Giới khoa học gọi ông là “pho từ điển sống của thực vật Việt Nam”. Ở tuổi 83, tiến sĩ Võ Văn Chi vẫn miệt mài với các công trình khoa học. Ông giải thích dung dị: “Làm khoa học luôn phải vì lợi ích của nhân dân, của đất nước”. Và cuộc đời tận tâm lặn lội khắp vùng miền đất nước để tìm cây, lập danh mục thực vật của ông là một minh chứng sống động.
Tiến sỹ khoa học Võ Văn Chi
Mục lục
Trong thời gian nghiên cứu khoa học, nhiều loại cây có công dụng chữa bệnh từ lâu là bí quyết của đồng bào thiểu số đã được ông phổ biến đại trà đến tất cả người dân. Đồng bào dân tộc có bí mật riêng trong từng loại thuốc, họ tự chữa trị cho nhau và phải tuân thủ luật lệ là không có sự đồng ý của trưởng bản thì không ai được phép tiết lộ. Trong khi đó, mỗi toa thuốc Tây y dù ít tiền cũng là một khó khăn lớn với người nghèo. Nếu biết tận dụng cây cỏ xung quanh thì gánh nặng chi phí này sẽ giảm thiểu.
- Từ đầu những năm 1960, ông đã len lỏi khắp các thôn bản vùng cao phía Bắc tìm cây thuốc.
- Có lần một thanh niên đi xe đạp ở tỉnh Hòa Bình bị ngã vào sớ đá tét chân, máu chảy đầm đìa. Một già làng người Mán đã chạy đi hái lá cây, giã nát rồi đắp vào. Ngay lập tức, vết thương cầm máu và người thanh niên đã có thể ngồi dậy uống rượu cùng với ông già nọ hai ngày sau vết thương đã kéo da non. Biết chuyện, Võ Văn Chi tìm tới xin được biết bài thuốc nhưng ông già làng nhất quyết không tiết lộ.
- Không nản chí, ông tiếp tục tìm tới nhà vị già làng nhiều lần thăm hỏi, rồi đưa ra lý lẽ: một bài thuốc hay là phải phục vụ vì số đông vô vụ lợi.
- Cuối cùng vị già làng cũng hiểu ra và chỉ cho ông đó là cây vông đỏ, một loại cây mọc khắp nơi ở Việt Nam.
TS. Võ Văn Chi thử nghiệm trên thỏ và thấy con thỏ bị cắt đứt động mạch nếu không dùng thuốc vông đỏ sẽ mất chín phút mới cầm máu, trong khi đó nếu có thuốc thì thời gian cầm máu chỉ là một phút. Từ kết quả đáng kinh ngạc trên, ông chế cây vông đỏ thành thuốc bột rồi cho lại những người thường xuyên đi rừng, cũng như giữ bên mình phòng khi bất trắc. Tác dụng của cây vông đỏ còn hiệu nghiệm ngay trên những người mắc chứng máu khó đông.
Tôi viết sách cho dân nước tôi – Võ Văn Chi
Phụ nữ vùng rẻo cao khi sinh nở thường được các bà mế cho tắm bằng những loại lá đặc biệt. Quan sát thau nước tắm, dần dần ông đã biết họ, tên của các loại cây này. Cứ thế, mỗi lần biết được tên hay công dụng của một loài cây ông đều tỉ mỉ ghi chép lại.
Bước chân ông rong ruổi từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Nghệ An, Bình Định, rồi cả vùng núi Tịnh Biên (An Giang), Sóc Trăng… Nghe kinh nghiệm dân gian rồi, ông còn khảo cứu tài liệu tiếng Trung và những ngôn ngữ khác về chủng cây. Để có kiến thức chuyên sâu về thuốc, ông còn mời những danh y như giáo sư-tiến sĩ Đỗ Tất Lợi cùng đi.
Thời gian nối tiếp đi qua, 40 năm sau, tập tài liệu ấy cứ dày dần lên đủ để ông làm một cuốn sách 1.500 trang có tựa Từ điển cây thuốc Việt Nam. Cuốn sách tổng hợp 3.165 loài cây có tác dụng chữa bệnh nhanh chóng được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Nhiều nhà khoa học nước ngoài tìm đến ông và ngạc nhiên lẫn khâm phục khi biết đó là công trình ông tự làm và không được hỗ trợ kinh phí từ bất cứ nguồn nào. Ông giải thích: “Tôi viết sách cho dân nước tôi đọc”. Đến nay, bất kỳ ai có cuốn sách trong tay đều tìm được cho mình những bài thuốc từ cỏ cây xung quanh để chữa bệnh cho mình và người thân.
Những tác phẩm nổi tiếng của tiến sĩ Võ Văn Chi
Hiện nay tiến sĩ Võ Văn Chi đã có trên 70 công trình nghiên cứu khoa học và hơn 30 đầu sách có giá trị khoa học cao. Ông cũng từng là giảng viên của nhiều trường đại học lớn của cả nước. Tuy vậy, dù đã qua tuổi bát tuần ông vẫn học ngày học đêm. “Với tôi, học bao nhiêu thời gian cũng không đủ” – ông nói.
- Đam mê học tập cháy bỏng từ thuở thiếu thời đến khi đã là một cụ già. Năm tuổi, ông được các cụ dạy chữ Hán. Thời gian học đại học, trong khi bạn bè còn chưa thức dậy thì ông đã ôm sách vở lên thư viện hay hội trường để học đến khi tối mịt mới về lại phòng.
- Phần lớn sách vở, tài liệu thời những năm 1950 của thế kỷ trước là tiếng Latinh, Pháp, Anh hoặc Hán ngữ nên mỗi khi cần dịch ông lại chạy vạy khắp nơi để nhờ vả. Trong cái khó khăn ấy, ông phải tự mày mò học, học không ngừng nghỉ. Cuối cùng, Võ Văn Chi đã thành thạo nhiều ngôn ngữ như Latinh, Pháp, Anh, Hán…
Nhiều lần được mời đi tham quan vườn thuốc Đông y, ông phát hiện nhiều loài cây bị ghi sai tên. Ông đính chính cái sai nhưng không phải ai cũng biết để sửa chữa, thay đổi. Có thể đó cũng là một lý do thôi thúc ông viết sách để ít ra hoặc may ra có người đọc sách, xem ảnh minh họa mà còn biết chính xác cây thuốc mà dùng. Bởi lẽ dùng sai thuốc thì tác hại với người bệnh là vô cùng ghê gớm.
Cuốn sách: “Từ điển cây thuốc Việt Nam”
Từ điển cây thuốc Việt Nam của giáo sư Võ Văn Chi là tác phẩm có giá trị cao không những ở mặt thực vật của các cây thuốc, mà còn có ý nghĩa về sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này ở nước ta. Tác phẩm là một kho tư liệu quí giá cho các nhà nghiên cứu về thực vật học, hóa học cây thuốc và những người làm về lĩnh vực Y Dược học cổ truyền.
Bộ sách được phân bố làm hai phần:
- Phần thứ nhất – Phần Đại cương
- Phần thứ hai – Cây thuốc mọc hoang và được trồng ở Việt Nam.
Ở phần này, Tác giả đã sắp xếp các cây thuốc theo vần A, B, C… Ở mỗi một cây thuốc đều có các hình vẽ chính xác để minh họa. Ngoài ra, sau mỗi một đến hai vần của các cây thuốc, lại có các ảnh mầu của các cây thuốc đó, giúp độc giả, có thể dễ dàng nhận biết các cây thuốc mà mình muốn tìm hiểu.
Những tác phẩm khác
- Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc Việt Nam (1998)
- Từ điển thực vật thông dụng (hai tập – 2003, 2004)
- Cây cỏ có ích ở Việt Nam
- Từ điển sinh học Nga – Việt
- Từ điển sinh học Anh–Việt, Cây thuốc An Giang
- Hệ cây thuốc Tây Nguyên…
Theo: www.phapluattp.vn