Từ hàng nghìn năm về trước, tổ tiên chúng ta đã biết sử dụng các cây thảo dược để phòng và chữa bệnh. Các tri thức này được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được ghi chép lại trong các tài liệu cổ về y học. Qua quá trình xây dựng và tích lũy, dần dần đã hình thành nên nền y học cổ truyền lâu đời.
Mục lục
Đông y hay y học cổ truyền Trung Quốc là một nhánh của y học cổ truyền được phát triển dựa trên hơn 3.500 năm hành nghề y của Trung Quốc bao gồm nhiều hình thức khác nhau như thảo dược, châm cứu, trị liệu bằng cạo gió, xoa bóp, nắn xương, khí công và liệu pháp ăn kiêng, nhưng gần đây cũng chịu ảnh hưởng của y học phương Tây hiện đại.
Đông y được sử dụng rộng rãi trong vùng văn hóa Đông Á nơi có một lịch sử lâu dài, và những năm sau đó, Đông y ngày càng được phổ biến trên toàn cầu.
Phương pháp bào chế dược liệu
Đông y từ trước đến nay, đa số bào chế theo truyền khẩu, theo kinh nghiệm, ít có đơn vị, cơ quan chính thức làm hẳn công việc này. Ngoài ra việc bào chế thuốc Đông y còn yêu cầu chế biến theo diễn biến bệnh nên có nhiều vị thuốc không thể làm sẵn được.
Một vị thuốc khi đến tay người tiêu dùng thường trải qua 3 giai đoạn: Trồng – Thu hái – Chế biến
Sơ chế và bào chế thuốc Đông y
Sơ chế
Để bảo quản dược liệu sau khi thu hoạch, cần sơ chế ngay. Mỗi loại dược liệu có cách sơ chế riêng.
Các loại lá:
- Nên phơi trong râm cho héo dần, không nên phơi nắng to sẽ làm cho thuốc khô giòn, vụn nát.
- Trước khi phơi hoặc sấy, thường người ta dùng phép ‘diệt men phân hủy’ để giữ nguyên hoạt chất có trong lá.
Thí dụ: vị thuốc Cam thảo dây, nếu thu hái xong mà phơi ngay thì lá biến thành mầu nâu xám, vị thuốc không ngọt, hoạt chất giảm đi, nhưng nếu chế biến bằng cách sao lá tươi trên chảo nóng bỏng, sau đó giảm dần lửa cho đến khi khô hẳn thì lá Cam thảo dây vẫn giữ nguyên mầu xanh lục và vị ngọt đậm vì chất Glyxyrizin không bị phá hủy đi.
Các loại thân cây có nhựa khô như Thạch hộc, nên luộc sơ qua rồi phơi nắng to cho khô
Các loại củ, phải sấy từ từ, lúc đầu nhiệt độ khoảng 40 – 50oC, sau tăng dần lên 70 – 80oC, để tránh tình trạng bên ngoài vỏ đã khô mà trong ruột còn ướt.
Bào chế
Thái, bào:
- Dùng dao cắt dược liệu thành những miếng mỏng.
- Đa số các nhà thuốc đều mua loại dao chế sẵn, tùy theo yêu cầu dược liệu, gọi là Dao Cầu, Dao Bào hoặc Dao Thái.
Tán:
Làm cho dược liệu trở thành dạng bột nhuyễn, mịn.
Sao:
Sao là phương pháp dùng hơi nóng của lửa làm cho thuốc khô, sém vàng hoặc cháy đen. Mục đích để thay đổi tính năng của thuốc theo ý muốn của người dùng.
Có nhiều cách sao thường dùng:
- Sao vàng: Sao cho đến khi vị thuốc bên ngoài có mầu vàng nhưng trong ruột vẫn còn mầu như cũ. Khi sao, để lửa nhỏ, thời gian sao lâu. Mục đích để cho thuốc bớt tính hàn.
- Sao vàng hạ thổ: Quét sạch đất, sau khi sao thuốc xong, đổ trải thuốc ra nền đất sạch, đậy lại, để khoảng 15 phút cho thuốc nguội. Mục đích để khử hỏa độc do sao nóng của vị thuốc, làm cho thuốc tăng thêm phần âm của đất để điều hòa âm dương (khí của đất là âm, khí của hỏa nhiệt khi sao thuốc là dương).
- Sao đen: Dùng lửa to, dợi khi chảo thật nóng thì cho thuốc vào, đảo đều cho đến khi thấy bên ngoài cháy đen, bẻ ra thấy bên trong mầu vàng là được. Thường dùng để sao Toan táo nhân, Chi tử, Kinh giới… Nhằm mục đích tăng tác dụng cầm máu hoặc tiêu thực của vị thuốc.
- Sao với cám: để rút bớt tinh dầu của vị thuốc ra như Chỉ thực, Thương truật, Trần bì…
Tâm:
Mục đích là làm cho một chất lỏng khác thấm vào được thuốc. Các chất lỏng dùng để tẩm thường là Rượu, Giấm, nước Muối, nước cốt Gừng, Đồng tiện (nước tiểu trẻ nhỏ)…. Thời gian ngâm từ 2 – 4 giờ hoặc có khi phải ngâm qua đêm, ngâm mấy ngày… tùy yêu cầu của từng vị thuốc. Sau đó lại sao cho khô.
Trung bình, cứ 1kg thuốc ngâm với 50 – 200ml.
Tẩm Rượu:
- Dùng rượu 30 – 400, trộn với thuốc, ngâm khoảng 2-3 giờ rồi sao vàng.
- Mục đích để giảm bớt tính hàn của thuốc, tăng thêm độ ấm.
- Rượu có tác dụng bốc và dẫn nhanh, vì vậy giúp cho thuốc đi nhanh ra các bộ phận cần dẫn thuốc đến.
Tẩm Mật
Theo các tài liệu cổ thường là tẩm Mật Ong, nhưng hiện nay, đa số là tẩm Mật Mía. Thường pha một phần mật với một phần nước cho loãng rồi ngâm với thuốc khoảng 4 – 6 giờ. Mục đích tẩm Mật để giảm bớt vị đắng, chát của thuốc.
Vị ngọt đi vào Tỳ, vì vậy muốn tăng tác dụng kiện Tỳ của vị thuốc thì tẩm với mật.
Sắc:
Cho thuốc vào nồi đất (siêu) hoặc dụng cụ để nấu… cho nước theo yêu cầu (thường là 4 chén nước), đun sôi nhẹ một thời gian cho thuốc thấm ra hết, chiết lấy nước để dùng như thang thuốc sắc vẫn thường dùng.
Chưng:
Chế biến thuốc bằng cách nấu cách thủy, lấy hơi của dung dịch chế biến làm cho chất thuốc thay đổi. Thí dụ: Dùng rượu và Sa nhân chưng Sinh địa…
Cách thực hiện: Cho thuốc vào thùng, đặt vào một thùng khác to hơn (đã chứa ½ thùng nước), đậy nắp lại. Nấu sôi trong 24 giờ, khi nước cạn lại đổ thêm nước vào nấu. Ngày hôm sau, lấy vị thuốc ra, phơi hoặc sấy khô rồi lại tiếp tục chưng và phơi như trên đủ 9 lần, gọi là ‘Cửu chưng cửu sái’. Lúc đó, vị Sinh địa sẽ biến thành Thục địa.
Hơn thua chỗ bào chế, sao tẩm
Các cụ xưa cho rằng thầy thuốc đông y dùng thuốc hơn nhau ở chỗ bào chế, sao tẩm. Bào chế thuốc đông y nhằm mục đích giảm bớt tính độc (nếu có), tính hàn, tính nhiệt của dược liệu, làm tăng tác dụng của thuốc. Mục đích cuối cùng là đưa thuốc vào đúng vị trí của bệnh mà nay ta thường gọi là đưa thuốc vào địa chỉ.
- Ví dụ bạch truật sao với hoàng thổ là để đưa thuốc vào tỳ vị để bổ tỳ kiện vị. Nay không có hoàng thổ thì sao với dầu cám, có tác dụng bổ tỳ vị, làm giảm bớt tính ráo của bạch truật.
- Bạch thược dùng sống để bổ âm, sao với giấm để thuốc vào gan, chữa bệnh ở gan.
- Viễn chí là vị thuốc an thần nhưng phải bỏ lõi, nếu để cả lõi thì gây ra chứng hồi hộp tim sao với rượu để đưa thuốc vào tâm (tim)…
Hiện nay, một số bệnh viện y học cổ truyền ở địa phương và một số thầy thuốc đông y thường không sao tẩm, dùng thuốc sống để chữa bệnh, không những kết quả kém mà có khi phản tác dụng.
Riêng dược liệu từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch, phần nhiều là dược liệu loại 3 và 4 (không có dược liệu loại 1 và 2) cùng với thứ dược liệu mà họ đã rút hết hoạt chất, chỉ còn bã. Gần đây, cơ quan chức năng bắt được một số dược liệu nhập từ Trung Quốc không có nguồn gốc xuất xứ, một thành viên trong đoàn kiểm tra có đưa đến 6 vị thuốc nhờ chúng tôi xem hộ.
==> Bằng mắt thường, với kinh nghiệm của một người làm thuốc lâu năm, chúng tôi thấy có 2 vị đương qui và cam thảo là chính phẩm; vị đan bì là thuốc loại 3; xuyên khung, hoàng kỳ là bã thuốc vì họ đã ép lấy hết hoạt chất…
==> Do vậy chúng ta cần có những chế tài sử phạt nặng đối với những hành vi buôn bán dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng.
Theo: Thầy thuốc Nhân dân – Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng