Được mệnh danh là “kỳ hoa dị thảo”, Thất diệp nhất chi hoa không chỉ là một loài hoa với vẻ đẹp kỳ lạ, mà còn là một nguồn dược liệu quý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Hãy cùng khám phá những tác dụng kỳ diệu mà Thất diệp nhất chi hoa mang lại theo quan điểm của đông y và tây y.
Mục lục
Thất diệp nhất chi hoa – loài kỳ hoa dị thảo
Kỳ hoa dị thảo vì…
Thất diệp nhất chi hoa – loài kỳ hoa dị thảo có tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hán, trong đó “thất” có nghĩa là bảy, “diệp” là lá, “nhất” là một, và “chi” là cây. Ý muốn nói đến bảy lá một hoa, một cành bảy lá mọc chụm với 1 hoa duy nhất. Tên gọi này không chỉ mô tả hình dáng đặc trưng của cây mà còn gợi lên sự tinh tế và sức sống mãnh liệt, biểu tượng cho sự kiên cường và vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên.
Bên cạnh đặc điểm đó cây được mô tả như sau:
- Thất diệp nhất chi hoa là cây thân thảo, sống lâu năm, cao 0,5-0,7cm. Thân rễ mập, chia nhiều đốt, có những ngấn ngang và sẹo to.
- Thân thắng đứng, không phân nhánh, màu lục hoặc hơi tím, giữa thân có một tầng lá mọc vòng từ 6-8 cái, thường là 7, lá hình trứng-bầu dục hoặc mác thuôn.
- Hoa đơn, cánh hoa dạng dải, nhị xếp 2 vòng. Bầu có cạnh, số cạnh bầu thường bằng với số cánh hoa, có màu sắc đa dạng từ màu tía, tím tới màu xanh lam.
- Quả chứa nhiều hạt nhỏ màu đỏ.
Cùng đọc đầy đủ công dụng của cây này theo y học truyền thống và hiện đại ở mục tiếp theo.
☛ Tham khảo đầy đủ: Thất diệp nhất chi hoa mọc ở đâu? Hình ảnh nhận diện?
Hiện trạng và công tác bảo tồn Thất diệp nhất chi hoa
Thất diệp nhất chi hoa là dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Nó vốn hiếm từ xưa, do chỉ mọc được ở vùng núi cao và dưới tán rừng nguyên sinh, giá trị kinh tế cũng rất cao gần 2 triệu/kg củ nên lại càng được săn lùng.
Bên cạnh đó, nạn phá rừng làm nương rẫy dẫn đến giảm khả năng tái sinh và phân bố của cây Thất diệp nhất chi hoa trong tự nhiên bị thu hẹp. Chính vì thế, thất diệp nhất chi hoa đang nằm trong danh mục cây Nguy cấp – đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai.
Do vậy chúng ta đang rất cần nhiều công tác nhân giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý này. Việc trồng và nhân giống cây này cũng không hề đơn giản. Nó đòi hỏi vùng đất thổ nhưỡng cũng như quy trình canh tác phù hợp. (☛ Tìm hiểu chi tiết: Quy trình trồng cây Thất diệp nhất chi hoa)
Để gìn giữ và phát triển loại cây thuốc quý Thất diệp nhất chi hoa, công ty Tuệ Linh đã lên kế hoạch canh tác tại bản Khoang, Sapa. Mặc dù việc trồng trọt này đối mặt với thách thức do địa hình phức tạp của khu vực rừng núi, nhưng nhờ vào sự đam mê và kinh nghiệm hơn 10 năm trong việc bảo tồn các loại cây thuốc, công ty đã thành công trong việc bảo tồn loài cây này. Bên cạnh đó, công ty Tuệ Linh cũng đang hợp tác với chính quyền và cộng đồng địa phương để mở rộng diện tích canh tác, nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu ngày càng tăng trong nước.
Công dụng thất diệp nhất chi hoa theo y học truyền thống
Theo tài liệu “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi, Thất diệp nhất chi hoa được biết đến với nhiều công dụng trong y học truyền thống. Loài hoa này có vị cay, tính lạnh, giúp thanh nhiệt, giải độc, và được sử dụng trong các trường hợp như:
- Thanh nhiệt, giải độc: Giúp làm mát cơ thể và loại bỏ độc tố.
- Trị rắn cắn: Có thể sử dụng như một phương pháp cấp cứu ban đầu.
- Sốt rét: Hỗ trợ giảm triệu chứng của bệnh sốt rét.
- Trị ho lâu ngày: Có tác dụng với các trường hợp ho kéo dài.
- Chữa mụn nhọt: Giúp giảm viêm và sưng tấy mụn.
- Ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn: Có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh lao và hen suyễn.
Ngoài ra, Thất diệp nhất chi hoa còn được dùng để đắp lên các vùng da sưng đau, giúp giảm đau và viêm. Đây là những ứng dụng quý báu từ thiên nhiên, phản ánh sự hiểu biết sâu sắc của con người về các loài thực vật và khả năng chữa bệnh của chúng.
Công dụng thất diệp nhất chi hoa theo y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu ngày nay đã chứng minh hợp chất saponin steroid là thành phần hoạt tính chính cây Thất diệp nhất chi hoa còn có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm mạnh, ức chế virus, chống ung thư, điều hòa miễn dịch. Cụ thể như sau:
Chống ung thư
Từ nhiều năm nay, các loài chi Paris đã được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh ung thư. Thành phần mang lại tác dụng quý này chủ yếu là các saponin có trong dược liệu.
- Năm 2009, Man Shuli và cộng sự nghiên cứu thấy dịch chiết saponin tổng từ thân rễ Thất diệp nhất chi hoa tác dụng chống ung thư phổi, ức chế sự phát triển và di căn của dòng tế bào ung thư phổi trên chuột thực nghiệm[1]. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy khả năng ức chế sự phát triển và di căn của tế bào ung thư phổi, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc sử dụng các loài chi Paris trong điều trị ung thư.
- Huang Y và cộng sự đã phân lập được 11 hợp chất, chủ yếu là saponin diosgenin và pennogenin, các hợp chất này được đánh giá tác dụng gây độc tế bào ung thư gan HepG2 và ung thư dạ dày[2].
- Năm 2010, nhóm nghiên cứu của Li Xi chỉ ra rằng saponin từ thân rễ của Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng ức chế sự tăng trưởng dòng tế bào ung thư đại tràng[3].
- Năm 2013, Chen Guang Lie và cộng sự cũng nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của các saponin từ Thất diệp nhất chi hoa dựa trên khả năng chống ung thư cổ tử cung và khả năng điều hòa miễn dịch ở chuột thực nghiệm[4].
Điều hòa miễn dịch
Nghiên cứu về thành phần saponin diosgenin, các nhà khoa học nhận thấy Formosanin-C trong dịch chiết thân củ Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng điều hòa miễn dịch. Cụ thể khi điều trị cho chuột lang bị viêm mống mắt tự miễn với liều 1,5 mg/ml và 0,5 mg/ml đều tác động nhỏ đến sự đáp ứng lymphocytic của hạch lympho với concanavalin-A (ConA) và đều xảy ra phản ứng ức chế đáng kể sự sản xuất kháng thể kháng kháng nguyên S[5].
Cầm máu và tan máu
Theo nghiên cứu của L. Guo và cộng sự, saponin tổng từ Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng giảm chảy máu ở tử cung do tác dụng các hợp chất saponin làm tăng co thắt cơ tử cung.
Năm 2012, Zhen Liu và cộng sự nghiên cứu tác dụng cầm máu, tan máu và độc tính của Thất diệp nhất chi hoa. Kết quả cho thấy cao chiết etanol 70% có tác dụng giảm thời gian máu chảy và thời gian đông máu trên chuột thực nghiệm. Nghiên cứu sâu hơn về cơ chế thấy các thành phần saponin đa tác động lên cả con đường đông máu nội sinh và ngoại sinh, thể hiện ở việc làm giảm thời gian prothrombin (PT) và thời gian thromboplastin từng phần được hoạt hoá (APTT). Qua đây có thể nhận thấy trong thời gian tới, Thất diệp nhất chi hoa là dược liệu tốt dùng để cầm máu.
Chống oxy hóa
Theo nghiên cứu của Shian Shen và cộng sự (2013), các polysaccharid từ lá của Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng chống oxy hóa in vitro mạnh. Tác dụng này thể hiện ở khả năng dọn các gốc tự do DPPH, hydroxyl, superoxide[6].
Kháng virus, kháng nấm
Năm 2008, nhóm của Dawei Deng nghiên cứu đã chỉ ra 3 saponin dịch chiết thân rễ loài Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng kháng hầu hết các chủng nấm Candida, ngăn virus xâm nhập vào tế bào do chúng có khả năng phá hủy ARN của virus, bất hoạt virus đã xâm nhập vào tế bào bằng cách xâm nhập vào lớp vỏ capsid của virus và phá hủy ARN của chúng.
Tác dụng trên dạ dày
Theo nghiên cứu dịch chiết từ thân rễ Thất diệp nhất chi hoa các thành phần saponin diosgenin và pennogenin có khả năng tăng cường tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tổn thương do bia, rượu.
Bài thuốc sử dụng Thất điệp nhất chi hoa
Dưới đây là các bài thuốc sử dụng thất điệp nhất chi hoa được ghi chép lại từ các tài liệu đông y.
Chữa rắn độc cắn, nhọt ở vú, viêm phổi
- Ngày uống 4-12 g thân rễ dưới dạng thuốc sắc
- Dùng ngoài với tác dụng sát trùng, tiêu sưng: giã thân rễ đắp lên những nơi sưng đau, vết rắn cắn, tràng nhạc, mụn nở, nhọt.
Chữa trẻ em bị kinh sài, tay chân co giật
Thân rễ bẩy lá một hoa đem sấy kho tán bột, mối lần uống 0,5g ngày 4-5 lần.
Chữa trẻ em sốt cao co giật hoặc quai bị, lên sởi và các chứng sưng viêm phát sốt
Lấy:
- Thân rễ thất điệp nhất chi hoa :4g
- Thiên hoa phàn: 8g
- Bạc hà : 12g
Đem sắc uống cho trẻ uống.
Chữa lòi dom
Thân rễ thất điệp nhất chi hoa mài với giấm bôi rồi đẩy vào.
Chữa hen xuyễn, ung thư phổi
Dùng thất điệp nhất chi hoa 4 -12 g phối hợp với các vị thuốc khác như Sơn đậu căn Hạ khô thảo, sắc thành thuốc uống một ngày uống 1 thang, mỗi ngày uống 3 lần.
Lưu ý: Cây có độc, khi dùng cần thận trọng liều lượng sử dụng. Chống chỉ định cho người hư hàn. Cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc đông y trước khi áp dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Theo tài liệu “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi (tr 90-92)
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tr 182-184)