Tinh dầu hoa anh thảo được coi là lành tính, an toàn với sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn thuộc 1 trong 7 đối tượng được khuyến cáo không nên dùng sản phẩm này thì cần phải hết sức cẩn thận. Vậy ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo? Khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Tinh dầu hoa anh thảo có an toàn không?
Dầu hoa anh thảo là sản phẩm tự nhiên được chiết xuất từ hạt của cây hoa anh thảo. Nó được sử dụng phổ biến để chăm sóc sức khỏe tổng thể và làm đẹp. Nhờ vào thành phần tự nhiên, dầu hoa anh thảo được đánh giá là an toàn với hầu hết người sử dụng. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã công nhận và khẳng định rằng dầu hoa anh thảo là một sản phẩm an toàn khi sử dụng đúng cách.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ở một số cá nhân, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm hoặc có tiền sử dị ứng, có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng dầu hoa anh thảo. Các tác dụng phụ này có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, và phát ban… Vì vậy, những người này được khuyên không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo để đảm bảo an toàn.
#7 đối tượng không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo
Dưới đây là 7 nhóm đối tượng không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo:
1. Người có cơ địa dị ứng với hoa anh thảo
Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch khi cơ thể sử dụng bất cứ loại thực phẩm nào đó, ví dụ như tinh dầu hoa anh thảo. Cơ thể nhận nhầm chúng là mối đe dọa có hại, dẫn tới các phản ứng quá mức, gây ra các triệu chứng như ngứa, phát ban, sưng. Trong trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ – một tình trạng gây nguy hại tới tính mạng.
Vì vậy, nếu lần đầu sử dụng tinh dầu hoa anh thảo người dùng cẩn phải hết sức cẩn thận. Tốt nhất là thử bôi lên da, hoặc sử dụng với liều lượng nhỏ trước. Tiếp theo là theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu không có bất cứ dấu hiệu nào bất thường có thể tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, nếu sau khi dùng thấy vùng da bôi dầu hay toàn cơ thể bị ngứa, phát ban… thì nên ngừng sử dụng và đến cơ quan y tế gần nhất để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo trong thời gian sau này.
2. Người bị chảy máu, rối loạn đông máu
Theo nghiên cứu “Đánh giá tác dụng chống đông máu của dầu hoa anh thảo” của Azra Riaz và cộng sự cho thấy tinh dầu hoa anh thảo ảnh hưởng tới quá trình đông máu. Nó làm bất hoạt hoặc ức chế các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình đông máu, đặc biệt là giảm đáng kể số lượng tiểu cầu.
Vì vậy mà dầu hoa anh thảo có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Những người đang bị chảy máu, hoặc rối loạn đông máu nên hết sức cẩn thận, tốt nhất không nên sử dụng các sản phẩm chứa tinh dầu hoa anh thảo.
3. Người chuẩn bị phẫu thuật
Những người chuẩn bị phẫu thuật cũng không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo. Bởi bất cứ loại thuốc, thảo dược nào gây ảnh hưởng tới quá trình đông máu hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu như tinh dầu hoa anh thảo đều phải ngừng sử dụng ít nhất 2 tuần.
Trước khi thực hiện phẫu thuật nên nói với bác sĩ tất cả các sản phẩm bổ sung mà bạn đang sử dụng để chắc chắn nó không gây ảnh hưởng trong quá trình phẫu thuật.
4. Người dễ bị co giật, rối loạn tâm thần
Theo nghiên cứu “Một thử nghiệm dầu hoa anh thảo buổi tối trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt mãn tính” của Holman, CP, & Bell, AF (1983) được đăng trên Tạp chí Tâm thần học Orthomolecular đã có báo cáo về trường hợp co giật khi sử dụng dầu hoa anh thảo ở người bị tâm thần phân liệt.
Dầu hoa anh thảo còn gây tương tác khi sử dụng với các thuốc điều trị tâm thần phân liệt Phenothiazines. Khi dùng chung nó làm tăng nguy cơ bị co giật ở một số người. Các thuốc phenothiazin bao gồm chlorpromazine, fluphenazine, trifluoperazine, thioridazine…
Ngoài ra, dầu hoa anh thảo cũng có thể khiến một số đối tượng dễ bị co giật hơn.
Vì vậy, những người dễ bị co giật, hay mắc bệnh rối loạn tâm thần không nên sử dụng.
5. Người đang dùng thuốc huyết áp
Trong nghiên cứu “Tác dụng của dầu dừa hydro hóa, dầu cây rum và dầu hoa anh thảo đối với sự phát triển bệnh tăng huyết áp và xử lý natri ở chuột tăng huyết áp tự phát” của M Soma và cộng sự cho thấy việc bổ sung dầu hoa anh thảo vào chế độ ăn uống có chứa một lượng đáng kể axit gamma-linolenic sẽ làm giảm huyết áp ở chuột bị tăng huyết áp tự nhiên. Tuy cơ chế chưa rõ ràng nhưng có thể liên quan đến việc xử lý natri, làm chậm sự phát triển của bệnh.
Ở những người cao huyết áp đang sử dụng thuốc điều trị hạ áp có thể khiến tụt huyết áp khi uống thêm tinh dầu hoa anh thảo. Do đó, những người này không nên dùng tinh dầu hoa anh thảo khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
6. Phụ nữ mang thai
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng hoa anh thảo cho phụ nữ mang thai. Loại tinh dầu này kích thích chuyển dạ trước khi sinh.
Theo nghiên cứu “Dầu hoa anh thảo và người phụ nữ mang thai, có hiệu quả không? Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên” của Mahnaz Kalati và cộng sự đã thực hiện để kiểm chứng về tác dụng của dầu hoa anh thảo trong giai đoạn chuyển dạ. Tuy nhiên không có sự khác biệt đáng kể nào về tuổi thai lúc sinh, thời gian chuyển dạ hay các giai đoạn khác.
Vì vậy, dầu hoa anh thảo chỉ nên sử dụng dưới sự kiểm soát của bác sĩ có kinh nghiệm để tránh bất cứ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
7. Phụ nữ đang cho con bú
Có một số nghiên cứu được thực hiện để xác định tác dụng cũng như hiệu quả của tinh dầu hoa anh thảo cho phụ nữ cho con bú. Dầu hoa anh thảo làm tăng hàm lượng LA và GLA tổng số trong sữa mẹ. Nó được xem là có tác dụng hỗ trợ điều trị hiện tượng núm vú Raynaud ở các bà mẹ đang cho con bú và không gây ra phản ứng bất lợi nào ở trẻ bú sữa mẹ.
Tuy nhiên, các dữ liệu dùng dầu hoa anh thảo cho phụ nữ đang cho con bú vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ để khẳng định dầu hoa anh thảo đem lại tác dụng tốt cũng như đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Tóm lại, phụ nữ mang thai không nên sử dụng dầu hoa anh thảo, nếu cần thiết nên uống dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Một số lưu ý khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo
Trong khi sử dụng dầu hoa anh thảo, người dùng cũng cần lưu ý những thông tin sau để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất:
- Đúng liều lượng: Liều lượng dùng hoa anh thảo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mục đích sử dụng và tình trạng sức khỏe. Thông thường, liều lượng được khuyến cáo là 1 – 8 g/ngày, có thể chia thành nhiều lần trong ngày.
- Đúng thời điểm: thời điểm tốt nhất để cơ thể có thể hấp thụ và tận dụng tối đa các dưỡng chất trong tinh dầu hoa anh thảo là vào bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn có chứa dầu mỡ.
- Đủ thời gian: Tinh dầu hoa anh thảo cần một thời gian để phát huy tác dụng. Đôi khi, có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi bạn nhận thấy những thay đổi tích cực. Vì vậy, người dùng nên uống đủ thời gian được khuyến cáo. Tuy nhiên không nên sử dụng quá 12 tháng.
- Bảo quản đúng cách: Tinh dầu hoa anh thảo cần được bảo quản nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp để tránh ảnh hưởng tới hàm lượng acid chưa bão hòa theo thời gian.
- Mua ở cửa hàng uy tín: Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua tinh dầu hoa anh thảo tại các cửa hàng uy tín và đáng tin cậy.
Trên đây là danh sách 7 đối tượng không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo và một số lưu ý khác. Mong rằng bài viết có thể giúp ích cho bạn, chúc bạn thật nhiều sức khỏe.