Ngày nay tình trạng mất ngủ càng trở nên phổ biến. Vì vậy, việc tìm hiểu các loại thuốc nam, thảo dược an toàn, lành tính trị mất ngủ được rất nhiều người quan tâm. Bạn có biết rằng có những cây thảo dược có thể giúp bạn ngủ ngon hơn mà không cần dùng thuốc? Trong bài viết này, Tra cứu dượ liệu sẽ giới thiệu cho bạn 11 cây thảo dược trị mất ngủ độc đáo, cùng với cách sử dụng chi tiết.
Mục lục
- 1. Trị mất ngủ bằng cây vông nem
- 2. Hết mất ngủ bằng cây lạc tiên
- 3. Trị khó ngủ bằng cây tam thất
- 4. Trị mất ngủ bằng cây cỏ trinh nữ
- 5. Chấm dứt tình trạng mất ngủ bằng cây nữ lang
- 6. Trị mất ngủ bằng cây hoa nhài
- 7. Không còn mất ngủ nhờ trà gừng
- 8. Trị mất ngủ bằng cây bình vôi
- 9. Có húng quế hết ngay mất ngủ
- 10. Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng hoa cúc
- 11. Trị mất ngủ bằng hoa oải hương
1. Trị mất ngủ bằng cây vông nem
Cây vông nem là cây thuốc nam được người dân dùng từ lâu để điều trị mất ngủ. Theo y học cổ truyền, loại cây này có tác dụng an thần, ức chế hệ thần kinh trung ương, gây ngủ nên được dùng phổ biến để trị trằn trọc nhức đầu, khó ngủ, mất ngủ.
– Có nhiều cách dùng cây vông nem trị mất ngủ như sau:
Cách 1:
- Chuẩn bị: 1 nắm lá vông nem loại bánh tẻ (không quá 10 – 15 lá). Có thể kết hợp cùng lá dâu non hoặc hoa thiên lý.
- Thực hiện: nguyên liệu rửa sạch, đem luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày.
Cách 2:
- Chuẩn bị: 15g lá vông nem phơi khô.
- Thực hiện: cắt nhỏ lá vông nem, đem sắc với 200ml nước còn 100ml thì uống 1 lần trong ngày để giúp ngủ ngon giấc hơn.
– Lưu ý không nên nấu canh, pha nước vông nem quá đặc do nguy cơ quá liều gây sụp mi và cơ khớp rã rời.
2. Hết mất ngủ bằng cây lạc tiên
Nếu bạn đang tìm kiếm một cây thuốc nam trị mất ngủ thì không thể bỏ qua cây lạc tiên bởi tác dụng độc đáo của nó.
Lạc tiên có chứa các hoạt chất flavonoid, passiflorin có tác dụng giảm căng thẳng, giãn thần kinh, giúp ngủ ngon giấc hơn. Vì vậy, hiện nay nó được bào chế thành dạng viên uống để an thần, trị mất ngủ.
– Cây lạc tiên trị mất ngủ được dùng như sau:
- Chuẩn bị: 1 nắm các bộ phận trên mặt đất của cây lạc tiên.
- Thực hiện: nguyên liệu rửa sạch, phơi khô, cắt thành đoạn dài khoảng 3 – 5cm, sao hơi vàng để dùng dần. Mỗi lần sắc khoảng 20 – 40g lạc tiên khô với 300ml nước. Khi sôi cho nhỏ lửa còn 150ml nước thì uống sẽ điều trị chứng ngủ không yên giấc, mất ngủ.
Ngoài ra, người bị mất ngủ có thể sử dụng 100 – 200g phần ngọn và lá non lạc tiên để ngủ ngon giấc hơn.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng cho người chuẩn bị phẫu thuật, phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Thận trọng khi dùng lạc tiên cùng với thuốc chống đông máu, thuốc an thần, thuốc MAOI.
Tìm hiểu thêm: Những công dụng khác của cây lạc tiên
3. Trị khó ngủ bằng cây tam thất
Uống trà nụ hoa tam thất là một trong những cách chữa mất ngủ hiệu quả. Bởi trong nó chứa saponin ginsenoid có tác dụng an thần, ức chế trung khu thần kinh trung ương giúp tăng lưu thông tuần hoàn máu nên giúp trị chứng mất ngủ.
– Cách dùng nụ tam thất trị mất ngủ đơn giản như sau:
- Chuẩn bị: 3 – 5 g (khoảng 15 – 20 cái) nụ hoa tam thất.
- Thực hiện: cho nụ hoa vào ấm, lấy 100ml nước sôi tráng ấm rồi đổ nước đi. Sau đó cho thêm 500ml nước sôi vào, ủ trong 5 – 10 phút là có thể uống được. Thêm nước uống đến khi hết vị đắng thì thôi.
– Khi dùng nụ tam thất cần lưu ý những thông tin sau:
- Không nên dùng cho người có tiền sử huyết áp thấp.
- Không sử dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, người hay bị tiêu chảy, người có thể trạng hàn, chân tay lạnh…
- Không dùng chung tam thất với nước chè, cà phê, nước tăng lực…
Đọc thêm: Cách sử dụng tam thất
4. Trị mất ngủ bằng cây cỏ trinh nữ
Cây cỏ trinh nữ hay còn được gọi là cây xấu hổ là một trong những loài thảo dược trị mất ngủ rất tốt.
Theo y học cổ truyền, loại cây này có tác dụng an thần, trấn tĩnh, làm dịu cơn đau, được dùng để chữa mất ngủ.
Theo nghiên cứu hiện đại, nó có tác dụng ức chế thần kinh trung ương nên giúp chữa chứng khó ngủ, trằn trọc mãi không ngủ được, mất ngủ…
– Cách dùng cây cỏ trinh nữ trị mất ngủ như sau:
- Chuẩn bị: 15g cành lá cây cỏ trinh nữ.
- Thực hiện: nguyên liệu rửa sạch, cắt thành đoạn ngắn, sao vàng. Sau đó, mỗi lần sử dụng đem sắc với 300ml nước còn 150ml thì uống.
– Có một số chú ý khi dùng cây này như sau:
- Không dùng cây cỏ trinh nữ cho người thiên hàn, suy nhược cơ thể, nhất là phụ nữ có thai.
- Không sử dụng cây mimosa với cây cỏ trinh nữ.
5. Chấm dứt tình trạng mất ngủ bằng cây nữ lang
Một trong những cây thảo dược giúp trị mất ngủ không thể bỏ qua là cây nữ lang. Loại cây này đã được nghiên cứu lâm sàng mang lại hiệu quả tốt với những người bị rối loạn giấc ngủ.
Trong cây nữ lang có chứa hoạt chất acid valernic và các dẫn xuất valepotriates có tác dụng an thần, giúp tăng chất dẫn truyền thần kinh GABA để giấc ngủ có chất lượng tốt hơn. Khi sử dụng cây nữ lang, mọi người sẽ đi vào giấc ngủ nhanh hơn cũng như chất lượng giấc ngủ tốt hơn và ít bị tỉnh giấc giữa đêm hơn bình thường.
Vì vậy, cây nữ lang được sử dụng phổ biến để trị chứng mất ngủ, lo lắng và bồn chồn, kể cả mất ngủ kéo dài.
– Cách dùng cây nữ lang như sau:
- Chuẩn bị: 10g rễ nữ lang.
- Thực hiện: nguyên liệu trên rửa sạch, đem sắc với 300ml nước còn 200ml thì uống. Mỗi ngày người bị mất ngủ nên uống 2 lần vào sáng và tối.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Kiên trì sử dụng trong thời gian dài từ 2 – 30 tuần để được kết quả tốt nhất.
- Không nên dùng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi.
6. Trị mất ngủ bằng cây hoa nhài
Một trong những cách trị chứng mất ngủ được sử dụng từ lâu là uống trà hoa nhài. Theo y học cổ truyền, loại cây này có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, tiêu thũng giúp chữa mất ngủ hiệu quả.
– Cách dùng hoa nhài trị mất ngủ như sau:
- Chuẩn bị: 6g hoa nhài, 8g tâm sen.
- Thực hiện: hãm các nguyên liệu trên với nước sôi trong khoảng 5 – 10 phút rồi uống nhiều lần trong ngày. Người bị khó ngủ nên dùng liên tục trong 7 – 10 ngày sẽ cho kết quả tốt.
– Khi dùng hoa nhài chữa mất ngủ cần chú ý những thông tin sau:
- Không dùng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú.
- Không uống khi bụng đói do nguy cơ gây đau thượng vị làm các triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng nặng thêm.
- Những người nhạy cảm với caffein hay mùi của hoa không nên sử dụng.
- Nếu dùng hoa nhài trong thời gian dài nên bổ sung thêm sắt do cathechin trong loại hoa này làm giảm hấp thu sắt trong cơ thể.
7. Không còn mất ngủ nhờ trà gừng
Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với việc dùng gừng để cải thiện nhiều bệnh lý của cơ thể. Tuy nhiên, ít người biết đến tác dụng trị mất ngủ từ loại cây này.
Theo y học cổ truyền, gừng có tác dụng tăng cường oxy lên não bộ, làm giảm căng thẳng, xoa dịu cơn đau đầu, nên hỗ trợ trị mất ngủ rất tốt.
– Cách dùng:
- Chuẩn bị: 1 củ gừng.
- Thực hiện: rửa sạch, thái thành lát mỏng, đem sắc với khoảng 300ml nước rồi uống khi còn ấm trong ngày. Có thể thêm mật ong cho dễ uống.
Ngoài ra, người bị mất ngủ có thể dùng gừng để ngâm chân, giúp tăng cường lưu thông khí huyết để ngủ ngon giấc hơn.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Không nên dùng gừng trong thời gian dài do gừng có tính nhiệt dễ gây khát nước, khô miệng, phát bệnh trong người.
- Không nên sử dụng cho những đối tượng: người có tạng nhiệt, dễ bị nhiệt miệng, táo bón, người bị đau dạ dày, sốt cao, người đang bị say nắng, người huyết áp cao…
- Không dùng chung gừng với thịt chó, thịt ngựa, thịt thỏ và rượu vang.
8. Trị mất ngủ bằng cây bình vôi
Bình vôi là một trong những cây thuốc nam được nghiên cứu và đã bào chế thành các sản phẩm chữa mất ngủ rất tốt.
Theo y học cổ truyền, loại cây này có tác dụng tuyên phế, an thần, gây ngủ… giúp khắc phục chứng suy nhược cơ thể kèm mất ngủ, huyễn vựng…
Theo nghiên cứu hiện đại, trong bình vôi có chứa các hoạt chất alkaloid như rotundin, roemerin, cycleanin, stepharin… có tác dụng trấn tĩnh thần kinh, an thần, trị mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
– Củ bình vôi trị được dùng cải thiện tình trạng mất ngủ như sau:
- Chuẩn bị: củ bình vôi, rượu.
- Thực hiện: nguyên liệu rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, đem ngâm với rượu trắng trong khoảng 4 tuần là có thể dùng được. Người bị mất ngủ nên uống 20 – 30 ml/lần, ngày 2 – 3 lần.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Thận trọng khi dùng cho người lái xe, người làm việc với máy móc đòi hỏi sự tỉnh táo.
- Không dùng quá liều do nguy cơ gây tê niêm mạc, giảm nhịp tim.
- Thận trọng dùng cho người bị rối loạn nhịp tim, đã từng mắc biến cố tim mạch, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người cao tuổi mất ngủ kinh niên…
9. Có húng quế hết ngay mất ngủ
Húng quế không chỉ là một loại rau gia vị mà còn là loại thảo dược giúp chữa nhiều bệnh lý khác nhau của cơ thể, trong đó có chứng mất ngủ.
Theo nghiên cứu, loại cây này có chứa nhiều acid amin như tryptophan, methionine, leucine… có tác dụng tăng tuần hoàn máu, an thần, giảm căng thẳng, xoa dịu các dây thần kinh giúp ngủ ngon giấc hơn.
– Cách dùng đơn giản như sau:
- Chuẩn bị: 100 g húng quế tươi hoặc 30g húng quế khô.
- Thực hiện: nguyên liệu trên đem hãm với 200ml nước sôi trong khoảng 5 phút, chia thành 2 lần uống trong ngày.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng quá nhiều húng quế trong thời gian ngắn.
- Thận trọng khi dùng cho người bị máu khó đông, người bị hạ đường huyết, phụ nữ mang thai…
10. Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng hoa cúc
Một giải pháp trị mất ngủ khác an toàn cho cơ thể là sử dụng trà hoa cúc. Theo nghiên cứu, loại hoa này có chứa nhiều loại tinh dầu, vitamin A, B, khoáng chất selen… có tác dụng thư giãn, làm dịu, giảm lo lắng nên giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ.
– Cách dùng hoa cúc trị mất ngủ như sau:
- Chuẩn bị: 30 – 50g hoa cúc.
- Thực hiện: nguyên liệu trên đem sắc với khoảng 500ml nước, chia đều thành 3 lần uống trong ngày.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng hoa cúc sau khi vận động thể lực nặng hoặc đang đói.
- Không sử dụng trong những trường hợp tiêu chảy, thể trạng quá suy yếu, chân tay lạnh…
11. Trị mất ngủ bằng hoa oải hương
Dùng hoa oải hương là một trong những cách được người dân sử dụng để trị mất ngủ từ lâu. Loài hoa này có chứa hoạt chất linalool có khả năng làm giảm hoạt động của tế bào thần kinh, an thần, làm dịu, chống trầm cảm nên giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn hơn.
– Cách dùng oải hương trị mất ngủ như sau:
- Chuẩn bị: 30 – 50g hoa oải hương
- Thực hiện: nguyên liệu đem sắc với khoảng 500ml nước còn 300ml nước. Người bị bồn chồn ngủ không yên, rối loạn giấc ngủ nên chia đều thành 3 lần uống trong ngày.
– Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.
- Thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ, người bị bệnh mạn tính.
Trên đây là 11 loại thảo dược giúp trị mất ngủ hiệu quả. Mong rằng bài viết có thể giúp ích được cho bạn. Chúc bạn mỗi ngày có 1 giấc ngủ ngon.