Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, hạ huyết áp, giải độc. Trong dân gian, Dừa cạn được dùng để thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít, bị bế kinh, huyết áp cao, tiêu hóa kém.
Mục lục
Đặc điểm chung
Đặc điểm thực vật
- Dừa cạn là cây thảo sống lâu năm, cao 40 – 60 cm, phân nhiều cành.
- Thân mọc thẳng, hình trụ, nhẵn, lúc non màu xanh lục nhạt, sau chuyển màu đỏ hồng.
- Lá mọc đối, hình bầu dục, gốc thuôn đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 4 – 6 cm, rộng 2 – 3 cm, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt.
- Hoa màu hồng hoặc trắng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá gần ngọn; đài 5 thùy, hình ống ngắn, tràng có 5 cánh hợp, ống tràng hẹp phình ra ở dưới các cánh hoa; nhị 5 đính vào họng của ống tràng, chỉ nhị rất ngắn; bầu gồm 2 lá noãn dính nhau ở vòi.
- Quả gồm 2 đại dài 2,5 – 3 cm, mọc thẳng hơi choãi ra; hạt nhỏ, hình trứng, màu nâu nhạt hoặc nâu đen.
- Mùa hoa quả tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Lá hoặc rễ dừa cạn phơi khô hay sấy khô.
Công dụng: Dừa cạn được dùng để thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu đỏ và ít, kinh bế, huyết áp cao. Có nơi dùng làm thuốc đắng, chát, ra mồ hôi. Chữa tiêu hóa kém và lỵ (cấp và mãn tính). Điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu lympho cấp. Vinblastin từ lá dừa cạn ở Việt Nam đã được chiết xuất dùng chữa bệnh bạch cầu.
Kỹ thuật trồng trọt
Chọn vùng trồng
Ở Việt Nam, dừa cạn mọc tự nhiên khá nhiều ở vùng bãi cát ven biển từ Hải Phòng đến Kiên Giang. Nơi tập trung nhiều nhất thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Ngoài ra còn có ở Côn Đảo, Phú Quốc.
Cây còn mọc ở những vùng đồi, trên đất pha cát hoặc sỏi đá, độ cao tới 1500 m. Trong điều kiện trồng trọt cây sinh trưởng mạnh, khối lượng chất xanh thu được có thể cao gấp đôi cây mọc tự nhiên.
Giống và kỹ thuật làm giống
Tiêu chuẩn hạt giống:
- Khối lượng 1000 hạt 2 – 3 gam.
- Nhiệt độ nẩy mầm tối ưu: 20 – 22oC.
- Tỷ lệ nẩy mầm: Trên 75%.
Dừa cạn có thể nhân giống bằng cả hữu tính (từ hạt) và vô tính (giâm cành) nhưng khi sản xuất thường nhân giống bằng hạt.
- Mỗi hecta cần gieo 500 – 700 g hạt.
- Mỗi hecta vườn ươm gieo 3 – 4 kg hạt để trồng cho 7 – 8 ha dược liệu.
- Ngâm hạt 3 – 4 giờ, vớt ra để ráo rồi gieo lên luống vườn ươm, phủ rơm, rạ và tưới nước.
- Sau khoảng một tuần, hạt mọc, cần dỡ bỏ rơm rạ. Khi cây có 3 – 4 đôi lá thật (từ 40 – 45 ngày sau khi gieo) bứng đi trồng. Có thể gieo thẳng nhưng cách này tốn công chăm sóc hơn.
Thời vụ trồng
Thời vụ gieo hạt vào tháng 9 – 10 hoặc tháng 2 – 3. Gieo vào mùa đông hạt lâu nẩy mầm vì thời tiết quá lạnh, nhiệt độ thấp. Gieo muộn hơn vào tháng 3 – 4, thời gian sinh trưởng bị rút ngắn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dược liệu dừa cạn sau này.
Kỹ thuật làm đất
- Dừa cạn ưa đất cát pha, đất phù sa, chịu hạn nhưng kém chịu úng.
- Đất sau khi được chọn, cày bừa kỹ, làm sạch cỏ trước khi gieo trồng. Chia đất thành từng luống rộng 80 – 90 cm, lên luống cao 20 – 25 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm.
Mật độ, khoảng cách trồng
- Mật độ 110.000 cây/ha.
- Khoảng cách trồng 30 x 30 cm.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón phân
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục và supe lân. Bón vào hốc hoặc bón theo rạch.
Bón thúc: Toàn bộ phân đạm urê. Bón làm 2 – 3 lần.
- Lần thứ nhất tiến hành sau khi cây bén rễ.
- Các lần sau cách nhau 25 – 30 ngày cho đến khi cây bắt đầu ra hoa. Tùy tốc độ sinh trưởng của cây, có thể bón thúc thêm phân kali trước khi cây ra hoa.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Khi cây có 3 – 4 đôi lá thật (từ 40 – 45 ngày sau khi gieo) được bứng đi trồng. Tưới nước đủ ẩm ngay sau khi trồng và duy trì đến khi cây bén rễ, hồi xanh. Có thể gieo thẳng theo rạch hoặc gieo vãi nhưng cách trồng này tốn công chăm sóc hơn.
Chăm sóc:
Cần làm cỏ, xới đất, vun gốc, kết hợp với bón thúc. Mặc dù dừa cạn là cây chịu hạn nhưng cũng phải giữ đủ ẩm thường xuyên. Chú ý tháo nước khi gặp mưa lớn.
Phòng trừ sâu bệnh
Dừa cạn ít bị sâu bệnh phá hại. Chủ yếu chỉ có sâu xám (Agrotis ipsilon) gây hại ở giai đoạn khi mới trồng. Đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ như sau:
Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo
hai bên thân có những chấm đen mờ.
Biện pháp phòng trừ
- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.
- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.
- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 – 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 – 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết.
- Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (ví dụ Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày.
Thu hoạch, chế biến và bảo quản
Thu hoạch: Dược liệu thu sau khi trồng từ 3 – 4 tháng. Thu hái lá trước khi cây có hoa. Thu hoạch hạt giống: Khi quả chín có màu nâu nhạt.
Sơ chế:
- Lá phơi hay sấy khô. Trung bình 1 ha thu được 1 – 1,2 tấn lá khô/ lứa.
- Thu rễ, rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy 50oC tới khô. Sau khi thu quả cho vào nong, nia phơi 1 – 2 nắng, hạt dừa cạn tự tách khỏi vỏ, đập hoặc vò đều cho vỏ tách hết hạt và sàng sẩy loại bỏ tạp chất và hạt lép, phơi tiếp 1 nắng nữa cho đến khi độ ẩm dưới 12 %. Mỗi ha có thể thu 100 – 120 kg hạt giống.
Bảo quản: Dược liệu sau khi sơ chế cho vào bao nilon, để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.