Thiên môn còn gọi là thiên đông, thiên môn đông, tóc tiên leo. Cây vừa được trồng để làm cảnh, vừa dùng củ để làm thuốc. Củ được y học cổ truyền sử dụng từ lâu làm thuốc bổ âm, bổ phế âm. Thiên môn đông sử dụng phù hợp tốt nhất với trường hợp ho có đờm, ho ra máu; cơ thể gầy yếu, suy nhược cơ thể, người bệnh ung thư.
Mô tả cây
- Thiên môn đông là một loại dây leo, sống lâu năm.
- Dưới đất có rất nhiều rễ củ hình thoi mẫm. Thân mang nhiều cành 3 cạnh, dài nhọn, biến đổi, trông như lá.
- Thân mang nhiều cành hình trụ, mọc xoắn vào nhau nhẵn và có gai cong nhọn, những cành nhỏ biến đổi thành lá gọi là diệp chi hình lưỡi liềm, có mặt cắt 3 góc, dài 2-3cm, đầu nhọn.
- Lá rất nhỏ trông như vẩy.
- Mùa hạ ở kẽ lá mọc hoa trắng nhỏ.
- Quả là một quả mọng màu đỏ khi chín.
Tính vị, công dụng
Theo tài liệu cổ: thiên môn có vị ngọt đắng, tính đại hàn vào hai kinh phế và thận.
Thiên môn đông đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong hơn 2.000 năm.
- Rễ của loài này chứa asparagin, chất nhầy, tinh bột và đường; có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hạ sốt, sát trùng, chống ho, lợi tiểu, long đờm, giảm đau thần kinh, thông kinh lạc, tiêu thũng, kích thích thần kinh và bổ.
- Nó còn được sử dụng trong điều trị sốt, suy nhược, viêm họng, ho; thường được sắc với các loại thảo mộc khác và được sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh bao gồm cả bệnh đái tháo đường.
Theo cuốn Cây thuốc vị thuốc Việt Nam, GS Đỗ Tất Lợi: Thiên môn đông là vị thuốc có công dụng mát bổ, lợi tiểu, giảm ho tiêu đờm. Theo kinh nghiệm dân gian, thiên môn đông có tác dụng bồi bổ cơ thể. Theo tạp chí của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, thiên môn đông có tác dụng giảm lão hóa, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư.
* Những người tỳ vị hư hàn tiết tả (đi tiêu phân lỏng) không dùng được.
Bộ phận dùng: rễ củ.
Thường thu rễ vào mùa khô ở những cây từ 2 năm tuổi trở lên, loại bỏ rễ con, tẩm nước cho mềm rồi đồ qua, lúc rễ còn nóng, bóc vỏ bỏ lõi, phơi hay sấy khô. Chú ý đừng ngâm nước quá lâu tác dụng sẽ kém.
Một số đơn thuốc sử dụng có thiên môn đông
Cao tam tài: thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí:
Nhân sâm 4g, thiên môn 10g, thục địa 10g, nước 600ml sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa lở miệng lâu năm:
Thiên môn, mạch môn đều bỏ lõi, huyền sâm, cả 3 vị bằng nhau, tán nhỏ, luyện với mật, viên bằng hạt táo. Mỗi lần ngậm 1 viên. Toa này có thể làm nước trà uống hàng ngày, với liều 4g mỗi loại liên tục từ 10- 30 ngày.
Ho đờm, thổ huyết, hơi thở ngắn:
Thiên môn, mạch môn, ngũ vị tử, sắc thành, luyện với mật mà uống. Ngày uống 4-5g cao này.
Cách làm đẹp da mặt cho phái nữ:
Lấy 10 củ thiên môn rửa sạch, lột vỏ đập dập, bỏ lõi cho vào xoong nhỏ, cho vào 3 chén nước đun lửa nhỏ khoảng 30 phút, đổ nguội lấy nước rửa mặt, lấy bã chà nhẹ lên mặt nhiều lần.
- Mỗi ngày làm 1 xuất tùy lúc rảnh, liên tục 10-30 ngày là đã thấy hiệu quả, dùng càng lâu càng tốt.
- Có tác dụng trên da mặt nhờn, nhiều mụn có khi sưng tấy bội nhiễm, dị ứng da do mỹ phẩm.
- Dùng lâu da rất mịn.
Trị chứng tâm loạn nhịp, hồi hộp, đoản hơi, vô lực, mồ hôi nhiều, mụn nhọt, táo bón, kém ngủ:
- Thiên môn đông 16g, liên tâm, đăng tâm thảo mỗi thứ 8g, liên nhục, thảo quyết minh, bá tử nhân mỗi thứ 12g; sinh địa, thục địa mỗi thứ 20g, đạm trúc diệp 30g.
- Sắc uống ngày 1 thang ngay sau khi ăn 1 giờ.
Trị các chứng ho nhiệt, đờm đặc, ho lâu ngày, ho gà:
Thiên môn đông, mạch môn đông mỗi vị 20g; bách bộ 12g, trần bì, cam thảo mỗi thứ 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.
Trị các chứng ho thể nhiệt mạn tính:
Thiên môn đông, khoản đông hoa, tang bạch bì (tẩm mật sao), hạnh nhân, qua lâu nhân, tử uyển, tỳ bà diệp, bối mẫu mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.
Trị nôn ra máu, chảy máu cam:
Thiên môn đông, sinh địa mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Trị tiêu khát (tiểu đường):
Thiên môn, mạch môn, ngũ vị tử (lượng bằng nhau) nấu thành cao, thêm ít mật ong để dùng dần mỗi lần uống 20ml, ngày 3 lần sau khi ăn 1 giờ.
Trị các trứng tân dịch hao tổn, miệng khô khát sau ốm dậy, da xanh, gầy, người mệt mỏi:
Nhân sâm 4g, thiên môn đông 10g, thục địa 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.
DS. Nguyễn Thị Hồng – Báo: Sức khỏe & đời sống