Rau muống là món ăn phổ biến trong bữa ăn của người Việt. Rau muống thanh mát, dễ ăn và đặc biệt còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ăn rau muống nhiều là tốt là bổ mà bạn cần lưu ý những điều dưới đây.
Trong rau muống chiếm 92% là nước, khoảng 100mg canxi, 37mg phốt pho, 1,4mg sắt, vitamin C, B1, PP, và chất nhầy…
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Garcia F tại Phillipine rau muống có tác dụng hạ đường huyết, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh bởi trong rau muống rất giàu chất xơ giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác gây nên. Nhờ đó, hệ tiêu hóa của bạn sẽ hoạt động tốt hơn, có lợi cho những người mắc phải tình trạng táo bón, khó tiêu.
- Rau muống là một loại thực phẩm tốt cho những người đang muốn giảm cân và có khả năng giảm nồng độ cholesterol trong máu một cách tự nhiên. Một nghiên cứu trên chuột chứng minh rằng: Ăn rau muống có thể làm giảm mức cholesterol và triglyceride (một trong những chỉ số có trong xét nghiệm bộ mỡ máu).
- Theo nhiều nghiên cứu, hàm lượng chất sắt có trong rau muống rất dồi dào, nhất là ở giống rau muống đồng thân đỏ. Việc ăn rau muống thường xuyên có thể hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu và giúp phụ nữ mang thai bổ sung đầy đủ chất sắt. Đây là một trong những khoáng chất quan trọng, cực kỳ cần thiết cho cơ thể con người.
- Ngoài ra, rau muống còn giúp phòng chống bệnh tiểu đường, hỗ trợ làm giảm mức cholesterol toàn phần, tránh hình thành các mảng lipid lắng động gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, giúp khỏe mắt…
Tuy vậy, khi sử dụng rau muống bạn cần lưu ý những điều sau đây:
1. Không ăn rau muống nước không rõ nguồn gốc
Ăn rau muống nước dễ gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguyên nhân chính là do hầu hết rau muống không rõ nguồn gốc được trồng tại các ao hồ có nguồn nước bị ô nhiễm, rất bẩn, đây là môi trường cho nhiều giun sán ký sinh. Hơn nữa, quá trình canh tác không đòi hỏi tưới tiêu, khiến lượng thuốc trừ sâu trên thân cây ít được tẩy rửa.
Rau muống không rõ nguồn gốc có thể nhiễm giun sán ký sinh
2. Không ăn rau muống chưa chín kỹ
Như đã nói ở trên, rau muống có chứa nhiều vi sinh vật, trứng giun, sán gây hại cho con người. Vì vậy, ăn sống rau muống hoặc ăn rau chưa chín kĩ có thể bị đầy bụng, dị ứng hoặc đau bụng.
Ký sinh trùng sán lá ruột lớn sống ký sinh trên các loại rau muống nước. Khi ăn rau muống này, trứng sán sẽ đi vào cơ thể và phát triển có thể gây nên cơn đau bụng nhẹ và triệu chứng tiêu chảy, dị ứng.
3. Không ăn rau muống khi đang sử dụng thuốc hoặc có vết thương hở
Rau muống có tác dụng giải độc. Vì vậy nếu bạn đang uống thuốc đông y thì không nên sử dụng rau muống vì nó sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
Đối với những người có vết thương hở, sử dụng nhiều rau muống sẽ tạo sẹo và các vết thịt lồi rất mất thẩm mỹ.
4. Không sử dụng khi đau nhức xương, khớp
Những người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout, huyết áp cao không nên ăn nhiều rau muống. Theo giải thích của các chuyên gia, rau muống là thực phẩm chứa nhiều purin, người đang bị đau nhức xương khớp, người bị bệnh gút hoặc tăng axit uric máu ăn vào có thể bị kích hoạt phản ứng viêm, rất dễ làm tăng nguy cơ tái phát một cơn đau gút cấp tính.
- Đặc biệt, trong rau muống còn chứa hàm lượng oxalat cao, chất này khi vào cơ thể có thể kết tủa ở thận, gây sỏi thận, sỏi niệu đạo.
- Trong khi đó, bệnh gút cũng có thể làm tăng nguy cơ kết tủa tinh thể urat, gây nên sỏi thận. Vì vậy, những người bị bệnh gút ăn rau muống sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn người bình thường.
Người mắc bệnh gút ăn rau muống sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn người bình thường
Do vậy, để gia đình có thể an tâm sử dụng rau muống như một món ăn an toàn và bổ dưỡng bạn nên chọn những loại rau muống có nguồn gốc rõ ràng. Chọn loại rau muống có thân nhỏ đến vừa, lá nhỏ, màu xanh bình thường. Trước khi chế biến thành món ăn nên rửa nhiều lần bằng nước sạch, ngâm rau trong nước sạch hoặc nước muối để giảm các chất hóa học còn bám trên rau.