Hoa anh thảo là sản phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản không đúng cách khi sử dụng nó có thể gây tác dụng ngược. Vậy cách nhận biết tinh dầu hoa anh thảo bị hỏng như thế nào? Cách bảo quản tinh dầu hoa anh thảo đúng? Hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tác hại khi bảo quản tinh dầu hoa anh thảo sai cách
Bất cứ sản phẩm chứa dầu chưa bão hòa đều có thể bị ôi thiu, kể cả sản phẩm dầu hoa anh thảo đóng chai hoặc dạng gel có nắp nếu bảo quản không đúng.
Trong một nghiên cứu “Chất lượng dầu hoa anh thảo buổi tối (EPO) thay đổi phụ thuộc vào nhiệt độ bảo quản và thời gian bảo quản“ của Ghasemnezhad và cộng sự cho thấy hàm lượng axit γ-linoleic (GLA) và axit linolenic (LA) bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và thời gian. Hàm lượng GLA, LA giảm tuyến tính trong 4 tháng bảo quản. Thành phần của dầu hoa anh thảo ổn định hơn ở nhiệt độ lạnh. Như vậy, điều kiện bảo quản phù hợp có thể cải thiện chất lượng của dầu hoa anh thảo và làm chậm quá trình ôi thiu.
Dầu hoa anh thảo có chứa lượng lớn chất béo không bão hòa GLA và LA. Nó có thể dễ dàng xảy ra phản ứng oxy hóa (ôi thiu) khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt ở nhiệt độ cao. Điều này làm suy giảm hàm lượng GLA, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, acid linoleic cũng có thể bị chuyển hóa một phần thành acid arachidonic – hoạt chất gây viêm, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Việc bảo quản tinh dầu hoa anh thảo ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm cũng có thể khiến nấm mốc phát triển. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng của sản phẩm mà còn gây hại khi sử dụng. Người dùng có thể xuất hiện các triệu chứng ngoài ý muốn như hình thành mụn, đau bụng, buồn nôn…
☛ Hỏi đáp: Tại sao uống tinh dầu hoa anh thảo bị nổi mụn?
2. Cách nhận biết tinh dầu hoa anh thảo bị hỏng
Có một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết các sản phẩm tinh dầu hoa anh thảo bị hỏng. Người dùng chỉ cần chú ý quan sát là có thể phát hiện bao gồm:
- Biến đổi màu sắc: Tinh dầu hoa anh thảo thường có màu vàng nhạt, khi bị hỏng nó có thể chuyển sang màu vàng đậm hơn do quá trình oxy hóa. Nếu bị ẩm mốc, các viên dầu có thể xuất hiện các đốm đen lớn hoặc nhỏ ở trên bề mặt chất lỏng hoặc viên uống.
- Thay đổi mùi vị: Một cách khác để phát hiện tinh dầu hoa anh thảo là mùi vị của nó. Nếu mùi thơm tự nhiên của tinh dầu trở nên nhạt dần hoặc thay đổi, không còn giống như khi mới mua, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tinh dầu đã bắt đầu oxy hóa và giảm chất lượng.
- Độ đồng nhất của dầu: Tinh dầu hoa anh thảo sau khi được chế biến có độ đồng nhất, sánh, mịn nhất định. Nếu bị hỏng nó có thể tách thành nhiều lớp, hoặc đặc/lỏng hơn bình thường.
- Gây dị ứng trên da: Nếu trước đây bạn sử dụng tinh dầu hoa anh thảo hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên gần đây thấy da xuất hiện đỏ, ngứa, kích ứng. Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo sản phẩm bị hỏng và không thể dùng tiếp. Bảo quản không đúng cách khiến dầu bị chuyển hóa thành các chất gây viêm, dẫn tới phản ứng gây hại cho da.
Như vậy, trong khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo bạn nên chú ý quan sát đến màu sắc, mùi vị, tính đồng nhất cũng như những phản ứng của cơ thể. Loại bỏ sản phẩm ngay khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo đạt hiệu quả và an toàn.
3. Hướng dẫn bảo quản tinh dầu hoa anh thảo đúng cách
Các sản phẩm tinh dầu hoa anh thảo của từng nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn sử dụng đi kèm riêng. Người dùng nên đọc kỹ phần cách bảo quản và nhãn bao bì của sản phẩm và thực hiện theo hướng dẫn.
Nhìn chung cách bảo quản tinh dầu hoa anh thảo để hạn chế tình trạng oxy hóa thường được khuyến cáo như sau:
– Bảo quản trong chai thủy tinh tối màu, tốt nhất giữ nguyên trong bao bì ban đầu của sản phẩm: Thường các sản phẩm tinh dầu hoa anh thảo được đóng gói trong lọ thủy tinh tối màu bởi nó có khả năng ngăn chặn tia UV, giúp bảo vệ sản phẩm khỏi bị biến đổi. Bên cạnh đó, thủy tinh cũng là vật liệu trơ về mặt hóa học, không bị ăn mòn nên không ảnh hưởng tới chất lượng dầu hoa anh thảo trong quá trình bảo quản. Vì vậy, người dùng nên giữ nguyên sản phẩm hoa anh thảo trong lọ thủy tinh ban đầu, thay vì chuyển sang lọ nhựa.
– Bảo quản ở nhiệt độ thường, tốt nhất là nhiệt độ lạnh: Quá trình oxy hóa sẽ diễn ra nhanh hơn ở nhiệt độ cao, do đó nên để sản phẩm tại những nơi mát mẻ. Tránh để ở những nơi có nguồn nhiệt cao như trong cốp xe, gần vị trí bếp, cạnh cửa sổ…
– Tránh ẩm: Đừng bảo quản tinh dầu trong phòng tắm hoặc những nơi ẩm ướt vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nấm mốc và giảm chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt trong thời tiết nồm ở Việt Nam nên giữ dầu hoa anh thảo trong tủ kín, hạn chế tiếp xúc với độ ẩm cao của không khí.
– Tránh để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Các nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng bảo quản sản phẩm tránh khỏi ánh sáng mặt trời. Dưới tác động của tia UV các acid béo trong dầu hoa anh thảo có thể bị biến đổi gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
– Đóng chặt nắp sau khi sử dụng: để tránh ẩm mốc, bụi bẩn, không khí làm oxy hóa tinh dầu, người dùng cần đóng chặt nắp ngay sau khi sử dụng. Điều này là một cách hiệu quả giúp duy trì chất lượng cho tinh dầu hoa anh thảo trong suốt quá trình bảo quản.
– Loại bỏ sau 6 – 12 tháng hoặc theo hạn sử dụng của sản phẩm: Kể từ khi mở nắp, tinh dầu hoa anh thảo thường được khuyên dùng trong khoảng từ 6 – 12 tháng tùy theo nhà sản xuất. Sau thời gian này, hiệu quả của sản phẩm giảm đi. Do đó người dùng nên chú ý đến thời gian sử dụng, loại bỏ khi hết hạn.
☛ Tìm hiểu thêm: Thời điểm uống tinh dầu hoa anh thảo tốt nhất?
Cách tốt nhất để duy trì hàm lượng dưỡng chất trong dầu hoa anh thảo là bảo quản đúng cách. Người dùng nên tránh sử dụng khi sản phẩm đã bị hỏng do nguy cơ gây hại cho sức khỏe.