Huyết đằng còn có tên gọi khác là: Dây Máu gà, M’hầy jham’ (tên tiếng Dao). Tên khoa học là Spatholobus sp., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Ngoài ra có nhiều loài cùng được gọi tên Huyết đằng: Milletia reticulata Benth.; Milletia diesiana Harms cùng thuộc họ Đậu (Fabaceae). Người ta cũng dùng cây Kê huyết đằng (Dây máu gà) Mucuna birwoodiana Tutcher. với công dụng tương tự.
1. Mô tả cây
- Dây leo thân dài tới 10m, vỏ thân màu nâu.
- Lá gồm 3 lá chét, cuống chung dài 4,5 – 10cm. Mặt trên màu xanh, dưới nhạt hơn.
- Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, cụm hoa dài tới 14cm, mọc thõng xuống.
- Quả mọng hình trứng dài 8-10mm, chín có màu lam đen.
- Mùa hoa tháng 3,4; mùa quả tháng 7, 8.
Kê Huyết đằng: Thường có 5 lá chét, lá giữa to nhất. Cụm hoa mọc đầu cành hay kẽ các lá đầu cành, dài khoảng 14cm. Hoa màu tím, đài hình chuông, tràng hoa hình cánh bướm. Quả giáp dài 7-15cm rộng 1,5-2cm, phủ lông mịn màu vàng nhạt. Hạt màu đen nâu. Mùa hoa từ tháng 9 đến tháng 12.
2. Phân bố
Cây phân bố nhiều ở vùng Hòa Bình, Ba Vì (Hà Nội), Cao Bằng, Lạng Sơn và nhiều vùng miền núi khác.
Bộ phận dùng làm thuốc:
Thân dây.
- Khi tươi, cắt ngang có nước nhựa đỏ như máu chảy ra.
- Khi khô, tiết diện có nhiều vòng đen do nhựa khô lại. Thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 8~10. Chặt cây về, cắt bỏ cành lá. Rửa sạch, thái phiến, phơi khô.
- Cũng có nơi lấy nhựa cây nấu thành cao.
3. Công dụng
Theo y học cổ truyền, Huyết đằng có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, thông kinh, hoạt lạc, làm mạnh gân xương. Trị lưng đau, gối đau, té ngã tổn thương, tay chân tê, kinh nguyệt không đều (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Kiêng kỵ:
- Người huyết không hư, thiên về huyết ứ, khí trệ: không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Một số bài thuốc có vị Huyết đằng
1. Trị khí huyết suy kém, đại bổ khí huyết:
Kê huyết đằng nấu đặc thành cao, hòa với rượu uống. Nếu không uống được rượu thì hòa với nước sôi uống (Kê Huyết Đằng Giao Vân Nam Chí Phương).
2. Chữa phong thấp:
Sinh địa 20g, Hà thủ ô 20g, Cỏ xước 12g, Cốt toái bổ 12g, Vòi voi 10g, Cốt khí 10g, Phòng đảng sâm 20g, Huyết đằng 12g, Hy thiêm 12g, Bồ công anh 12g, Thiên niên kiện 10g, Dây đau xương 10g. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của từng bệnh nhân mà áp dụng. Có thể dùng ngâm rượu hoặc sắc uống.
Ngâm rượu:
- Cứ 1 thang thuốc trên cần ngâm với 1 lít nước, tức 1.000ml rượu trắng 400, để trong 3 ngày lại thêm 500g (nửa cân) đường hòa tan vào 500ml nước đun sôi để nguội, đổ chung vào với rượu đã ngâm thang thuốc trên.
- Mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần từ 10-20ml trước lúc đi ngủ, uống liên tục trong 1-2 tháng.
Sắc uống:
- Mỗi thang trên cho vào 500ml nước đun nhỏ lửa, đậy kín ấm đến khi cạn còn khoảng 150-200ml thì ngừng sắc. Gạn nước thuốc ra chia đôi, uống mỗi lần 1/2 số nước đó, uống nóng.
- Dùng liên tục từ 20-25 ngày.
3. Chữa thiếu máu hư lao:
- Kê huyết đằng 200-300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác như Thục địa, Đan sâm, Hà thủ ô đỏ (liều lượng bằng nhau).
- Còn có thể dùng cao đặc cô từ nhựa, mỗi ngày 2-4g, pha với rượu uống.
4. Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương:
Kê huyết đằng 12g, cây Mua núi 12g, rễ Gối hạc 12g, rễ Phòng kỷ 10g, vỏ thân Ngũ gia bì chân chim 10g, Dây đau xương 10g. Tất cả phơi khô tán nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
5. Chữa kinh nguyệt không đều:
Kê huyết đằng 10g, Tô mộc 5g, Nghệ vàng 4g, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Phụ nữ có mang không được dùng.
Tham khảo thêm
“Kê huyết đằng và Huyết đằng ở Việt Nam hiện chưa được xác định chắc chắn, thuộc vào mấy loại. Nhân dân chỉ mới căn cứ vào khi chặt cây thấy có những đám màu đỏ giống như máu thì lấy về dùng. Hiện nay được khai thác nhiều ở Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn và 1 số tỉnh miền núi khác” (Dược Liệu Việt Nam).