Trong những năm gần đây, chiết xuất từ quả của cây cọ lùn đã trở thành một trong những bí quyết sức khỏe được ưa chuộng nhất, đặc biệt là trong việc hỗ trợ sức khỏe tuyến tiền liệt ở nam giới. Nhưng lợi ích của chiết xuất cọ lùn không chỉ dừng lại ở đó. Hãy cùng khám phá những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà chiết xuất này mang lại.
Mục lục
Chiết xuất cọ lùn là gì?
Cây cọ lùn với tên khoa học là Serenoa repens đôi khi cũng được biết đến với tên Saw palmetto. Đây là cây có nguồn gốc ở vùng đông nam Bắc Mỹ và đặc biệt có nhiều ở Florida, Georgia, Cuba và Bahamas.
Quả của cây này từ lâu đã được người Mỹ bản địa sử dụng vì các đặc tính dinh dưỡng, lợi tiểu, an thần, kích thích tình dục và giảm ho. Đây là quả mọng màu sẫm bên trong có hạt lớn. Phần dược chất nằm ở phần thịt quả.
Ngày nay quả mọng dùng để ăn trực tiếp hoặc sấy khô và dùng để pha trà. Tuy nhiên, dạng phổ biến nhất trên thị trường là chiết xuất dầu từ phần thịt của quả mọng khô này.
Vậy chiết xuất cọ lùn được thực hiện như nào?
Chiết xuất là một phương pháp nhằm lấy ra một phần từ nguyên liệu thô, thường bằng cách sử dụng một dung môi như ethanol hoặc nước. Chất chiết xuất có thể được bán dưới dạng ngâm trong rượu, cô đặc, tinh chất hoặc ở dạng bột.
Với cọ lùn, chiết xuất dầu từ quả cây cọ lùn đã sấy khô có các phương pháp chiết xuất :
- Sử dụng n-hexan
- Sử dụng etanol
- Sử dụng carbon dioxide lỏng trong phương pháp chiết chất lỏng siêu tới hạn.
Mỗi loại chiết xuất sẽ có hàm lượng thành phần hóa học thu được khác nhau. Chiết xuất này có thể được đo lường và chuẩn hóa dựa trên tổng lượng axit béo có trong đó, thường là từ 70–95%.
Trong đó chiết xuất hexane của quả cọ lùn là chế phẩm được sử dụng phổ biến nhất trong các thử nghiệm lâm sàng. Chiết xuất dạng này là một chiết xuất thực vật có hàm lượng axit béo chuỗi trung bình rất cao và tỷ lệ cao các axit béo hiện diện dưới dạng este etyl.
Các dạng chiết xuất cọ lùn:
- Viên nang hoặc viên nén: Chứa bột chiết xuất khô của cọ lùn.
- Chế phẩm hỗn hợp: Bột chiết xuất cọ lùn được kết hợp với các thành phần cây thuốc khác.
- Dạng bột: Quả cọ lùn sấy khô được nghiền thành bột và đóng gói dưới dạng viên nang hoặc viên nén.
- Cồn thuốc và các dịch chiết khác: Được làm từ chiết xuất cọ lùn với ethanol hoặc các dung môi khác.
Thành phần hóa học của chiết xuất cọ lùn
Như đã nói ở trên thành phần và hàm lượng hóa học thu được sẽ khác nhau. Thành phần hóa học chủ yếu của chiết xuất thu được từ quả cây cọ lùn như sau:
- Chất béo: Chiết xuất cọ lùn chứa từ 75–90% chất béo, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp chiết xuất.
- Vitamin E và chất chống oxy hóa: Cung cấp một lượng lớn các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm vitamin E và các chất chống oxy hóa, thường cao hơn so với trái cây tươi.
- Acid béo: Bao gồm các loại acid béo không bão hòa có tác dụng chống sự phình to của tuyến tiền liệt, giảm sự bí đái và hỗ trợ việc tiểu tiện dễ dàng hơn.
- Phytosterol: Các hợp chất thực vật này giúp giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Flavonoids: Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp chống lại tổn thương tế bào và viêm nhiễm.
- Polysaccharides: Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và kháng viêm.
Tác dụng từ chiết xuất cọ lùn
Cùng xem lợi ích sức khỏe tuyệt vời từ chiết xuất cọ lùn:
Hỗ trợ sức khỏe tuyến tiền liệt
Chiết xuất từ cọ lùn có lợi cho sức khỏe tuyến tiền liệt và chức năng tiết niệu:
- Giúp giảm các triệu chứng của bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt (BPH). Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ có thể cải thiện các triệu chứng đường tiết niệu liên quan đến BPH ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường ít tác dụng phụ hơn so với thuốc chẹn kênh alpha và thuốc ức chế 5-reductase.
- Cải thiện chức năng tiểu tiện Các thành phần như chiết xuất cọ lùn có thể giúp làm giảm sự bí đái và giúp tiểu tiện dễ dàng hơn. Điều này có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho những người mắc BPH.
Ngoài ra, việc hỗ trợ sức khỏe tuyến tiền liệt cũng có thể giúp giảm sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Điều này đặc biệt quan trọng vì ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới.
Tìm hiểu: Tác dụng của cây CỌ LÙN trong việc cải thiện chức năng tuyến tiền liệt
Kích thích mọc tóc, giảm chứng hói đầu
Chiết xuất cọ lùn còn có thể giúp ngăn ngừa chứng rụng tóc nội tiết tố nam – một loại rụng tóc còn được gọi là chứng hói đầu ở nam và nữ. Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất cọ lùn có thể kích thích mọc tóc và giảm chứng hói đầu,
Cách mà nó hoạt động là bằng cách chặn một enzyme biến đổi testosterone thành DHT, một hormone mà người ta tin là nguyên nhân gây rụng tóc. DHT có thể làm ngắn chu kỳ phát triển của tóc, khiến tóc mọc ra ngắn và mỏng hơn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng hàng ngày 200 mg chiết xuất cọ lùn, kết hợp với beta-sitosterol, một hợp chất thực vật, có thể giúp giảm rụng tóc ở 60% nam giới tham gia nghiên cứu so với nhóm dùng giả dược. Điều này cho thấy cọ lùn có thể là một phương pháp tự nhiên để hỗ trợ giảm rụng tóc liên quan đến hormon.
Lợi ích khác
Một số lợi ích khác mà chiết xuất cọ lùn đem lại như sau:
- Các hoạt chất trong cọ lùn có tác dụng giảm viêm và đau hiệu quả, có thể hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm nhiễm khác nhau.
- Chiết xuất xuất này cũng có khả năng giúp chữa ho các chứng liên quan đến viêm phổi, viêm phế quản tuy nhiên chưa có nghiên cứu khoa học về tác dụng này mà mới chỉ dừng ở kinh nghiệm chữa bệnh dân gian.
- Tiềm năng chống ung thư: Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy chiết xuất cọ lùn có thể làm giảm viêm và bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định rõ ràng lợi ích này.
Những lưu ý khi sử dụng chiết xuất cọ lùn
Khi sử dụng chiết xuất cọ lùn như các viên thực phẩm chức năng, hay chiết xuất dạng bột hay bất kỳ dạng nào cũng cần lưu ý các điều sau:
- Chiết xuất cọ lùn nhìn chung là an toàn cho hầu hết mọi người. Các tác dụng phụ thường gặp nhất bao gồm tiêu chảy, nhức đầu, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, buồn nôn, nôn và chóng mặt. Tuy nhiên, chúng có xu hướng nhẹ và có thể hồi phục.
- Liều lượng an toàn: Chiết xuất cọ lùn được sử dụng hiệu quả nhất với liều lượng hàng ngày từ 160–320 mg. Bạn cần check thông tin liều lượng này trên các nhãn mác sản phẩm
- Không sử dụng cho nhóm đối tượng nhạy cảm: Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng sản phẩm này do tác động lên hormon giới tính
- Luôn tham khảo ý kiến: Trước khi sử dụng chiết xuất cọ lùn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, cọ lùn có thể tương tác với một số loại thuốc khác như warfarin và có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai. Do đó, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về việc sử dụng cọ lùn.
Đây là những thông tin cơ bản, để biết thêm chi tiết, bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ các nguồn uy tín hoặc hỏi trực tiếp các chuyên gia y tế.
Tài liệu tham khảo
- https://www.healthline.com/nutrition/saw-palmetto
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK216069/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25112532/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28723522/