Cây răng cưa hay còn được gọi là cây diệp hạ châu, diệp hạ châu đắng, cây chó đẻ răng cưa, chó đẻ thân xanh…Từ xa xưa nhân dân của nhiều nước trên thế giới đã quen thuộc với những tác dụng đáng quý của cây răng cưa như điều trị, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm gan, vàng da, lở loét, sỏi mật, cảm cúm… Để hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những tác dụng đáng quý của cây răng cưa- cây diệp hạ châu.
Diệp hạ châu- cây chó đẻ răng cưa- cây răng cưa
Mục lục
Giới thiệu cây răng cưa
Tên gọi- đặc điểm
- Cây răng cưa hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu đắng, cam kiềm, rút đất, khao ham…
- Cây răng cưa là loại cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20 – 30 cm, có thể đến 60 – 70 cm. Thân nhẵn, thường có màu xanh.
- Lá cây răng cưa hay còn được dân gian quen gọi là lá răng cưa, lá cây răng cưa. Lá răng cưa mọc so le, hình bầu dục, xếp xít nhau thành hai dãy như một lá kép hình lông chim, mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới màu xám nhạt, dài 1 – 1,5 cm, rộng 3 – 4 mm; cuống lá răng cưa rất ngắn.
- Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn; hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng.
- Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai; hạt hình 3 cạnh.
- Mùa hoa: tháng 4 – 6; mùa quả: tháng 7 – 9.
Bộ phận sử dụng
Dùng toàn cây răng cưa- cây chó đẻ răng cưa, cây thu hái vào mùa hè, lúc quả xanh chắc, rửa sạch, dùng tươi giã nát vắt lấy nước cốt để uống, bã đắp vết thương hoặc phơi trong râm cho khô để dùng dần.
Phân bổ
- Cây răng cưa dễ sinh sống trên các cánh đồng khô, ven đường, vùng đất bỏ hoang, bìa rừng; dưới độ cao 100–600 m.
- Tại Việt Nam, chúng thường mọc hoang ở ven đường, những cánh đồng khô, vùng đất hoang hoặc bìa rừng dưới độ cao 600m.
- Loại cây này phân bố nhiều ở các nước như: Ấn độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Việt Nam, Nam Mỹ…
Xem thêm: Hình ảnh nhận dạng cây chó đẻ răng cưa- cây răng cưa
Tính vị cây răng cưa- chó đẻ răng cưa
- Cây chó đẻ răng cưa có vị hơi đắng, nhầy nhậy đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, lợi tiểu, sát trùng, tiêu viêm, tốn ứ, thông huyết mạch, điều kinh, thanh càn, hạ nhiệt… dùng làm thuốc chữa các bệnh gan, thận, bệnh đường tiết niệu, đường ruột, bệnh ngoài da.
- Trong Tây y các nhà khoa học đã chứng minh dịch chiết của Phyllantus (Chó đẻ răng cưa), có tác dụng ức chế mạnh HBV, thông qua cơ chế ức chế enzym ADNp (ADNpolymerase) của HBV, làm giảm nồng độ HBV.
- Theo một nghiên cứu tiến hành năm 1995, cây thuốc này có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp tâm thu ở người không bị tiểu đường và giảm đáng kể đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
- Từ 2.000 năm nay, y học cổ truyền của nhiều dân tộc đã sử dụng chó đẻ răng cưa chữa vàng da, lậu, tiểu đường, u xơ tuyến tiền liệt, hen, sốt, khối u, đau đớn kéo dài, táo bón, viêm phế quản, ho, viêm âm đạo, khó tiêu, viêm đại tràng… Nó còn được đắp tại chỗ chữa các bệnh ngoài da như lở loét, sưng nề, ngứa ngáy…
Tác dụng của cây răng cưa
Trị viêm gan
Theo các nghiên cứu hiện đại, cây diệp hạ châu chứa một số enzyme và hoạt chất có tác dụng chữa viêm gan như phyllanthine, hypophyllanthine, alkaloids và flavonoids… Một nghiên cứu cho thấy, 50% yếu tố lây truyền của virus viêm gan B trong máu đã mất đi sau 30 ngày sử dụng loại cây này (với liều 900 mg/ngày). Trong thời gian nghiên cứu, không có bất kỳ sự tương tác nào giữa diệp hạ châu với các thuốc khác.
- Chữa viêm gan B:
Chó đẻ răng cưa 30g, sài hồ 12g, nhân trần 12g, chi từ 8g, hạ khô thảo 12g, sắc (nấu) uống mỗi ngày 1 thang.
- Chữa suy gan (do sốt rét,ứ mật, nhiễm độc, sán lá,):
Diệp hạ châu sấy khô
Chó đẻ răng cưa sao khô 20g, cam thảo đất sao khô 20g, sắc nước uống hằng ngày
- Chữa viêm gan do virus:
Chó đẻ răng cưa sao khô 20 g, sắc nước 3 lần. Trộn chung các nước sắc, thêm 50 g đường đun sôi cho tan, chia làm 4 lần uống trong ngày. Khi kết quả xét nghiệm HBsAg (-) thì ngừng thuốc
Xem chi tiết: Cây chó đẻ trị viêm gan
Trị nhọt
Dùng một nắm cây chó đẻ với một ít muối giã nhỏ, chế nước chín vào, vắt lấy nước cốt uống, dùng bã đắp chỗ đau.
Chữa sốt rét
Dùng cây chó đẻ 8g, thảo quả, dây hà thủ ô, lá mãng cầu ta tươi, thường sơn, dây gắm mỗi vị 10g, bình lang (hạt cau), ô mai, dây cóc mỗi vị 4g đem sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia uống 2 lần trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Nếu không hết cơn, thêm sài hồ 10g.
Chữa ăn không ngon miệng, đau bụng, sốt, nước tiểu màu sẫm
Dùng cây chó đẻ 1g, nhọ nồi 2g, xuyên tâm liên 1g. Tất cả các vị thuốc trên phơi khô trong bóng râm và tán bột. Sắc bột thuốc này và uống hết ngay một lúc. Uống mỗi ngày 3.
Chữa mắt đau sưng đỏ, viêm thận đái đỏ, hoặc viêm ruột đi ngoài ra nước
Dùng cây chó đẻ răng cưa 40g, Mã đề 20g, Dành dành 12g sắc uống.
Chữa lở loét, vết thương không liền miệng
Dùng lá chó đẻ răng cưa. lá thồm lồm, liều bằng nhau. Ðinh hương 1 nụ, giã nhỏ đắp (Bách gia trân tàng).
Chữa trẻ em tưa lưỡi
Giã cây tươi vắt lấy nước cốt, bôi lên lưỡi
Sản hậu ứ huyết
Dùng 8-16g cây khô sắc uống hằng ngày.
=> Cây chó đẻ và những tác dụng không ngờ
Những lưu ý khi dùng cây chó đẻ
Mặc dù cây chó đẻ có rât nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng trên thực tế, bạn cần nắm được những cảnh báo xung quanh việc sử dụng loại cây này để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, tránh những đáng tiếc có thể xảy ra, bạn cần chú ý những điểm dưới đây:
Không được dùng nếu không bị bệnh gan
- Người không bị bệnh gan nếu tự ý sử dụng thì vô cùng nguy hại, bởi đây không phải cây thuốc bổ mà là cây thuốc chữa bệnh.
- Người có lá gan bình thường nếu sử dụng cây chó đẻ dễ dẫn đến xơ gan, chai gan.
- Trên thực tế đã có người tự ý sử dụng cây thuốc này dẫn tới tử vong.
Không dùng cây chó đẻ để sắc nước uống hàng ngày
Do được quảng bá là chữa được nhiều bệnh, lại có tính mát nên nhiều người hỏi có được dùng cây chó đẻ để sắc nước uống thanh nhiệt hàng ngày hay không? Và như đã nói, đây không phải cây thuốc bổ nên không được tự ý sắc làm nước uống hàng ngày. Chính vì vậy, nếu có bệnh, và qua tư vấn của bác sĩ bạn mới nên dùng, không dùng tùy tiện, dùng tự do.