Bạn đã nghe nhiều về củ Hà thủ ô. Bạn có biết phần lá của cây này cũng có nhiều công dụng. Cụ thể như nào? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lá Hà thủ ô, từ đặc điểm sinh học, tác dụng, cách sử dụng, đến những điều cần lưu ý khi dùng lá Hà thủ ô. Mời các bạn theo dõi.
Mục lục
Lá Hà thủ ô trông như thế nào?
Lá Hà thủ ô trong đông y còn được gọi với cái tên dạ giao đằng, Thủ ô đằng, Kỳ đằng. Đằng với ý là phần thân lá của cây thân leo. Tên dạ giao đằng xuất phát từ câu chuyện dân gian truyền lại về cây này. Cụ thể là khi đêm đến, thân dây leo của hai cây Hà thủ ô quấn chặt lại với nhau, đến sáng lại tách ra. Dạ giao đằng (dạ: ban đêm, giao: sự gặp gỡ, đằng: dây leo).
Cần phân biệt với lá Hà thủ ô trắng còn gọi là dây vú bò, sừng bò với tên gọi trong đông y là Cổ dương đằng.
Vậy lá Hà thủ ô trông như thế nào?
Lá Hà thủ ô được mô tả như sau:
- Phiến lá có hình tim hẹp, đầu thuôn nhọn , dài 5 – 8cm, rộng 3 – 4cm. Là nhỏ có nét giống lá rau muống.
- Mặt dưới lá nhẵn, mặt trên sẫm bóng không có lông tơ.
- Mép lá nguyên hoặc hơi lượn sóng
- Gân xuất phát từ gốc lá, có khoảng 3-5 cặp gân đối xứng.
- Cuống lá dài khoảng 2cm, có phủ lông tơ
- Lá mọc so le nhau hình mũi tên.
- Bẹ chìa mỏng, ngắn, có lông dài.
- Lá kèm mỏng màu nâu nhạt ôm lấy thân.
Lá Hà thủ ô và thân dây cũng được dùng làm thuốc trong đông y với tên kê trong đơn là Dạ giao đằng và có tác dụng chữa bệnh khác với phần củ Hà thủ ô. Cùng xem công dụng của lá Hà thủ ô như nào ở mục tiếp theo nhé.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Hình ảnh nhận dạng cây Hà thủ ô
Lá Hà thủ ô có tác dụng gì không?
Như đã nói các bộ phận khác nhau của cây Hà thủ ô được sử dụng cho các mục đích chữa bệnh khác nhau do có thành phần dược tính khác nhau. Cụ thể:
Theo ghi chép đông y, lá Hà thủ ô (Dạ giao đằng) với vị ngọt, tính bình, có tác dụng an thần, dưỡng tâm, chỉ hãn, trừ phong thấp, thư cân lạc (thông kinh lạc). Đông y dùng Lá Hà thủ ô để chữa mất ngủ, mệt mỏi, nhiều mồ hôi, người đau do huyết hư hay thiếu máu, tràng nhạc, ung thũng, mụn nhọt lở ngứa..
Cụ thể công dụng của lá Hà thủ ô được tổng hợp theo ghi chép như sau:
- Giúp trừ phong thấp, thư cân lạc, giúp an thần, dưỡng tâm, chỉ hãn
- Có tác dụng với chứng mất ngủ (theo Bản thảo chính nghĩa)
- Cũng có tác dụng trị lao thương, bổ trung khí, hành kinh lạc, thông huyết mạch (theo Bản thảo tái tân)
- Theo trung thảo dược Thiểm tây, lá Hà thủ ô không chỉ trị mất ngủ, thiếu máu, cơ thể đổ nhiều mồ hơi, toàn thân mệt mỏi, trừ phong thấp, thông kinh lạc mà còn trị được các bệnh ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở.
- Theo Ẩm phiến tân tham thì lá Hà thủ ô có tác dụng dưỡng Can Thận, an thần, thúc ngủ (ngủ ngon), cầm hư hãn.
- Theo An Huy dược tài lá Hà thủ ô giúp tiêu sưng ung nhọt, trĩ sang, tràng nhạc.
Bên cạnh đó người ta cũng dùng lá Hà thủ ô để nấu canh ăn. Canh cũng dễ ăn và mát có vị đặng nhẹ hơn ngải cứu, mùi thơm.
Hướng dẫn sử dụng lá cây Hà thủ ô
Là Hà thủ ô nhiều công dụng như vậy nhưng nhiều người lại chưa biết dùng như nào cho hiệu quả. Liệu lá cây Hà thủ ô có uống được không?
Thực tế thì lá Hà thủ ô dùng cũng rất đơn giản như các loại lá thuốc nam có thân dây leo như giảo cổ lam. Cụ thể như sau:
- Cây Hà thủ ô thu hái phần thân dây và lá, đem về rửa sạch loại bỏ tạp chất, bụi bẩn, lá úa héo. Sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ 3 – 4 cm rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô. Phần sấy khô này có thể bảo quản được lâu và lấy dùng làm thuốc khi cần. Khi dùng có thể lấy đem sắc uống với liều lượng khuyến cáo tầm 40g, có thể kết hợp với các vị khác tùy mục đích chữa bệnh tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của chuyên gia đông y. Tham khảo mục tiếp theo để rõ các bài thuốc sử dụng lá Hà thủ ô.
- Lá Hà thủ ô cũng dùng để nấu canh ăn hàng ngày cũng có tác dụng giải nhiệt làm mát. Cụ thể thu hái chọn phần ngọn non lá non về rửa sạch chế biến như món canh rau bình thường: luộc chấm mắm, xào thịt bò, nấu canh….
Một vài bài thuốc sử dụng lá Hà thủ ô
Dưới đây là những bài thuốc bệnh từ dược liệu Dạ giao đằng lá Hà thủ ô được ghi chép tổng hợp lại:
Chữa chứng lở ngứa
Theo sách những cây thuốc và vị thuốc của Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì lá Hà thủ ô được dùng trong trường hợp chữa chứng lở ngứa. Với hướng dẫn cụ thể như sau:
Lá Hà thủ ô có thể dùng với là tươi hoặc khô đều được. Cách làm như sau:
- Lá Hà thủ ô đem cắt về rửa sạch rồi đem đun nước tắm với liều lượng tùy ý.
- Có thể cắt lá cùng thân cành để đun nấu cùng.
- Để nhanh hiệu quả bạn có thể lấy lá Hà thủ ô đem về nấu với lá ngải cứu làm nước tắm.
Chữa đái rắt buốt, đái ra máu
Theo Hải thượng lãn ông thì lá Hà thủ ô còn dùng để chữa đái rắt, đái buốt, hay đái ra máu. Với cách làm như sau:
- Cách 1: Dùng lá Hà thủ ô tươi, giã vắt lấy nước. Sau đó hoà với mật ong để uống.
- Cách 2: Lấy Lá Hà thủ ô và lá huyết dụ với lượng bằng nhau. Sắc đun nước uống. Có thể thêm mật ong.
Chữa mất ngủ, hay nóng nảy
Một ghi chép theo kinh nghiệm dân Gian, Hà thủ ô dùng để chữa mất ngủ hay nóng nảy thường xuyên bồn chồn trong người, hay mơ mộng khi ngủ như sau:
Hà thủ ô đằng (lá thân Hà thủ ô), Đơn sâm, mỗi thứ 3 chỉ, Trân châu mẫu 1 lượng. Sắc và uống khi còn ấm.
Chữa mất ngủ, thiếu máu, đau nhức toàn thân
Cùng theo ghi chép từ kinh nghiệm dân gian dùng để chữa mất ngủ thiếu máu kèm đau nhức toàn thân với bài thuốc sau:
Dạ giao đằng (Thủ ô đằng) 2 lượng khô, sắc uống
Cụ thể như sau:
- Dùng 40 gram lá Hà thủ ô sắc cùng với hai chén nước lọc. Sắc đến khi cô đặc còn một chén là được. Dùng khi thuốc còn ấm. Người bệnh kiên trì sử dụng đến khi bệnh tình được cải thiện.
- Dùng cho trường hợp: mất ngủ, thiếu máu, đau nhức toàn thân, cơ thể ra nhiều mồ hôi
Chữa chứng tâm thần phân liệt
Lá Hà thủ ô cũng có thể dùng kết hợp với củ Hà thủ ô trong bài thuốc sau:
Hà thủ ô chế 90g, Dạ giao đằng (lá Hà thủ ô) 90g, Táo đỏ 5 trái. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang (ghi chép theo Kinh Nghiệm Dân Gian).
Cụ thể như sau:
- Dùng Lá Hà thủ ô và Hà thủ ô chế mỗi vị 90 gram cùng với 5 quả Táo đỏ. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với chia phần nước, sắc đến khi cô đặc còn lại một phần để dùng. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm nóng. Mỗi ngày sử dụng một thang. Kiên trì sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn
- Dùng cho chứng tâm thần phân liệt.
Chữa ung nhọt, ghẻ lở, lao thương
Theo Cương mục, lá Hà thủ ô có thể chữa Phong sang ghẻ lở phát ngứa bằng cách sắc nước tắm rửa.
Cụ thể như sau:
- Dùng một lượng vừa đủ lá Hà thủ ô đung cùng với 3 – 4 lít nước để tắm. Mỗi ngày tắm một lần cùng với nước sắc dược liệu. Lưu ý, chỉ sử dụng khi nước đã nguội dần, hoặc có thể pha một ít nước lạnh để tránh làm bỏng da.
- Dùng cho trường hợp: ung nhọt, ghẻ lở, lao thương, tràng nhạc hoặc một số bệnh lý về da khác.
Một số lưu ý khi sử dụng lá Hà thủ ô
Khi sử dụng lá Hà thủ ô, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây để tránh gây tác dụng phụ:
- Không nên dùng quá liều, vì có thể gây độc cho gan, thận, dạ dày, hoặc gây tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng.
- Không nên dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, hoặc có kinh nguyệt không đều, vì có thể gây ra chảy máu, sảy thai, hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Không nên dùng chung với một số thuốc khác, như thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đường huyết, thuốc chống viêm, vì có thể gây ra tương tác thuốc hoặc làm giảm hiệu quả điều trị.
- Nên dùng sau bữa ăn, vì có thể giảm bớt kích ứng dạ dày và hấp thu tốt hơn.
- Nên tránh ăn tỏi, củ cải, hành, vì có thể làm giảm hiệu quả của lá Hà thủ ô.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc phản ứng bất thường nào khi sử dụng lá Hà thủ ô, bạn nên ngừng sử dụng và đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chúc bạn sức khỏe!
Tài liệu tham khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả : Đỗ Tất Lợi – Tr 833
- Đánh giá các nghiên cứu lâm sàng của Polygonum multiflorum Thunb. và các hợp chất có hoạt tính sinh học được phân lập của nó [https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4471648/]