Đương quy là dược liệu quen thuộc có tác dụng dược lý rất đa dạng được nhắc đến trong nhiều bài thuốc về rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, đau nhức xương khớp, thiếu máu, cơ thể suy nhược, yếu mệt… Bên cạnh đó, đương quy còn là nguyên liệu quan trọng trong các món ăn bồi bổ sức khỏe.
1. Đôi nét về cây Đương quy
Đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv.) Diels, họ Cần (Apiaceae).
- Đây là cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím.
- Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều.
- Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt.
- Quả bé, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9. Rễ đương quy là bộ phận được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
- Rễ dài 10 – 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ. Đường kính quy đầu 1,0 – 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ 0,3 – 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà, có vân tròn và
nhiều điểm tinh dầu. - Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay và hơi đắng.
Hình ảnh cây đương quy
Theo nghiên cứu y học hiện đại, đương quy chứa nhiều nhóm hoạt chất quí như: Tinh dầu, trong đó quan trọng nhất là ligustilid có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu và n-butylphtalid chữa đột quỵ do thiếu máu não cục bộ cấp tính; polycacharid tăng cường miễn dịch và ức chế khối u; các coumarin có tác dụng hoạt huyết; phytoestrogen làm giảm tác dụng kiểu oxytoxin của hormone tuyến yên, ức chế co bóp tử cung, chống viêm và hạ huyết áp; acid hữu cơ ferulic có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu
2. Kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc và thu hoạch
Kỹ thuật chọn giống
Lựa chọn hạt giống được để từ cây trên 2 năm tuổi, hạt chắc mẩy, đạt tỉ lệ nảy mầm cao trên 70%. Nên mua hạt giống ở những vườn dược liệu uy tín. Nếu không lấy hạt, bà con cũng có thể mua giống cây đương quy về trồng, giá cao hơn nhưng không tốn công đoạn xử lý hạt.
Xử lý hạt đương quy:
- Ngâm hạt trong nước ẩm 40 – 45 độ C từ 1 – 2 tiếng. Vớt hết hạt lép, hạt thối nổi lên bên trên.
- Vớt ra, để ráo nước
- Đem ủ hạt giống (giống như ủ giá đỗ) để tăng tỉ lệ nảy mầm cho hạt.
Gieo hạt đương quy:
Hạt đương quy có thể gieo trong vườn ươm, gieo lên bầu hoặc gieo trực tiếp ra đồng ruộng.
Kỹ thuật trồng
Thời vụ gieo trồng đương quy:
- Ở vùng đồng bằng: Thời gian gieo hạt vào tháng 10 sẽ cho thu hoạch vào tháng 6 – 7 năm sau. Tổng thời gian chăm sóc và sinh trưởng từ 9, 10 tháng.
- Ở vùng núi cao (Sapa, Tam Đảo): Thời gian gieo hạt vào tháng 10 11, cho thu hoạch vào tháng 11 – 12 năm sau. Tổng thời gian chăm sóc và sinh trưởng từ 11 – 12 tháng.
- Ở khu vực Tây Nguyên: Gieo hạt tháng 6 – 7, thu hoạch vào tháng 10, 11 năm sau. Tổng thời gian sinh trưởng của cây kéo dài từ 14 – 18 tháng
Như vậy, sâm đương quy ở vùng Tây Nguyên sẽ cho củ to, chất lượng tốt hơn do thời gian trồng dài hơn.
Mật độ trồng:
- Trồng với mật độ 20cm & 20cm.
- Khi trồng, cũng dùng bay, tạo một khe nhỏ, nhẹ nhàng trồng cây Đương quy con vào khe đất, rút bay lên, nén đất cho cây yên vị.
Vùng trồng dược liệu đương quy
Kỹ thuật chăm sóc
Sau 15 ngày, hạt sẽ mọc mầm, ta dỡ bỏ rơm, tiếp tục tưới nước cấp ẩm cho cây. Đến khi cây ra được từ 3 – 4 lá thật thì đem ra ruộng trồng.
Trồng xong tưới nhẹ nhàng bằng thùng tưới có hoa sen. Lúc đầu ngày nào cũng phải tưới 1 lần. Khi cây đã cứng cáp thì các lần 2 tưới có thể thưa hơn. Khi cây đã kín luống thì có thể tưới bằng cách đưa nước vào ruộng ngập rãnh, dùng tay té nước lên mặt luống rồi tháo nước ngay, làm như vậy sẽ có độ ẩm cho cây trồng.
Giai đoạn này có thể dùng phân NPK tổng hợp, pha loãng tưới vào toàn cây và mặt luống để thúc cho cây giao tán. Nếu có cỏ thì nhổ cỏ cho cây, một đôi lần.
Trừ sâu bệnh hại
Đương quy nói chung ít sâu bệnh nhưng ở thời kỳ cây con, dễ bị sâu xám cắn.
- Dùng DDT sữa pha với tỷ lệ 1% phun hoặc tưới quanh gốc vài lần là hết.
- Cũng có thể kết hợp bắt bằng tay để giảm độc tố trong cây trồng. Nếu cây có nấm bệnh trên mặt lá thì dùng dung dịch Boócđô tức là hỗn hợp vôi + đồng Sunfat + nước với tỷ lệ 1-1-100 để tưới vào cây.
Nếu gặp sương muối thì sáng hôm sau phải tưới rửa lá ngay để cây khỏi bị táp lá.
Thu hoạch và chế biến sơ bộ
Sau 7-8 tháng, khi cây đã có một số lá vàng ở gốc, đào thử thấy củ to và chắc, là có thể thu hoạch được.
- Dùng liềm cắt toàn bộ lá trên mặt đất để lại 5-10cm thân. Số lá này sẽ tập trung để ủ phân xanh. Dùng cuốc để thu hoạch. Cuốc từng vầng to để khỏi phạm vào rễ. Rũ sạch đất, cho củ vào rổ đem đi rửa.
- Rửa xong đem về sân, cắt cụt thân, phơi cho ráo nước rồi xếp vào lò hoặc cót để xông lưu huỳnh.
Xông lưu huỳnh xong thì đem phơi cho đến khi khô kiệt. phơi khô xong, đóng vào bao tải, để nơi khô mát.
Công dụng của Đương quy
Đương quy là vị thuốc dùng rất phổ biến trong đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh cho phụ nữ, đồng thời được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh như thuốc chữa thiếu máu, đau đầu, cơ thể gầy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứa huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bể kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 10 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.
Xem thêm: Đương quy -Nhân sâm của tự nhiên dành cho phụ nữ
Bài thuốc có đương quy
1. Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, sau khi để máu, mồ hôi chảy mãi không hết (bài thuốc Tứ vật thang)
- Đương quy 16g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Đương quy 20g, thục địa 10g, bạch thược 20g, xuyên khung 15g.
Đối với phụ nữ sau khi đẻ xong bị bệnh nhiều, có thể dùng bài Tứ vật nói trên, thêm hoắc can khương, đậu đen, trạch lan, ngưu tất, ích mẫu, bổ hoàng.
2. Chữa các chứng uất, ngoại cảm, phụ nữ nóng rét không khỏi (bát vị tiêu giao tán)
Đương quy, bạch truật, bạch thược, bạch linh, sài hồ, bạc hà, chích thảo, mỗi vị 4g, đơn bì 2,8g, chi tử 2,8g. Sắc uống trong ngày.
3. Chữa phụ nữ rong kinh, rong huyết, có thai ra máu hoặc xảy thai ra máu không dứt (Giao ngải thang)
Đương quy 12g, sinh địa 12g, bạch thược 16g, xuyên khung 8g, a giao 8g, cam thảo 8g, ngải diệp 8g. Sắc uống.
4. Chữa ngoại cảm trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, ỉa chảy ra phân sống (Ngũ tích tán).
Đương quy, nhục quế, bạch linh, bạch chỉ, xuyên khung, bạch thược, cam thảo, mỗi vị 12g, bán hạ 8g, cát cánh 6g, thương truật 3g, trần bì 3g, can khương 2g, hậu phác 1,6g. Sắc uống.
5. Chữa huyết nhiệt, táo bón (Nhuận táo thang)
Đương quy, thục địa, đại hoàng, cam thảo, đào nhân, mỗi vị 4g, sinh địa 3g, thăng ma 3g, hồng hoa 1g. Sắc uống.
6. Chữa răng lợi, môi miệng sưng đau, chảy máu (Thanh vị tán).
Đương quy, sinh địa mỗi vị 1,6g, thăng ma 2g, hoàng liên 1,2g, mẫu đơn 1,2g, thêm thạch cao, nếu đau nhiều. Sắc uống.