Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Kim tiền thảo là cây thuốc được dùng phổ biến được dùng để chữa sỏi mật, sỏi thận, bàng quang, phù thũng, bệnh về thận, khó tiêu.
Mục lục
Thông tin khoa học
1. Mô tả cây
- Cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao 0.3 – 0.5 m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le, gồm 1 (đa số) hoặc 3 lá chét hình tròn, dài 1.5 – 3.4 cm, gốc bằng hoặc hơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung; lá kèm có lông, có khía; cuống lá dài 1-2 cm, có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thân thành chùm ngắn hơn lá; lá bắc sớm rụng; hoa màu hồng; đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng có cánh cờ hình bầu dục, các cánh bên thuôn, cánh thìa cong có tai; nhị 2 bó; bầu hơi có lông.
- Quả đầu hơi cong, hạt có lông.
- Mùa hoa quả: tháng 3 – 5
2. Phân bố sinh thái
Mọc hoang khắp vùng đồi núi trung du nước ta, độ cao dưới 600 m so với mực nước biển, gặp nhiều ở Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ…
Thích hợp điều kiện nhiệt độ nóng ẩm hoặc ẩm mát, đất ít chua, có thành phần cơ giới trung bình, ẩm và thoát nước nhưng cũng chịu được đất chua, nghèo xấu và khô hạn. Ưa sáng nhưng cũng chịu được bòng râm, sống lưu niên, tái sinh hạt, chồi gốc, chồi thân, chồi cành đều khoẻ.
3. Công dụng
- Kinh nghiệm nhân dân thường dùng toàn thân tươi, phơi hoặc sao khô, sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha chè để uống, dùng riêng hoặc phối hợp với một số loại thuốc khác.
- Kim tiền thảo được dùng chữa suy thận, sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm
Kỹ thuật gieo trồng
1. Nguồn giống
Có thể trồng bằng hom thân hoặc cành nhưng tốt nhất là bằng gieo hạt thẳng vì hạt giống sẵn và đỡ tốn công hơn.
- Vào tháng 4-5 khi quả chín vỏ có màu nâu thì thu hái, phơi khô đập mạnh để tách vỏ, sảng sảy kỹ loại bỏ tạp chất thu lấy hạt.
- Phơi khô hạt dưới nắng nhẹ, cho vào túi nilông buộc kín bảo quản thông thường, để nơi khô ráo thoáng mát, chú ý chống kiến vì hạt có mùi thơm hấp dẫn.
2. Gieo trồng và chăm sóc
Có thể trồng toàn diện theo hàng dưới tán rừng thưa, trong các vườn quả, nhất là tận dụng đất ở giai đoạn rừng chưa kép tán để kết hợp che phủ đất.
- Thời vụ gieo trồng thích hợp vào vụ xuân hay đầu mùa mưa khi đất đã đủ ẩm chưa có những trận mưa to.
- Mật độ trồng khi ổn định khoảng 1000-1500 cây/ha, cự ly 1mx1m hoặc 0,8×0,8m.
- Làm đất: cuốc hố hay cày theo rạch sâu và rộng 5-10cm. Nơi đất xấu có điều kiện bón lót 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh theo rạch trước khi gieo hạt.
Nhân giống:
- Ngâm hạt trong nước ấm 40-50oC (3 sôi + 2 lạnh) trong 4-5 giờ, vớt ra để ráo.
- Trộn hạt với tro, cát hay đất mịn khô đêm gieo thẳng, lấp đất kín hạt dày 2-3cm, tủ rơm rạ đã khử trùng lên rạch sau khi lấp đất. Lượng hạt gieo 1kg/ha.
- Dỡ bỏ vật che tủ khi hạt nảy mầm, chú ý đề phòng kiến tha hạt vào sâu, dế cắn mầm.
- Cây được 3-4 lá thì bắt đầu tỉa dặm cây, điều kiện mật độ ổn định. Cây được 5-10 lá nhổ cỏ xới đất vun gốc cho cây.
5. Thu hoạch chế biến
Trồng 1 lần có thể thu hoạch nhiều lần, nhiều năm. Thường 2-3 năm hoặc có thể lâu hơn mới trồng lại như ở trong nơi đất tốt hoặc có điều kiện làm cỏ bón phân, cày xới chăm sóc đầy đủ, cẩn thận.
- Thu hái 1-2 lần/năm vào vụ hè thu và vụ thu.
- Cắt toàn bộ phần cành lá trên mặt đất, chứa lại phần thân sát gốc dài 4-5cm để tái sinh cho lần sau.
- Rửa sạch rồi phơi thật khô sản phẩm đã thu hoạch cho vào bao tải hoặc bao nilông giữ nơi khô ráo thoáng mát để bán cho cơ sở thu mua dược liệu.
Theo hoinongdan.org.vn