Hà thủ ô là một loại thảo dược có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như kích thích mọc tóc, bổ máu, giải độc gan, hạ cholesterol, chống lão hóa… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể uống hà thủ ô một cách tùy tiện. Nếu uống không đúng cách, hà thủ ô có thể gây ra những tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, nổi mẩn ngứa, táo bón, nóng trong người… Vậy nên uống hà thủ ô vào lúc nào để đạt hiệu quả cao nhất và tránh được những rủi ro không mong muốn? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Nên uống Hà thủ ô vào lúc nào?
Nhiều người thắc mắc không biết nên uống Hà thủ ô vào lúc nào? Việc uống vào các thời điểm khác nhau trong ngày có ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Hà thủ ô không có khuyến nghị dùng cụ thể vào thời điểm nào trong ngày. Bạn có thể uống Hà thủ ô vào bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, với những bài thuốc uống từ 3 – 4 lần/ngày nên chia đều trong ngày và uống vào buổi sáng, trưa và tối. Còn với những bài thuốc chỉ uống 1 lần mỗi ngày nên uống đều đặn cùng một thời điểm mỗi ngày để phát huy tác dụng tốt nhất.
Ngoài ra, với từng trường hợp cụ thể bác sĩ có thể chỉ định uống vào thời gian thích hợp. Như trong điều trị đau lưng, ngứa mình, mất sức thì rượu ngâm Hà thủ ô được chỉ định uống mỗi sáng tối lúc bụng đói.
2. Liều lượng dùng Hà thủ ô
Hà thủ ô có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, vì vậy người dân đã biết sử dụng dược liệu này trong điều trị bệnh hay chăm sóc sức khỏe nói chung. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào từng dạng, từng bệnh hoặc mỗi độ tuổi như sau:
2.1. Liều lượng theo dạng chế biến của Hà thủ ô
Với tác dụng bồi bổ (bổ máu, bổ thần kinh, bổ thận…), làm rau tóc đen, giúp tóc khô, đỡ rụng… thì Hà thủ ô có thể được dùng với liều lượng như sau:
– Lá Hà thủ ô đỏ tươi:
Chỉ cần một vài lá Hà thủ ô đỏ tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước, sau đó hòa với mật uống hàng ngày giúp chữa đái ra máu, đái rắt buốt. Hoặc cũng có thể dùng lá Hà thủ ô đỏ bằng với lượng lá huyết dụ, sắc rồi hòa với mật uống.
– Hãm trà uống:
Mỗi ngày dùng từ 10 – 20 g (tương đương 2 – 4 miếng) Hà thủ ô đỏ chế, thêm vài hạt đỗ đen rang. Cách dùng là đem hãm với khoảng 200 ml nước sôi trong bình hoặc ấm giữ nhiệt khoảng 30 phút. Lấy nước hãm uống, bỏ bã. Lượng dược liệu này có thể hãm được 3 – 4 lần uống trong ngày.
– Sắc nước:
Mỗi ngày dùng 10 – 20g (tương đương 2 – 4 miếng) Hà thủ ô đỏ chế, thêm vài hạt đỗ đen rang. Lấy Hà thủ ô nấu sôi với khoảng 1000 ml nước trong 30 phút. Sau đó chắt lấy nước uống, bỏ bã.
– Ngâm rượu:
Chuẩn bị 250g Hà thủ ô đỏ chế dạng miếng, 50g đỗ đen rang hạt, 750ml rượu trắng. Lấy những nguyên liệu trên đem ngâm với rượu trong thời gian ít nhất là 1 tháng trước khi sử dụng. Mỗi ngày dùng 25 – 50ml.
Ngoài ra, Hà thủ ô cũng có thể được ngâm rượu với các loại dược liệu với lượng phù hợp.
– Viên hoàn:
Chế biến 600g Hà thủ ô trắng + 600g hà thủ ô đỏ với 600g bạch phục linh, 600g xích phục linh, 320g ngưu tất, 320g câu kỷ tử, 320g thỏ ty tử, 100g bổ cốt chi thành viên hoàn 0,5g. Mỗi lần uống 50 viên hoàn, mỗi ngày 3 lần.
– Bột tán:
Hà thủ ô đỏ cạo vỏ, thái mỏng, phơi ngô, đem tán thành bột. Mỗi ngày uống 4g vào sáng sớm.
Ngoài ra, Hà thủ ô nếu dùng với đỗ đen thì có liều lượng khác. Trộn bột Hà thủ ô đỏ chế với bột Đỗ đen rang với tỷ lệ (5 : 1). Ngày dùng từ 10 – 20 g (tương đương 1 – 2 thìa) hỗn hợp bột này. Hãm với khoảng 200 ml nước sôi trong bình giữ nhiệt khoảng 15 phút. Chắt lấy nước uống, bỏ bã, hãm được 2 – 3 lần.
– Món ăn:
Tùy món ăn như canh thịt dê hà thủ ô, gà rừng nấu hà thủ ô, chè hà thủ ô… mà có thể ăn với liều lượng khác nhau. Ví dụ như món thịt dê hà thủ ô bạn có thể nấu 750g thịt dê nạc, 50g chích hà thủ ô, 30g quả óc chó, 300g cà rốt, gia vị. Nguyên liệu rửa sạch, nấu chín, ăn trong ngày để bổ can thận, chữa chứng thận hư, liệt dương, đau lưng gối mỏi yếu, chóng mặt đau đầu…
2.2. Liều lượng Hà thủ ô theo từng bệnh cụ thể
Với từng bệnh cụ thể, liều lượng Hà thủ ô trong các bài thuốc cũng khác nhau tùy từng đối tượng như:
Chữa bệnh phong thấp đau lưng, vận động khó khăn… Dùng 20g hà thủ ô đỏ cùng với 30g ngưu tất, 16g cẩu tích, 12g huyết giác, 12g thiên niên kiện, 6g bạch chỉ. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Dùng cho người thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém, người già: Dùng 10g hà thủ ô đỏ, 5g đại táo, 2g thanh bì, 3g trần bì, 2g cam thảo, 3g sinh khương. Thêm 600ml sắc còn 200ml rồi chia 3 – 4 lần uống trong ngày.
Chữa rụng tóc, tóc bạc sớm, chóng mặt, hồi hộp, hoa mắt, ù tai, táo bón… Dùng 20g hà thủ ô chế, 20g huyền sâm, 20g sinh địa. Sắc mỗi ngày 1 thang để uống.
Chữa tăng huyết áp, nam giới chậm có con, người già bị mạch máu xơ cứng. Dùng 20g hà thủ ô đỏ, 16h mỗi loại kỷ tử, tang ký sinh, ngưu tất. Sắc 1 thang uống hàng ngày.
2.3. Liều lượng theo độ tuổi
Với cùng 1 bệnh liều lượng Hà thủ ô sẽ khác nhau theo độ tuổi. Ví dụng như Viên bổ Hà thủ ô được sử dụng để chữa sốt rét, gầy yếu, đau xương, ăn ngủ kém, bạch đới, di tinh, trẻ em chậm đi. Viên hoàn được chế biến từ 500g Hà thủ ô đỏ, 300g sâm bố chính, 300g hạt sen, 100g cam thảo, 100g đại hồi, 100g thảo quả. Tùy độ tuổi mà viên có liều lượng sử dụng phù hợp như trẻ em uống từ 6 – 16 viên/lần, người lớn uống 20 viên/lần.
Như vậy, liều lượng Hà thủ ô khác nhau tùy theo dạng thuốc, từng bệnh cụ thể và từng độ tuổi. Do đó việc sử dụng Hà thủ ô với liều lượng nào nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của người có chuyên môn hoặc bác sĩ y học cổ truyền để giúp điều trị bệnh được tốt nhất.
3. Uống Hà thủ ô bao lâu thì hiệu quả?
Các thảo dược tự nhiên thường phải mất khá nhiều thời gian để đem lại hiệu quả như mong muốn, với Hà thủ ô cũng vậy. Tùy thuộc vào từng bệnh cụ thể thì thời gian cần thiết để đem lại hiệu quả sẽ khác nhau.
– Uống Hà thủ ô đỏ với mục đích bổ máu, đen tóc, cải thiện tình trạng tóc bạc sớm… cần phải kiên trì uống thường xuyên và đúng liều từ 6 tháng – 1 năm. Với khoảng thời gian cần thiết như vậy, người dùng mới cảm nhận rõ hiệu quả của việc sử dụng.
– Đối với bệnh mất ngủ, tăng cholesterol… việc uống Hà thủ ô có tác dụng giảm mệt mỏi, cáu gắt, cải thiện bệnh trong vòng 1 tháng dùng liên tục.
– Điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Hà thủ ô chỉ cần dùng liền trong vòng 12 ngày là có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh đó, hiệu quả của Hà thủ ô còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cơ địa, độ tuổi, thói quen sinh hoạt… nên thời gian có thể khác nhau tùy từng người.
4. Lưu ý khi dùng Hà thủ ô để đem lại hiệu quả và an toàn
Hà thủ ô có nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người, tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng đúng có thể gây hại cho cơ thể. Do đó cần lưu ý những thông tin sau khi sử dụng Hà thủ ô để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất:
– Cách chế biến:
Hà thủ ô có chứa hàm lượng lớn tanin (chất gây táo bón) và anthranoid (chất gây ỉa chảy). Ngoài ra, Hà thủ ô chưa chế còn có vị đắng chát, có thể gây khó sử dụng ở một số đối tượng. Do đó để giảm tác dụng ngoài ý muốn, đồng thời tăng tác dụng bổ dưỡng phải chế biến Hà thủ ô trước khi dùng.
Hiện nay có nhiều cách chế biến Hà thủ ô đỏ khác nhau. Trong đó phương pháp được phổ biến nhất như sau:
- Lựa chọn củ Hà thủ ô đỏ tươi nặng từ 0,5 kg trở lên, rửa sạch, cắt khúc.
- Ngâm với nước vo gạo từ 24 – 48 giờ, rửa lại nước 1 lần nữa. Ninh chín Hà thủ ô đỏ với nước đỗ đen xanh lòng (theo tỷ lệ 1 kg Hà thủ ô đỏ tươi cần 100 – 200g đỗ đen xanh lòng). Thời gian ninh từ 48 – 72 giờ tới khi Hà thủ ô đỏ chín ngậy, ít chát. Vớt ra, bỏ lõi, thái lát.
- Tiếp theo là sấy – tẩm tới khi hết chỗ nước ninh Hà thủ ô đỏ ở trên. Sấy khô kiệt miếng sẽ thu được Hà thủ ô chế, đóng gói kín.
- Hà thủ ô đỏ chế có màu nâu đen, mùi thơm đặc trưng, nước pha màu đỏ thơm, vị ngậy, hơi ngọt, chát nhẹ gần như không đắng.
Lưu ý: Không được dùng củ Hà thủ ô sống để uống do nguy cơ co bóp đường ruột, rối loạn tiêu hóa…
– Cách uống: Người bệnh nên uống Hà thủ ô theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Nếu bạn phải uống trong thời gian dài cần kiên trì sử dụng đều đặn mỗi ngày để phát huy tác dụng hiệu quả nhất.
– Chế độ ăn khi dùng Hà thủ ô: Do dược liệu này có tính nóng nên hạn chế ăn cùng các loại thực phẩm hay gia vị có tính cay, nóng như hạt tiêu, ớt, gừng, củ cải, hành… Các loại này có thể giảm hiệu quả của Hà thủ ô.
– Đối tượng sử dụng:
Hà thủ ô có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Do đó, loại dược liệu này có thể sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau như sau:
- Người có tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều, tóc khô.
- Người bị thiếu máu, huyết hư, tiểu tiện ra máu.
- Người cần phục hồi sức khỏe, người già bị bệnh.
- Người có mỡ máu cao, men gan tăng, gan yếu.
- Người thận yếu, thận suy, mỏi gối, di mộng tinh, đau lưng, khí hư…
- Người bị hoa mắt, chóng mặt, suy nhược thần kinh, mất ngủ, tim hồi hộp.
- Người bị bệnh xích bạch đới, phụ nữ sau sinh nở.
Phụ nữ mang thai, người có huyết áp thấp, đường huyết thấp không nên sử dụng.
Trên đây là những thông tin về cách sử dụng Hà thủ ô. Chắc hẳn bạn đã có đáp án cho câu hỏi “nên uống hà thủ ô vào lúc nào?”. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và an toàn với cơ thể, bạn không nên tự ý sử dụng mà cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.