Nhắc đến hà thủ ô, tôi nghĩ ngay đến một câu nói: “ Hà thủ ô – đen tóc, đỏ da”. Câu nói này đã được lưu truyền từ bao giờ tôi cũng không rõ nhưng tôi tình cờ biết đến khi hỏi bà nội về việc bà mua hà thủ ô về để làm gì. Có thể thấy, công dụng của hà thủ ô đã được biết đến và sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền từ rất lâu rồi.
Công dụng mà nhiều người biết đến nhất là bổ khí huyết, dùng trong các trường hợp tóc bạc sớm, thiếu máu, da xanh xao, ngoài ra hà thủ ô còn có các công dụng khác như bổ can thận, mạnh gân cốt,… Tuy nhiên, để phát huy tốt công dụng cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng thì hà thủ ô phải được chế đúng cách.
Mục lục
1. Tại sao phải chế biến hà thủ ô?
Vị thuốc hà thủ ô được nói đến trong bài này là rễ của cây hà thủ ô đỏ, tên khoa học là Fallopia multiflora Thunb. Haraldson, họ Rau răm Polygonaceae. Cần phân biệt Hà thủ ô đỏ – ruột màu đỏ với hà thủ ô trắng – ruột màu trắng, chỉ có hình dáng bên ngoài giống với hà thủ ô đỏ nhưng tác dụng có sự khác biệt lớn.
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ có tính ấm, vị đắng, chát, quy kinh can ( gan ), thận.
Hà thủ ô sống được bày bán khắp nới với giá rẻ
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại hà thủ ô đỏ được bán là dạng sống (sinh hà thủ ô) và dạng đã qua chế biến (hà thủ ô chế). Tuy nhiên, nếu dùng để bồi bổ cơ thể thì Hà thủ ô chỉ được sử dụng dưới dạng đã chế.
- Dạng sống có hàm lượng anthranoid (có tác dụng nhuận tràng ) cao gấp nhiều lần so với dạng chế, khi dùng sẽ gây đau bụng, ỉa chảy.
- Ngoài ra, Hà thủ ô sống còn chứa hàm lượng Tanin cao, dùng không đúng cách, uống hằng ngày có thể gây viêm cầu thận, bí tiểu, nhiễm độc gan cấp… nhiều trường hợp có men gan tăng, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy sau khi sử dụng hà thủ ô sống đã được ghi nhận.
Ngoài ra, theo sách “ Hiện đại thực dụng trung dược học”, liều gây chết 50% động vật làm thí nghiệm của hà thủ ô sống là 2,7g/kg cân nặng, của hà thủ ô chế là 169,4g/kg cân nặng. Điều đó có nghĩa là liều độc tính của Hà thủ ô sống mạnh gấp 63 lần Hà thủ ô đã chế đúng cách.
Việc chế ngoài làm mất độc tính còn giúp tăng cường tác dụng bổ khí huyết của Hà thủ ô. Giúp làm tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh thận, tăng khả năng hòa tan, chuyển hóa, hấp thu các hoạt chất từ vị thuốc vào cơ thể, dễ bảo quản, đảm bảo an toàn khi sử dụng và hiệu quả trong điều trị.
Hà thủ ô sau khi chế đã được khoa học chứng minh là có tác dụng rất tốt trên sức khỏe. Cụ thể:
- Bổ khí huyết: bổ khí, bổ máu thích hộp dùng trong các trường hợp khí huyết hư, cơ thể mệt mỏi, thiếu máu, da xanh, chóng mặt, nhức đầu, râu tóc bạc sớm, ra mồ hôi trộm, mất ngủ. Dùng Hà thủ ô chế hằng ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe, đen tóc đỏ ra, hết đau đầu chóng mặt.
- Bổ thận âm: Giúp bồi bổ thận âm, làm hết các triệu chứng của thậm âm yếu như: đau lưng, di tinh, liệt dương ở nam giới, kinh nguyệt không đều, bạch đới ở nữ.
- Giải độc chống viêm: dùng trong các trường hợp mụn nhọt, lở ngứa, điều trị viêm gan mạn tính
- Nhuận tràng thông tiện: dùng trong các trường hợp thiếu máu dẫn tới đại tiện bí táo, điều trị bệnh trĩ, đi ngoài ra máu.
Ngoài ra, dây leo của cây hà thủ ô đỏ ( dạ giao đằng ) có tác dụng an thần gây ngủ. Theo các nghiên cứu hiện đại về tác dụng dược lý của hà thủ ô đỏ, phát hiện trong hà thủ ô đỏ có chứa:
- Anthranoid: có tác dụng tăng nhu động ruột và dạ dày, kích thích tiêu hóa, gây hưng phấn tim.
- Tannin: săn se niêm mạc, tạo vị chát.
- Lexetin: gây hung phấn thần kinh, chữa suy nhược thần kinh, giảm tích tụ cholesterol trong gan, giảm xơ vữa động mạch
- Có tác dụng như hormone estrogen nhẹ, tăng tiết sữa
Vậy chế hà thủ ô như thế nào? Sử dụng ra sao để Hà thủ ô phát huy công dụng tốt nhất.
2. Hà thủ ô – chế sao cho đúng?
Để chế Hà thủ ô có rất nhiều phương pháp khác nhau nhưng mục đích chung của việc chế Hà thủ ô là để giảm lượng anthranoid trong củ, hạn chế việc gây nhuận trạng, ỉa chảy…cũng như làm giảm nồng độ tanin giúp làm giảm độc tính trên gan, thận từ đó phát huy các tác dụng quý của Hà thủ ô. Dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn một vài phương pháp chế biến hiện nay:
2.1. Phương pháp chế theo Dược điển Việt Nam IV
- Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại.
- Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1 kg Hà thủ ô cần 100 g Đậu đen, 2 lít nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều.
- Khi củ đã mềm , lấy ra, bỏ lõi (nếu có). Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô.
- Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Nếu đồ thì đồ 9 lần rồi phơi 9 lần (cửu chưng cửu sái) thì càng tốt.
- Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu. Chế nước vo gạo: gạo vo lấy nước, cứ 1kg gạo lấy 2,5 – 3 lít nước vo. Khi dùng đem hà thủ ô thái lát, thái phiến mỏng hoặc sấy khô tán bột.
Hà thủ ô chế (theo phương pháp Trung y)
2.2. Phương pháp chế rượu (theo Trung y)
- Lấy hà thủ ô đã cắt miếng cho vào chậu, đổ rượu ngon vào tẩm 1 đêm theo tỷ lệ cứ 10kg hà thủ ô thì dùng 2,5 kg rượu. Ngày hôm sau bỏ vào chõ đồ 4 giờ, lấy ra phơi râm cho khô, sau đó lại tẩm lại, đồ hai lần nữa là được. Lúc đó, miếng hà thủ ô sẽ thành sắc đen nâu.
2.3. Các phương pháp khác
- Hà thủ ô 20g, sơn tra 20g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 – 20 phút là dùng được, uống thay trà hàng ngày
- Hà thủ ô 30g, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g, thêm 3 quả đại táo. Hà thủ ô ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1 giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường, ăn trong ngày.
- Hà thủ ô 15 – 20 g, gạo 50 – 100 g, cho hà thủ ô vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm gạo nấu tiếp thành cháo, chế thêm mật ong, ăn khi đói bụng.
- Hà thủ ô 60g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô, lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được, ngày ăn 1 lần.
- Hà thủ ô 120 g, đương quy 60 g, sinh địa 80 g, rượu trắng 2,5 lít. Đem thái vụn các vị thuốc, gói trong túi vải rồi cho vào vò ngâm với rượu, nút kín, để nơi thoáng mát khô ráo, sau 1 tuần có thể dùng được. Uống mỗi ngày 15 ml vào buổi sáng.
- Hà thủ ô 200 g, kỷ tử 50 g, long nhãn 200 g, đinh hương 15 g, mật ong 50 g, rượu trắng 2 lít. Đem thái vụn các vị thuốc, ngâm rượu trong 36 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 – 20ml.
3. Hà thủ ô đã chế dùng như thế nào?
Hà thủ ô có thể dùng dạng bột sắc uống, ngâm rượu hoặc dùng kết hợp với các dược liệu khác.
Với dạng dùng độc lập:
Ngày dùng 4-20g, dạng thuốc sắc hay tán bột uống. Nên sử dụng hằng ngày để nâng cao hiệu quả.
Một số bài thuốc từ hà thủ ô đỏ:
- Chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc và hồi hộp chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón: dùng hà thủ ô chế, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g sắc uống.
- Người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh lạnh, khó có con: dùng hà thủ ô 20g, tầm gửi dâu, kỷ tử, ngưu tất đều 16g, sắc uống.
- Bổ khí huyết, mạnh gân cốt: hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ, lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu lúc đói..
4. Lưu ý
Khi chưa có sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ông cha ta đã dựa vào kinh nghiệm và lý giải theo y học cổ truyền để tìm ra các phương pháp chế hà thủ ô. Chế hà thủ ô với rượu có tác dụng giảm đáng kể hàm lượng tannin do tannin bị thủy phân trong rượu, đạt được mục đích giảm tác dụng không mong muốn của hà thủ ô.
Tương tự khi chế “ cửu chưng cửu sái”: ngâm nước gạo, chế với đậu đen, không những giảm tác dụng không mong muốn của hà thủ ô mà còn làm tăng cường bổ dưỡng cho vị thuốc do lợi dụng được các dưỡng chất trong gạo và đậu đen. Dù chế theo phương pháp nào thì mục đích cuối cùng của chế hà thủ ô đỏ vẫn là đảm bảo tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng.
Phan Thị Út đã bình luận
Có bán Hà Thủ ô không ạ
Lê Đào đã bình luận
Chào Út. Thật tiếc hiện tại bên mình không cung cấp dược liệu Hà thủ ô. Nếu bạn cần thêm những thông tin khác về dược liệu này hãy nhắn cho mình nhé! Cảm ơn bạn.