Sì to là cây của vùng cận nhiệt đới và ôn đới. Cây phân bố ở 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc ở những nơi ẩm ướt, dọc bờ suối các khu vực miền núi như Sa Pa, Bắc Hà – Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An. Độ cao phân bố từ 1.300 đến 1.600 m.
Mục lục
Đặc điểm chung
1. Đặc điểm thực vật
- Sì to là tên gọi cây này của dân tộc Mèo vùng Sapa (Lào Cai). Cây thuộc thảo, sống lâu năm, cao 25-30cm. Rễ mập, khoanh tròn đỏ do vết tích của cuống lá, có nhiều rễ con.
- Lá mọc từ gốc, phiến lá hình tim, hai mặt có lông mịn, cuống lá dài 20-25cm, có lông mịn.
- Cụm hoa hình xim ngù, cuống dài 30-40cm. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bết dẹt
2. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Thân rễ và rễ chùm, được phơi hay sấy khô của cây sì to.
Công dụng: Sì to được dùng chữa nhức đầu, đau dạ dày do co thắt, đau các khớp xương, thủy thũng, kinh nguyệt không đều, tổn thương, mụn nhọt. Đồng bào H’Mông ở miền núi còn dùng chữa động kinh, sốt cao co giật, đánh trống ngực, bồn chồn, lo lắng, hoảng hốt.
- Ngày dùng 9 – 15 g toàn cây hoặc 6 – 12 g thân rễ dưới dạng thuốc sắc.
- Có thể dùng thân rễ phơi khô tán bột, mỗi lần uống 0,6 – 1,5 g, ngày 2 – 4 lần hoặc dạng cồn thuốc (cồn 60 %) 1/5 (1g thân rễ khô được 5 ml cồn) ngày dùng 2 – 10 g, dạng cao mềm ngày 1 – 4 g.
- Dùng ngoài, thân rễ tươi giã nát, đắp vết thương và mụn nhọt.
Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
Cây sì to thích nghi với các vùng núi cao phía Bắc, tập trung nhiều ở Nghệ An (Mường Lống), Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát), Hà Giang (Đồng Văn, Mèo Vạc) và Vĩnh Phúc (Tam Đảo).
2. Giống và kỹ thuật làm giống
Sì to được nhân giống bằng phương pháp nhân vô tính.
Kỹ thuật làm giống:
- Thời gian thu hoạch cây làm giống vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, sau khi cây kết thúc thời kỳ hoa quả, cây bắt đầu quá trình lụi.
- Các nhánh con được tách ra từ khóm sì to sau khi thu hoạch, bao gồm phần gốc mang rễ, phần thân cao từ 15 – 20 cm (cây giống đủ tiêu chuẩn) được sử dụng nhân trồng ngay. Còn các nhánh không đủ tiêu chuẩn được trồng trong vườn ươm, sau khoảng 20 – 30 ngày cây giống phát triển đầy đủ rễ mới sử dụng để trồng.
Tiêu chuẩn cây giống: Các mầm nhánh tách từ cây mẹ cao từ 15 – 20 cm, sau khi ươm có bộ rễ khỏe mạnh, không sâu bệnh, không dị dạng được sử dụng để trồng.
3. Thời vụ trồng
- Thời vụ trồng sì to tốt nhất vào tháng 8, tháng 9 hàng năm.
- Có thể trồng muộn hơn nhưng tốt nhất là nên trồng trước 15/10.
4. Kỹ thuật làm đất
Chọn nơi đất ẩm nhưng thoát nước, không bị che bóng hoặc che bóng ít (có thể sử dụng đất dốc). Dọn sạch cỏ dại, làm đất tơi nhỏ, lên luống cao từ 25 – 30 cm,mặt luống rộng 70 – 80cm, chiều dài tùy ruộng. Đối với đất dốc lên xuống theo đường đồng mức.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy loại đất để bố trí mật độ khoảng cách trồng thích hợp. Đất tốt trồng mật độ 62.500 cây/ha, khoảng cách trồng 40 x 40 cm. Đất xấu trồng mật độ 110.000 cây/ha, khoảng cách trồng 30 x 30 cm.
6. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Ngoài ra, ở những nơi có điều kiện có thể dùng thêm mùn núi để bón lót.
Thời kỳ bón:
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục + phân vi sinh vào hốc đã bổ sẵn.
Bón thúc: Chia làm 2 lần bón.
- Lần 1: 30 ngày sau trồng.
- Lần 2: 60 ngày sau trồng.
7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Cây giống được đặt vào hốc đã đào sẵn, ấn chặt gốc và tưới nước. Khoảng cách giữa các cây là 30 x 30 cm hoặc 40 x 40 cm (trồng thuần). Nếu trồng xen với các cây khác thì khoảng cách giữa các cây là 40 x 50 cm, hoặc tùy theo mật độ của cây trồng khác.
Chăm sóc:
Sau khi trồng khoảng 30 ngày cây sẽ ra chồi mới. Cần chú ý đảm bảo độ ẩm cho đất, thường xuyên làm cỏ kết hợp bón lót và vun gốc.
Tưới tiêu:
- Thường xuyên đảm bảo đủ ẩm cho cây, khi gặp điều kiện khô hạn cần tưới kịp thời đảm bảo nhu cầu nước của cây bằng nguồn nước không bị ô nhiễm.
- Khi mưa bị ngập úng cần thoát nước ngay để cây không bị thối củ.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Sì to thường bị một số bệnh: Lở cổ rễ (Rhizoctonia solani Kuhn), đốm lá (Alternaria alternata) và thối thân rễ (Phytophthora cinnamomi). Trong đó bệnh thối thân rễ gây hại nghiêm trọng nhất, đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ bệnh như sau:
- Đặc điểm gây hại: Bệnh thường xuất hiện vào tháng 6 và gây hại nặng vào các tháng mùa mưa khi nhiệt độ môi trường tăng cao, mưa ẩm kéo dài.
- Triệu chứng điển hình là rễ và gốc thân bị thối đen. Khi chẻ dọc thân củ sì to, quan sát thấy vết bệnh trong thân có màu nâu đen, không ướt, ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ rõ ràng. Bệnh nặng, lá úa vàng rồi thối dần, sau một thời gian, toàn cây thối đen và chết. Bệnh thường bị nặng ở những ruộng thoát nước kém.
Biện pháp phòng trừ:
- Chọn ruộng thoát nước, cần lên luống cao đối với những chân ruộng thoát nước kém. Có thể dùng phân gà hoai bón lót ít nhất 2 tuần trước khi trồng để tiêu diệt mầm bệnh Phytophthora có trong đất.
- Khi thấy xuất hiện triệu chứng bệnh, có thể dùng các loại thuốc trừ nấm sau: Metalaxyl (ví dụ: Mataxyl 25 WP, 500WDG, 500WP; Acodyl 25EC, 35WP; Vilaxyl 35 WP); Phosphorous acid (ví dụ: Agrifos-400, Herofos 400 SL). Tưới hoặc phun ướt đều cây theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo.260
9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Vào cuối tháng 7, tháng 8 tiến hành thu hoạch sì to. Đào các khóm sì to, tách riêng phần thân rễ và phần trên mặt đất. Toàn bộ phần trên mặt đất được sử dụng để làm giống. Chú ý khi tách mầm, tránh làm tổn thương mầm để đảm bảo chất lượng cây giống. Cây giống sau khi tách ra cần được trồng ngay để đảm bảo quá trình ra chồi mới của cây.
Sơ chế: Phần thân rễ được rửa sạch, sấy khô (dưới 40oC) hoặc phơi trong bóng râm, thoáng gió. Chú ý, cần tiến hành phơi sấy trong thời gian nhanh nhất tránh để dược liệu bị hỏng.
Bảo quản: Dược liệu sau khi phơi sấy cần được đóng gói trong túi nilon, để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.