GS. Đỗ Tất Lợi chính là người đi đầu trong việc bắc cây cầu nối giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc. Ông có tới 200 công trình khoa học lớn nhỏ trong đó công trình gây tiếng vang nhất là bộ sách ” Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam ” được xuất bản lần đầu năm 1962 với độ dày trên 1.200 trang khổ lớn. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác về dược liệu.
Hình ảnh Giáo sư Đỗ Tất Lợi
Mục lục
Đôi nét về GS. Đỗ Tất Lợi
Đỗ Tất Lợi (1919 – 2008) sinh tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
- Ông học khoa Dược trường Y- Dược Đông Dương trong thời gian 1939 – 1944 thời Pháp thuộc.
- Sau khi tốt nghiệp ông mở Hiệu thuốc ở phố Hàng Gai, Hà nội trên biển hiệu không đề tiếng Pháp như thời ấy mà ghi Hiệu thuốc để chỉ rõ khí phách độc lập của người Việt Nam.
Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, dược sĩ Đỗ Tất Lợi với cương vị Viện trưởng Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm Cục quân y, đã chịu khó đi công tác trên núi rừng Việt Bắc tìm kiếm sưu tầm các cây thuốc phòng chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.
Sau ngày hòa bình lập lại, với nhiệm vụ Chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường Đại học Y dược Hà Nội, ông đã say mê nghiên cứu về dược liệu, vị thuốc Việt Nam và các cây di thực từ nước ngoài. Ông đã có công xây dựng bộ môn về nghiên cứu và tư duy khoa học theo hướng dân tộc hiện đại. Ông tham giảng dạy trực tiếp và biên soạn giáo trình “Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam”. Giáo trình này ngoài sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên đại học các trường Y Dược trong nước còn được bạn bè quốc tế khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đánh giá rất cao.
Sau mấy chục năm lăn lộn với việc sưu tầm nghiên cứu dược liệu, Đỗ Tất Lợi đã biên soạn được bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam xuất bản đến nay là lần thứ 11.
Sự nghiệp nổi bật của GS. Đỗ Tất Lợi
– Năm 1968, Hội đồng Khoa học Viện Hóa dược Leningrad (nay là Saint Petersburg) đã bỏ phiếu thuận 100% phong tặng đặc cách cho ông danh hiệu Tiến sĩ, không cần báo cáo và bảo vệ luận án.
– Năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư.
– Năm 1996, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về khoa học công nghệ.
– Năm 2001, Ông được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì 2001 về những cống hiến cho khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
– Năm 2006, Hiệp hội Xuất bản châu Á – Thái Bình Dương (APPA) đã trao giải đặc biệt năm 2006 cho cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do NXB Y học tái bản năm 2006.
Cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Nội dung cuốn sách
Đây là một bộ sách lớn, lần xuất bản đầu tiên (1962-1965) được in 10.000 cuốn, chia làm 6 tập, tổng cộng dày 1.494 trang. Bộ sách đã giới thiệu hơn 750 vị thuốc, gồm 164 cây thuốc, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật. Mỗi loại đều có tên khoa học, tên tiếng Việt và tên chữ Hán, những đặc tính chung, mô tả quá trình phân phối, thu hoạch, chế biến, thành phần hoá học và công dụng, liều dùng.
Cuốn sách bao gồm cả những loại thuốc mà các nhà khoa học đã xác minh cơ chế, lẫn cả những loại được kiểm chứng hiệu nghiệm trong thực tế nhưng vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Nhận xét về cuốn sách
Trong lời giới thiệu bộ sách lần xuất bản đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, ông Vũ Công Thuyết, đã viết:
“ …Bộ sách đã thể hiện một công trình sưu tầm, nghiên cứu rất công phu, một khối lượng lao động rất lớn trong nhiều năm của tác giả. Nhiều công trình nghiên cứu trong nước, nhiều tài liệu nước ngoài đã được khảo sát, chọn lọc, cộng với hơn 20 năm trong nghề của tác giả, một cán bộ đã có nhiều nhiệt tình và cống hiến trong việc nghiên cứu thuốc nam. ”
– Về bộ sách đó, cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nhận xét: “Rất tốt, rất dễ hiểu, rất phong phú. Cái hay của bộ sách là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian, kinh nghiệm nước ngoài.”
– Các nhà bác học Liên Xô (cũ) cũng đánh giá rất cao bộ sách của nhà dược học Việt Nam lỗi lạc.
– Giáo sư, tiến sĩ khoa học A. F. Hammerman khẳng định: “Trong số rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học.”
Ngoài cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ông còn có hàng trăm công trình khoa học lớn nhỏ đã công bố trong và ngoài nước. Các công trình của ông đã được công bố bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Đức, Rumani…
Nguồn: Tổng Hợp
Nguyen đang dâng đã bình luận
Xin bao gia quyen sach tong hop nhung bai thuoc đo tat loi