Đầu tháng 3 vừa rồi, báo Thanh Niên có loạt phóng sự điều tra vạch trần một quy trình chế biến củ Sắn (Khoai mì) thành vị thuốc “Hoài sơn” và đưa vào tiêu thụ trên thị trường Đông dược khiến dư luận hết sức bức xúc. Đây là hành vi gian lận thương mại bất chấp hậu quả, là tội lỗi độc ác làm tổn hại sức khỏe nhân dân, cần lên án và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Nhiều năm qua các Cơ quan truyền thông, các nhà quản lý và những người làm nghề Y Dược chân chính đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn đề “Hoài sơn thật, Hoài sơn giả”. Hoài Sơn thật hay còn gọi là Củ mài, Khoai mài – Dioscorea persimilis, thuộc họ Củ nâu – DIOSCOREACEAE.
- Khoai mài là dây leo, có 1-2 rễ củ mập, hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30-50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất. Thân cây nhẵn, hơi có cạnh, đôi khi có màu đỏ, có các củ nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mài (thiên hoài).
- Lá đơn, mọc so le hay đối, hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn dài 8-10cm, rộng 6-8cm, gân lá 5-7cm, toả ra từ gốc, cuống lá dài 1,5- 3,5cm.
- Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng, hoa đực và hoa cái khác gốc; bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau; nhị 6; cụm hoa đực dài 40cm, cụm hoa cái cong, dài 20cm.
- Quả nang có 3 cánh; khi quả khô cây không còn lá; hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.
- Mùa hoa vào tháng 5-7, mùa quả vào tháng 11-3.
Khoai mài có mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Còn phân bố ở Trung Quốc, Lào và Campuchia. Cũng được trồng nhiều ở đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu; có thể trồng bằng gốc rễ hoặc dái mài về mùa xuân. Sau một năm đã có thu hoạch. Đào củ vào mùa thu – đông hay đầu xuân khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho – vào lò xông lưu huỳnh 2 ngày đêm, sau đó phơi sấy cho đến khô.
Tại Quảng Nam, vùng núi Việt An (nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) có loại củ mài mọc hoang là một sản vật nổi tiếng, được các thầy thuốc Đông y có uy tín như cố lương y Phan Hoàng (nhà thuốc Vạn Thảo), người ở xứ này, đã tìm kiếm, thu mua, chế biến thành vị thuốc Hoài Sơn, dùng làm thuốc thay thế vị Hoài sơn Bắc cho hiệu quả không hề thua kém. Thương hiệu Hoài sơn Việt An khá nổi tiếng, được giới Đông y – Dược Quảng Nam – Đà Nẵng rất tín nhiệm.
Các thập niên gần đây do cung không đủ cầu, nên nhiều nơi ngay cả ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn chế biến Hoài sơn giả từ Củ cọc hay Khoai mỡ – Dioscorea alata, là loài cùng chi, cùng họ nên có ít nhiều tác dụng tương tự, tuy không bằng Hoài sơn chính hiệu.
Theo Đông y, Hoài sơn có tác dụng ích khí dưỡng âm, bổ tỳ phế thận. Chủ trị các chứng tỳ phế hư nhược, trị chứng tiêu khát thận âm hư, được dùng làm thuốc bổ ngũ tạng và chữa các bệnh như: Người có cơ thể suy nhược, bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày; bệnh tiêu khát (đái tháo đường); di tinh, mộng tinh và hoạt tinh; viêm tử cung (bạch đới); thận suy, mỏi lưng, đi tiểu nhiều, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm. Liều dùng 12-24g hay hơn, sắc uống hoặc tán bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Xem thêm:Ẩm thực dưỡng sinh từ củ Mài, vị thuốc Hoài sơn
Không yên tâm trước tình trạng chất lượng vị thuốc Hoài sơn trên thị trường, trong những năm đương chức Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, tôi đã nhiều lần về vùng Việt An vận động nhân dân trồng Củ mài, khôi phục thương hiệu Hoài sơn Việt An vang bóng một thời.
Một ngày giữa tháng ba vừa rồi, nghe lương y Diệp Chí Hùng, Chủ tịch Hội Đông y huyện Hiệp Đức cho biết đã có một hội viên ở Việt An bước đầu trồng thành công Củ mài núi tại vườn nhà. Tôi cùng Lương y Huỳnh Sự và Lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện YHCT Đà Nẵng), đã tìm đến nhà thầy thuốc trẻ Đào Bội Thiên và tận mắt nhìn thấy một số bao trồng Củ mài (kiểu mô hình trồng Gừng trong bao) để quanh vườn nhà được thu hoạch năng suất cao 3-4 kg/bao và đặc biệt việc dỡ bao lấy củ khá tiện lợi, không mất công đào như khi chúng mọc hoang hay trồng dưới đất.
Chúng tôi suy nghĩ đây là một mô hình mới, cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, rất thích nghi với người dân và vùng đất trung du miền núi.
Vì vậy tôi muốn chia sẻ với Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức – tỉnh Quảng Nam, Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Đông y… nên nghiên cứu và nhân rộng trồng Củ mài núi tại các vườn nhà, hay hợp tác xã nuôi trồng để bào chế thành vị thuốc Hoài sơn đảm bảo chất lượng. Và cung ứng cho các cơ sở sản xuất thuốc, các thầy thuốc, lương y trong và ngoài tỉnh để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương và khôi phục lại thương hiệu “Hoài sơn Việt An – Quảng Nam” có chỉ dẫn địa lý, giúp cho các thầy thuốc và người bệnh thoát khỏi vấn nạn mua nhầm Hoài sơn giả mạo như báo chí đã đưa tin.