở nước ta chi này cũng có 3 – 4 loài, mọc tự nhiên ở vùng núi cao 1300 – 1600 m, có khí hậu ẩm mát như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Yên Bái và Mường Lống (Nghệ An
3. Điều kiện sinh thái
Bạc hà thuộc loại cây ưa ẩm và ưa sáng, mọc hoang dại thường tập trung thành những đám nhỏ gần bờ suối hay trong thung lũng. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi đất nhiều mùn, màu nâu đen, tơi xốp. Cây ra hoa hàng năm, nhưng hình thức tái sinh chủ yếu vẫn bằng cách mọc chồi, đẻ nhánh bò lan trên mặt đất.
4. Giá trị làm thuốc
- Bộ phận sử dụng: Phần thân lá trên mặt đất.
- Công dụng: Thường dùng trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng viêm họng, ho, giai đoạn đầu của bệnh sởi; chứng khó tiêu, đầy bụng, đau bụng; ngứa da. Tinh dầu bạc hà có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau, như khớp xương, thái dương khi nhức đầu.
Phần II. Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
- Bạc hà có thể trồng được ở đồng bằng, trung du và miền núi, nhưng sinh trưởng tốt hơn ở nhiệt độ 20 – 25oC và ở nơi có đầy đủ ánh sáng.
- Chọn đất pha cát tơi xốp, thoát nước tốt, không úng ngập, nhiều mùn. Không nên trồng ở đất sét và đất bạc màu. Năng suất và chất lượng tinh dầu của cây trên đất pha cát cao hơn so với cây trồng trên đất thịt nặng, úng nước.
- Độ pH của đất không yêu cầu khắt khe kiềm, axit hay trung tính.
2. Giống và kỹ thuật làm giống
Quần thể bạc hà trồng bao gồm một số giống lai từ các loài M. arvensis L., M. aquatica L., M. spicata L.và M. piperita L.. Những giống này được nhập từ Liên Xô trước đây, Triều Tiên, Pháp, Trung Quốc từ năm 1955 – 1974 và gần đây từ Nhật Bản, Ấn Độ…
Một vài giống bạc hà (nhất là giống BH 974) đã được trồng lớn ở nhiều địa phương. Bạc hà thường được nhân giống bằng thân ngầm hoặc bằng thân cành.
Kỹ thuật làm giống Vào mùa đông, phần thân lá bị lụi đi, giữ nguyên ruộng bạc hà, tưới nước giữ ẩm nếu thời tiết khô hạn, đến mùa xuân chọn lấy đoạn thân ngầm khoẻ mạnh để làm giống. Thân ngầm thường được cắt thành đoạn dài từ 7 – 10 cm, có thể trồng trực tiếp ra ruộng. Lượng giống cho 1ha: 1.000 – 1.500 kg mầm giống. Ngoài ra còn có thể tách lấy nhánh thân sao cho có một ít rễ ở phần gốc để trồng. Trồng bằng thân cành thường trồng muộn hơn, năng suất lứa đầu cũng không cao so với trồng bằng thân ngầm.
3. Thời vụ trồng
- Thời vụ trồng bạc hà ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ là tháng 2 – 3, ở miền núi là tháng 3 – 4, ở các tỉnh khu Bốn cũ là tháng 1 – 2.
- Ở các tỉnh phía Nam có thể trồng vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5)
4. Kỹ thuật làm đất
- Đất trồng bạc hà cần cày sâu, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, bừa kỹ, lên luống cao 20 – 25cm, rộng 1,0 – 1,2 m.
- Rạch luống thành hàng ngang hoặc dọc, cách nhau 20 – 25cm, sâu 8-10cm.
- Ruộng bạc hà cần bố trí trên đất thoát nước tiện tưới tiêu, không bị che khuất.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
- Mật độ: 500.000cây/ha trồng khoảng cách 20x10cm.
- Mật độ: 200.000cây/ha trồng khoảng cách 20x25cm.
Hình ảnh luống Bạc hà đang phát triển tươi tốt
6. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Một số loại phân bón thường dùng như: Phân chuồng, Đạm ure, supe lân, Kali Clora
Thời kỳ bón
- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ hoai mục + phân lân và kali.
- Bón thúc: Bằng phân đạm vào thời kỳ cây giao tán và sau các lứa cắt, mỗi lần bón 1/4 tổng lượng phân urê bằng cách pha loãng nồng độ 2% để tưới.
7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng: Hiện nay biện pháp gieo trồng bằng thân cành hoặc thân ngầm là phổ biến. Cắt thân ngầm thành từng đoạn dài 7 – 10 cm, đặt hơi nghiêng xuống rạch cách nhau 10cm.
Nếu trồng bằng nhánh thân cành thì đặt sao cho phần ngọn nhô lên mặt đất 5 – 7 cm, dùng đất bột lấp kín mầm 4 – 5 cm. Khi trồng chú ý ấn chặt gốc và tưới nước ngay cho cây chóng hồi phục. Giữ ẩm sau khi trồng cũng như trong suốt thời gian sinh trưởng.
Chăm sóc: Cần chú ý làm cỏ lúc cây chưa phủ kín đất. Sau mỗi lứa cắt, chú ý làm vệ sinh đồng ruộng, bón thúc bằng tưới phân đạm pha loãng.
Tưới tiêu: Luôn đảm bảo cho đất đủ ẩm để cây phát triển tốt. Khi bị ngập úng phải thoát nước ngay vì và bạc hà không chịu được ngập úng, tránh làm cây bị chết.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên bạc hà là bệnh gỉ sắt do nấm Puccinia menthae gây ra. Đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ như sau:
- Vết bệnh đầu tiên là những chấm màu vàng trong đến vàng nhạt, nằm rải rác ở mặt dưới lá, sau phát triển thành những u nổi, bên trong chứa một khối bào tử có màu nâu đỏ, khi còn non có màu vàng gạch. Cuối giai đoạn sinh trưởng bệnh phát triển nhiều, phủ kín lá, làm rụng lá gây giảm năng suất đáng kể.
- Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm và ẩm.
Biện pháp phòng trừ
- Không nên trồng độc canh bạc hà trong nhiều năm mà nên luân canh với cây khác họ để hạn chế nguồn bệnh lây lan từ vụ này sang vụ khác.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đưa các tàn dư bệnh ra khỏi ruộng và tiêu hủy, dọn sạch tàn dư sau thu hoạch.
- Có thể sử dụng thuốc trừ nấm có hoạt chất: Cyproconazole (ví dụ Bonanza 100 SL); Difenoconazole (ví dụ Score 250 EC, Nitin 300 EC, Tilt Super 300 EC)
9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Bạc hà trồng 2 – 3 tháng có thể thu hoạch. Tùy thời vụ trồng sớm, muộn và khả năng chăm sóc mà mỗi năm có thể thu hoạch 2 – 3 lứa. Thời điểm thu hoạch là khi cây ra hoa từ 70% trở lên. Chọn ngày nắng ráo cắt sát gốc lấy toàn bộ phần thân lá để cất tinh dầu. Trung bình, lứa thứ nhất có thể thu được 8 – 10 tấn, lứa thứ hai: 5 – 7 tấn, lứa thứ ba: 3 – 5 tấn thân lá tươi/ha. Năng suất tinh dầu thường đạt 70 – 100kg/ha.
Sơ chế: Loại bỏ các lá sâu, vàng. Nếu chưa kịp cất tinh dầu ngay thì cần tãi mỏng ở nơi râm mát, tránh để thành đống.
Bảo quản: Để nơi khô, mát, tránh để thành đống, từng thời điểm kiểm tra hàm lượng tinh dầu.