Cà gai leo là một dược liệu được dùng phổ biến trong y học cổ truyền với các tác dụng trên xương khớp, chống viêm, tác dụng tốt trên gan mật. Đặc biệt, y học hiện đã đã phát hiện ra hoạt chất làm âm tính viêm gan virus B. Tuy nhiên, việc lựa chọn sao cho chuẩn giống cà gai leo để sử dụng là điều không hề đơn giản.
Mục lục
Hình ảnh cây Cà gai leo
- Tên khoa học: Solanum procumbens Lours – Solanum hainanense Hance, thuộc Họ Cà Solanaceae.
- Tên gọi khác: cà quýnh, cà quánh, cà gai dây, cà vạnh, cà gai cườm, cà quạnh, cà lù.
1. Mô tả hình thái
- Cây cà gai leo thuộc loại cây nhỏ, thân dài từ 60 – 100cm, chia nhiều cành nhỏ.
- Lá nguyên có hình trứng hoặc thuôn. Gốc lá hình rìu hoặc hơi tròn, mép nguyên hoặc hơi lượn và có khía thùy. Phiến lá dài từ 2cm đến 4cm, rộng 1,2 đến 2,0 cm, cuống dài 0,3-0,8cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân chính, nhất là là mặt trên; cuống lá cũng có gai.
- Hoa ra vào tháng 4-6 có 4 cánh rời, tam giác màu trắng hoặc hơi phớt tím.
- Quả ra từ 7 – 9, quả có đường kính từ 5 -7mm, khi xanh màu xanh lục đồng nhất, không có khoang, quả chín biến đổi từ vàng đến đỏ.
2. Đặc điểm giải phẫu
2.1. Hình thái và vi phẫu rễ
Cà gai leo có bộ rễ cọc, đây là bộ rễ điển hình của cây 2 lá mầm, phù hợp với mô tả của Esau (1977), Đỗ Huy Bích và CS (2006) và Nguyễn Bá (2010). Rễ non của cà gai leo có màu trắng với lớp lông hút phủ kín bề mặt, khi già chuyển nâu, bộ rễ có khả năng ăn sâu nên giúp cây bám chắc vào đất để vươn cành.
Hình 1: Hình thái rễ cà gai leo
Vi phẫu rễ sơ cấp cà gai leo có hình tròn, tâm đôi khi bị lệch. Từ ngoài vào trong bao gồm các mô: ngoài cùng là một lớp biểu bì gồm các tế bào có hình hơi tròn, có vách dày, tiếp đến là phần nhu mô vỏ cũng có hình hơi tròn, chiếm hầu hết diện tích vỏ sơ cấp, có vai trò dự trữ dinh dưỡng, trung tâm của lát cắt là bó gỗ hình sao gồm 3 – 4 tia gỗ, sắp xếp xen kẽ với libe, mạch gỗ sơ cấp phân hóa hướng tâm.
Vi phẫu rễ thứ cấp cà gai leo có hình gần tròn, đôi khi tâm bị lệch. Từ ngoài vào trong bao gồm các mô: ngoài cùng của lát cắt là mô bì thứ cấp, thành phần chủ yếu là các lớp tế bào có vách hóa bần, hình chữ nhật dẹp theo hướng tiếp tuyến; các lớp phía ngoài thường bị bong tróc từng phần tạo thành các vết rách tua tủa có vai trò che chở, bảo vệ cho các lớp mô bên trong. Nhu mô vỏ hình bầu dục, có vai trò dự trữ chất dinh dưỡng.
Tiếp đến là bó gỗ và libe sắp xếp thành vòng tròn, có tượng tầng phân cách giữa gỗ và libe, tạo thành bó dẫn chồng chất hở. Phần gỗ rất lớn phân bố ở trung tâm lát cắt, các bó gỗ được ngăn cách bởi tia ruột rõ, hẹp, gồm 1 – 2 dãy tế bào mô mềm; bó gỗ vừa đảm nhận chức năng dẫn truyền nước và các chất khoáng hòa tan, vừa đảm nhận chức năng cơ học chống đỡ cho cây. Diện tích phần gỗ thứ cấp lớn cùng với bộ rễ cọc ăn sâu cho thấy cà gai leo có khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng tại vùng đất khô cằn, nguồn nước hạn chế.
Hình 2: Lát cắt ngang qua rễ sơ cấp (bên trái) và rễ thứ cấp (bên phải) của cà gai leo
2.2. Hình thái và vi phẫu thân
Cà gai leo có thân leo gỗ, phân cành nhiều, cành lá tỏa rộng, thân phủ rất nhiều lông che chở và gai cong màu vàng, nhọn, khoảng cách giữa các gai giảm dần từ gốc tới ngọn. Thân non có màu xanh, thân già màu nâu xám.
Vi phẫu thân sơ cấp cây cà gai leo có tiết diện gần tròn, có rất nhiều lông che chở hình sao, cấu tạo thân sơ cấp từ ngoài vào trong gồm: ngoài cùng là một lớp biểu bì bao phủ ngoài, phủ nhiều lông che chở; tiếp đến là 3-5 lớp mô dày góc có vách cellulose dày lên ở các góc giao giữa các tế bào. Phía trong mô dày là 3 – 5 lớp nhu mô vỏ với các tế bào có vách mảnh, kích thước lớn hơn tế bào mô dày, hình tròn hoặc bầu dục.
Nằm phía trong nhu mô vỏ là một lớp tế bào nội bì, tiếp đến là bó dẫn chồng chất hở kép gồm: 2-3 lớp libe tạo thành vòng khép kín, tiếp đến là tượng tầng, gồm 3-5 lớp tế bào vách mảnh, tạo thành vòng khép kín; phía trong tượng tầng là các bó gỗ xếp thành từng đám với các mạch gỗ tròn, rỗng có vách hóa gỗ; phía trong của gỗ là các đám libe trong rời rạc. Trung tâm của lát cắt là nhu mô lõi, gồm các tế bào hình tròn hoặc gần tròn, có kích thước lớn hơn nhu mô vỏ.
Hình 3. Lát cắt ngang qua thân sơ cấp (bên trái) và thứ cấp (bên phải) của cà gai leo
2.3. Hình thái và vi phẫu lá
Cà gai leo có lá đơn, mọc cách, hình bầu dục, gốc lệch; phiến lá có thùy nông không đều, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt; hai mặt đều phủ đầy lông che chở màu trắng và có gai ở gân lá, nhất là phía mặt trên, phiến dài 3 – 6 cm, rộng 2 – 5,5 cm, cuống lá dài 0,5 – 1 cm, có gai dài 4 – 5 mm.
Hình 4: Hình thái lá cà gai leo
Vi phẫu lá cà gai leo cho thấy: mặt trên của lá có biểu bì trên bao phủ, còn mặt dưới lá có biểu bì dưới. Biểu bì phần phiến lá phủ nhiều lông che chở hình sao, biểu bì phần gân lá ngoài lông che chở còn có thêm gai nhọn.
Cầu tạo chi tiết phần gân chính gồm: biểu bì trên, biểu bì dưới bao phủ phía ngoài gân chính, nằm sát biểu bì là mô dày, tiếp đến là nhu mô. Trung tâm gân chính là bó dẫn hình cung gồm libe và gỗ xếp thành hình cung ở giữa lát cắt. Cấu tạo bó dẫn bao gồm bó gỗ xếp ở chính giữa, gồm bó gỗ với các tia gỗ và các đám libe bao quanh tạo thành bó dẫn chồng chất kín.
Cấu tạo phần phiến lá gồm một lớp biểu bì bao phủ bề mặt của lát cắt. Nằm ngay dưới biểu bì trên là một lớp mô giậu, chuyên hóa với chức năng quang hợp, gồm các tế bào hình chữ nhật, vách mỏng, chứa nhiều diệp lục, xếp vuông góc với biểu bì trên.
Nằm giữa mô giậu với biểu bì dưới là lớp mô xốp gồm các tế bào chứa ít diệp lục hơn ở mô giậu, hình dạng không xác định, xếp không sát nhau, chừa ra nhiều khoảng gian bào lớn. Ngoài chức năng đồng hóa mô xóp còn tham gia vào quá trình hô hấp, thoát hơi nước và dự trữ khí. Độ dày lớp mô xốp gấp 3 lần lớp mô giậu cho ta thấy cà gai leo thích nghi với vùng trồng có nhiều ánh sáng.
Hình 5. Lát cắt ngang qua lá cà gai leo
Như vậy, vi phẫu rễ, thân, lá cà gai leo mang những nét đặc trưng cho loài, đồng thời cũng thể hiện được cấu tạo điển hình của cây họ cà và cây hai lá mầm có sự sinh trưởng thứ cấp (Esau, 1977; Nguyễn Bá, 2010; Trương Thị Đẹp và cộng sự, 2010)
2.4. Cơ quan sinh sản (hoa, quả, hạt)
Cà gai leo có hoa màu trắng tím, mọc thành cụm từ 2 – 11 hoa mọc ở ngoài kẽ lá, hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4, không gai. Cấu tạo hoa từ ngoài vào trong gồm: 4 đài màu xanh, phủ đầy lông che chở; 4 tràng hợp, tạo thành 4 thùy hình trái xoan nhọn; 4 nhị màu vàng, chỉ nhị phình ở gốc; bầu trên, hợp, gồm 2 ô với lối đính noãn trung trụ.
Cà gai leo có dạng quả mọng, hình cầu, nhẵn, khi còn non màu xanh lá cây nhạt đến đậm, khi chín có màu đỏ tươi, đường kính 5 – 7 mm; cuống dài 1 – 1,5 cm, phủ đầy lông che chở, phình to ở phần sát quả; có đài đồng trưởng đặc trưng cho họ cà (Phạm Hoàng Hộ, 2000; Đỗ Huy Bích và cộng sự, 2006; Trương Thị Đẹp và cộng sự, 2010), đài cũng phủ đầy lông che chở.
Hạt cà gai leo hình thận, màu vàng, kích thước 2 -3 mm, mỗi quả có từ 15 – 30 hạt.
Hình 6. Đặc điểm hoa, quả và hạt cà gai leo
Các mô tả về đặc điểm thực vật học cây cà gai leo của chúng tôi góp phần bổ sung, chỉnh lý lại các thiếu sót trong phần mô tả đặc điểm hình thái của Phạm Hoàng Hộ (2000) và Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), đồng thời cũng đưa ra dữ liệu hoàn toàn mới về đặc điểm vi phẫu cây cà gai leo. Từ kết quả này cho thấy cà gai leo nên trồng ở các vùng có nhiều ánh sáng và ít ẩm ướt. Trên cơ sở đó chúng tôi bố trí khu đất hợp lí và có chế độ chăm sóc thích hợp để tiến hành các thí nghiệm về biện pháp kỹ thuật.
3. Một số cây thường nhầm lẫn với Cà gai leo
Cây Cà gai leo thương bị nhân dân nhầm lẫn với cây Cà dại hoa tím (Solanum thorelii Bonati) – loại này tác dụng dược lý rất yếu và không được dùng làm dược liệu. Cà dại hoa tím (Solanum thorelii Bonati) có hình thái cây rất giống với cà gai leo, để phân biệt cà dại hoa tím với cây cà gai leo tốt nhất là dựa bào hình thái hoa của cây.
Cà gai leo | Cà dại hoa tím |
|
|
Ngoài ra, cũng còn một số loại cà tuy ít phổ biến hơn nhưng cũng thường dễ nhầm lẫn với cà gai leo chữa bệnh.
3.1. Cà tàu
Cà tàu mặt lá không có lông, ít phân cành, quả xanh có khoang, quả chín màu vàng đến cam.
3.2. Cà dại
Cà dại có lá lớn, ít lông. Hoa thường mọc thành chùm, 5 cánh liền. Cây có độc.
3.3. Cà gai
Cà dại có lá lớn, ít lông. Hoa thường mọc thành chùm, 5 cánh liền. Cây có độc.
3.4. Cà độc dược
Cà gai -quả lớn trên 1 -2cm. cây không có lông, nhiều gai. Cây có độc, không được uống, dùng ngoài chữa mụn nhọt.
Nguồn: Cagaileovn.com