Mục lục
Nguồn gốc và đặc điểm sữa ong chúa
Sữa ong chúa là thức ăn duy nhất của ong chúa và các ấu trùng ong, được sản sinh từ tuyến hạch miệng của ong thợ. Ong chúa sử dụng loại thức ăn này cả cuộc đời, còn những ấu trùng ong được ăn sữa ong chúa trong 3 ngày đầu của cuộc đời. Chính vì thế mà gây ra sự khác biệt giữa ong chúa và ong thợ: Tuổi thọ của ong chúa khoảng 5-6 năm, gấp 40 lần so với ong thợ là chỉ sống được từ 30-40 ngày.
Vào thời gian sinh sản, ong chúa có thể để lên đến 2000 quả trứng trong 1 ngày (lớn hơn cả trọng lượng cơ thể của nó). Kích thước cơ thể của ong chúa lớn gấp rưỡi ong thợ, không có giỏ phấn hoa trên chân sau của mình và cũng không có tuyến sáp như ong thợ. Vai trò của ong chúa là duy trì nòi giống và ổn định tổ chức trong tổ do vậy nó có hình dạng cơ thể thích hợp với vai trò đó.
Thu hoạch sữa ong chúa
- Chuẩn bị các khay chứa các mũ chúa giả được làm bằng sáp ong hoặc cao su. Mỗi mũ chúa giả được nhỏ vào một giọt sữa ong chúa pha loãng với nước cất.
- Dùng que gắp chuyên dụng, gắp các ấu trùng ong non ở phần đáy của tổ ong và trong mũ chúa giả. Cẩn thận đặt ấu trùng ong nằm lên trên giọt sữa ong chúa đã được đổ vào ở bước trên.
- Cẩn thận đặt các khay trên vào trong tổ ong. Khay cần được đặt vào chính giữa tổ ong và tách biệt với các khay chứa mật khác.
- Sau thời gian 72 tiếng từ lúc bắt đầu cho khay chứa mũ chúa vào thì nên thu hoạch. Đây là thời điểm lượng sữa trong các mũ là nhiều nhất.
- Nhấc các khay chứa mũ ong đã đầy sữa ra để chuẩn bị lấy sữa ong, cạo bỏ lớp sáp bên ngoài.
- Gắp ấu trùng ong ra khỏi mũ chúa.
- Dùng một chiếc thìa gỗ lấy sữa ong ra khỏi mũ chúa, bỏ vào trong một chiếc hũ và bảo quản ngay trong tủ lạnh.
Ngoài cách lấy sữa ong chúa trên, còn có một số cách lấy sữa ong chúa khác bằng cách sẽ tạo ra hàng loạt tổ ong chúa bằng cách lấy enzym và những mùi vị từ tổ ong chúa đem trét vào những tổ mới đã chuẩn bị sẵn. Mùi vị của các tổ ong giả đã đánh lừa các chú ong thợ. Khi các chú ong thợ khám phá ra tổ ong đang bị trống chúng liền tăng cường tiết sữa làm thức ăn cho ấu trùng ong chúa.
Nhiều nhà sản xuất với quy mô dạng xuất khẩu, họ có thể tạo hàng loạt ấu trùng ong và đặt máy hút tự động tại các tổ ong chúa lúc còn là ấu trùng. Sự hút sữa liên tục gây thiếu dinh dưỡng cho ấu chúa cũng làm cho các ong thợ bị đánh lừa và tiết sữa liên tục. Do vậy con người thu được nhiều sữa ong chúa hơn.
Thành phần hóa học
Theo nghiên cứu, chất lượng sữa ong chúa phụ thuộc vào chất lượng của đàn ong thợ. Ong thợ khỏe thì sẽ cho sữa chúa với chất lượng cao. Do vậy trong quá trình nuôi ong người ta thường tạo cho ong môi trường sống tự nhiên, khí hậu ôn hòa, nhiều hoa tươi. Khi về mùa đông hoa nở ít người ta thường bổ sung dinh dưỡng cho ong bằng cách cho ăn men bia để tăng hàm lượng protein trong sữa ong chúa.
Thành phần hoá học trong sữa ong chúa rất phong phú và đa dạng với hàm lượng khác nhau. Bên cạnh đó, sữa ong chúa thu hoạch ở mỗi vùng khác nhau thì tỉ lệ phần trăm các nhóm chất thu được cũng khác nhau, nhưng thành phần chính hầu như không thay đổi.
- Nước: hàm lượng nước trong sữa ong chúa khá ổn định với những nguồn thu hoạch ở nhiều nơi khác nhau, nó chiếm khoảng trên 60%.
- Protein: Theo một số quan điểm, protein chiếm khoản 27-41% là một trong những phần quan trọng nhất của sữa ong chúa khô. Các axit amin có mặt với hàm lượng phần trăm cao nhất là: prolin, lysin, axit glutamic, p-alanin, phenylalanin, aspartate và serin.
- Cacbonhydrat: Chiếm khoảng 30% trong sữa ong chúa khô.
- Axit 10-hydroxy-2-decenoic (10-HDA): Đây là thành phần quan trọng nhất của sữa ong chúa, đồng thời cũng là hoạt chất đặc hiệu để phân biệt thật giả và đánh giá chất lượng của sữa ong chúa. Ở một số nước phát triển, người ta quy định sản phẩm sữa ong chúa phải có hàm lượng 10-HDA tối thiểu là 1,4% với sữa ong chúa tươi và 5% với sữa ong chúa đông khô.
- Các muối khoáng: chiếm khoảng 0,8-3% trong sữa ong chúa. Các khoáng chất này giảm dần theo thứ tự: K, Ca, Na, Mg, Zn, Fe, Cu và Mn.
- Các vitamin: vitamin B1 (thiamin), vitamin B2 (riboflavin), axit pantothenoic, biotin, niacin, axit folic, inositol, axetincolin, một lượng nhỏ vitamin C.
Tác dụng dược lý
Sữa ong chúa giàu protein, chứa tất cả các axit amin thiết yếu, các axít béo không no tốt cho tim mạch. Sữa ong chúa còn chứa nhiều vitamin nhóm B, E, H, collagen,… tất cả đều có lợi cho da. Nếu thoa sữa ong chúa lên da hàng ngày có thể làm da trắng mịn và chống viêm da.
Do sữa ong chúa có tính kháng sinh – chống viêm tự nhiên, nên khi bôi lên da, các nốt mụn sưng viêm sẽ nhanh chóng giảm sưng đỏ, hết đau và hạn chế để lại sẹo thâm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn quan sát thấy rằng sữa ong chúa có tính axit hữu cơ nhẹ, thành phần có chứa các BHA tự nhiên, nên khi bôi, đắp mặt nạ sữa ong chúa hàng ngày sẽ giúp tẩy sạch tế bào da chết trên bề mặt da, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông và làm mờ vết thâm, nám sạm.
Ngoài ra sữa ong chúa còn chứa nhiều hợp chất có thể làm giảm hàm lượng cholesterol. Một đánh giá của các nghiên cứu trên cơ thể người kết luận rằng sử dụng 50-100mg sữa ong chúa mỗi ngày có thể giảm 14% cholesterol và 10% triglycerit. Sử dụng sữa ong chúa thường xuyên có thể ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Sữa ong chúa chứa 10-HDA là một loại axit không no tự nhiên có thể ức chế các tế bào ung thư, cụ thể là ung thư máu và ung thư vú. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng 10-HDA làm tăng khả năng miễn dịch hiệu quả.
Trong một số công trình khoa học đã công bố, sữa ong chúa được báo cáo như một tác nhân làm thay đổi miễn dịch trong bệnh Badơdô. Nó cũng được báo cáo là có tác dụng đối với hệ thần kinh đệm và các tế bào tuỷ sống trong hệ thần kinh. Ngoài ra sữa ong chúa còn được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng có khả năng chống mệt mỏi, chống dị ứng, chống lão hoá, chống vi khuẩn… rất có lợi cho cơ thể của chúng ta.
Tính vị, công năng
Sữa ong chúa có vị ngọt, hơi chua, hơi khé cổ, có tác dụng bổ dưỡng cao, tăng trọng, kích thích và điều hoà.
Công dụng
Sữa ong chúa được coi là loại thuốc bổ cao cấp có tác dụng kích thích phần giữa của não, tuyến yên dưới não và tuyến thượng thận, tăng cường tuần hoàn huyết dịch và điều hoà chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị lão hoá, được dùng cho những người mới ốm dậy, người già yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh đẻ bị thiếu máu, ít sữa, kém ăn, mất ngủ. Thuốc còn có khả năng kìm hãm một số vi khuẩn gây bệnh, giảm hiện tượng stress ở người lao động quá mức và cải thiện hệ thống miễn dịch. Liều dùng thông thường hàng ngày là 2-3 ml.
Hỏi đáp: Uống sữa ong chúa trước khi mang thai có lợi ích gì?
Sữa ong chúa đã được sản xuất dưới dạng biệt dược có tên là Apilat, Apilarnil, Vita – apinol. Viện Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi đã thử nghiệm trên lâm sàng thuốc bổ ” Sữa ong chúa – đinh lăng” thấy có tác dụng tốt làm ăn ngon, dễ ngủ, đỡ mỏi mệt, tăng cân, tăng lực cơ, giảm cholesterol. Thuốc gồm có sữa ong chúa (2,5%), dịch chiết rễ đinh lăng (5%), mật ong (15%), cồn (10%) và tá dược vừa đủ 100%.
Sữa ong chúa còn được chế biến thành bột ở dạng đông khô và đóng thành viên, mỗi viên có 0,06g sữa ong chúa dùng để chữa một số bệnh thần kinh, rối loạn tiêu hoá, thiếu máu, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi. Để làm cho da dẻ mịn màng, chữa tàn nhang, trứng cá ở phụ nữ, viêm da có mủ, mụn nhọt và chàm nhẹ ở trẻ sơ sinh, có thể dùng dạng kem sữa ong chúa 3% để bôi hàng ngày. Tuy là loại thuốc bổi dưỡng quý hiếm, nhưng sữa ong chúa lại cung cấp cho cơ thể lượng nhiệt năng rất lớn, nên khi dùng phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng, thời gian điều trị, nhất là đối với người có bệnh cao huyết áp, bệnh về huyết quản.
Theo tài liệu nước ngoài, sữa ong chúa chứa một số thành phần có tác dụng như hormon (nội tiết tố), có khả năng điều hoà kinh nguyệt và kích thích sinh dục trong một số trường hợp. Uống sữa ong chúa thấy bệnh trạng thuyên giảm rõ rệt ở người mắc bệnh liệt rung (Parkinson) và bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ. Còn đối với người bị liệt dương, sữa ong chúa làm khả năng sinh dục dần dần được hồi phục.
Lưu ý:
Người bị dị ứng với mật ong và các sản phẩm từ ong, bị bệnh hen, bệnh Addison do suy giảm về mặt nội tiết của vỏ thượng thận, phụ nữ đang hành kinh cũng không được dùng sữa ong chúa để tránh những phản ứng phụ không có lợi cho sức khoẻ.
Tìm hiểu thêm: