Vườn quốc gia Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc có nguồn tài nguyên cây thuốc khá đa dạng. Trong những năm gần đây nhu cầu trong nước và quốc tế về thảo dược trong điều trị bệnh, bổ dưỡng sức khỏe cho con người ngày càng cao. Các hoạt động mưu cầu cuộc sống của con người đã và đang gây sức ép lên sự sinh tồn và phát triển của các loài cây thuốc trong tự nhiên. Chính vì thế rất cần những chính sách bảo tồn và khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc quý hợp lý ở các Vườn quốc gia.
Đa dạng tài nguyên thực vật
Với các đặc điểm về địa hình, hướng phơi, độ cao, khí hậu, thủy văn, tác động của con người kết hợp với đặc tính sinh thái của từng loài đã tạo nên sự đa dạng của hệ thực vật Vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm. Trong đó, nguồn tài nguyên cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng về thành phần loài, giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa.
Hình ảnh Vườn quốc gia Tam Đảo
Qua quá trình điều tra, nghiên cứu, đến nay đã xác định được nguồn tài nguyên cây thuốc của Vườn quốc gia Tam Đảo phân bố thuộc 5 ngành thực vật với 896 loài cây thuốc có trong 607 chi, thuộc 177 họ. Trong thời gian qua, Vườn quốc gia Tam Đảo đã rất quan tâm và xúc tiến, triển khai nhiều hoạt động góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc
Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý
Bảo vệ tài nguyên cây thuốc, đặc biệt là các cây thuốc mọc tự nhiên ở rừng đã trở thành yêu cầu cấp bách nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế – xã hội hiện nay và tương lai. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên ở Vườn quốc gia Tam Đảo đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, Vườn quốc gia Tam Đảo đã có nhiều biện pháp quản lý và bảo vệ rừng nói chung, song các áp lực đối với nguồn tài nguyên cây thuốc vẫn rất mạnh mẽ. Việc khai thác cây thuốc là một nghề truyền thống của người Dao, người Sán dìu và người Kinh để làm thuốc và bán để mưu sinh. Hiện tượng chặt phá, đốt nương làm rẫy gây cháy rừng đã làm cho tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở đây bị suy giảm.
Một số loài cây thuốc ở địa phương như Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng và Củ dòm đang bị khai thác cạn kiệt và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, để có cơ sở khoa học đầy đủ làm căn cứ cho việc bảo tồn và phát triển nguồn gen, từ đó có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng của những loài cây này trong tương lai, năm 2017 Vườn quốc gia Tam Đảo đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý (Hoa tiên – Asarum glabrum, Hoàng tinh hoa trắng – Polygonatum multiflorum và Củ dòm – Stephania dielsiana) ở Vườn quốc gia Tam Đảo”.
Đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển được nguồn gen loài cây thuốc quý tại VQG Tam Đảo, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời tận dụng được đất đai và không gian dưới tán rừng nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hoa tiên – Asarum glabrum | Hoàng tinh hoa trắng – Polygonatum multiflorum | Củ dòm – Stephania dielsiana |
Hình ảnh cây Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng, Củ dòm
Xây dựng vườn ươm thực vật
Trong năm 2017, đơn vị thực hiện nhiệm vụ là Vườn quốc gia Tam Đảo đã tiến hành lập 12 tuyến điều tra, thiết lập 30 ô tiêu chuẩn lập 01 bộ bản đồ (tỉ lệ 1/25.000), nghiên cứu đặc điểm sinh vật học và sinh thái học của 3 loài, nghiên cứu bảo tồn tại 8 xã vùng đệm trong 30 hộ gia đình.
Nhân giống 3 loài nghiên cứu phục vụ cho công tác bảo tồn, gồm: Thiết kế và xây dựng 01 vườn ươm với diện tích 200m2 tại VQG Tam Đảo và đã tiến hành thí nghiệm nhân giống được trên 5000 cây giống Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng và Củ dòm.
- Qua đó đã tiến hành trồng khảo nghiệm 3 loài Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng và Củ dòm ở 3 điểm như: Lâm phần rừng tự nhiên, trong rừng tự nhiên và dưới tán rừng.
- Kết quả cho thấy, cây được trồng ở điểm lâm phần rừng tự nhiên có sự sinh trưởng và phát triển bình thường, đối với cây được trồng trong rừng tự nhiên và dưới tán rừng qua theo dõi, tỷ lệ sống đạt 93%, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
- Dựa trên kết quả điều tra 12 tuyến và 30 ô tiêu chuẩn, đơn vị thực hiện đã xây dựng được các mô hình bảo tồn cho loài Hoa tiên, Hoàng tinh và Củ dòm, thiết lập được 3 mô hình bảo tồn và 3 ô định vị để bám sát theo dõi biến động quần thể của loài và thu thập được 9 mẫu tiêu bản với mỗi loài là 3 tiêu bản.
Năm 2018, đơn vị thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm hình thái của hoa và các nhân tố thủy văn tới sinh trưởng, phát triển và bảo tồn của 3 loài để có thể đánh giá được hiệu quả đồng thời có hướng phát triển nhân ra diện rộng.
Vườn ươm cây Hoàng tinh hoa trắng
Việc xây dựng mô hình trồng bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm như Hoa tiên, Hoàng tinh hoa trắng và Củ dòm đã góp phần bảo tồn tri thức bản địa, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương.
Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc để giữ gìn hiệu quả các nguồn gen quý hiếm, đồng thời bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền và cộng đồng tại địa phương cùng chung tay, góp sức để quản lý, việc khai thác, vận chuyển các loại lâm sản trong VQG Tam Đảo.
BT. Tiến Phúc