Sâm cau, hay còn được biết đến với tên khoa học là Curculigo orchioides, là một loại cây dược liệu có giá trị cao, thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Dưới đây là thông tin chi tiết về sâm cau và các kỹ thuật liên quan đến việc trồng và chăm sóc loại cây này.
Mục lục
Sâm cau được liệt kê trong sách đỏ cần được bảo tồn
Cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) là một loài thảo dược sống lâu năm thuộc họ Hạ trâm (Hypoxidaceae) thường phân bố ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam,Trung Quốc, Ấn Độ, …. Đây là một loại thảo dược có giá trị cao trong y học cổ truyền của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam.
Các nghiên cứu về thành phần hoá học cho thấy, cây Sâm cau (C. orchioides) có chứa glycoside, alkaloid, saponin, triterpenoid, flavone và polysaccharide, … Với thành phần hoạt chất phong phú này, Sâm cau đã được sử dụng rộng rãi trong y học bản địa các nước nhằm bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ gan, chống oxy hóa, chống ung thư. Sâm cau cũng đã được sử dụng để tăng cường trí nhớ, an thần, bảo vệ thần kinh, điều trị loãng xương, chống đái tháo đường.
Chiết xuất rễ củ cũng được sử dụng như một loại thuốc bổ để khắc phục chứng bất lực, liệt dương, rối loạn tiết niệu; vàng da; hoạt động chống hoại tử và hoạt tính kháng khuẩn[1].
Với tác dụng và tiềm năng to lớn của loài cây thảo dược này trong y dược học, cây Sâm cau đã và đang bị khai thác quá mức dẫn đến tình trạng ngày càng cạn kiệt và nhiều nơi đã biến mất hẳn. Vì vậy, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Việt Nam đã đưa cây Sâm cau vào danh mục của sách đỏ cần được bảo vệ ở mức nguy cấp (mức EN, phân hạng VU A1c,d)[2].
☛ Tìm hiểu chi tiết: Sâm cau và công dụng
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây Sâm cau
Nhiều đề tài khoa học đã nghiên cứu đặc điểm thực vật học và đánh giá hoạt tính sinh học của cây Sâm cau để từ đó có những kỹ thuật trồng nhân giống cây này.
Các đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây sâm cau như sau:
Đặc điểm sinh trưởng
Cây sâm cau có rễ củ hình trụ, nằm ẩn dưới mặt đất, mặt ngoài sần sùi có màu vàng nâu đậm, mặt cắt màu kem. Các lá đơn thuôn dài hình mũi mác, có phủ lông trên bề mặt và cuống lá có màu xanh hoặc xanh tím.
Hoa có màu vàng tươi, mọc thành cụm dưới bẹ lá từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm; sau đó sẽ tạo thành các quả nang, màu trắng xốp, chứa từ 2 – 14 hạt.
Cây sinh trưởng tốt trong mùa mưa ẩm, phần thân rễ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất, hoa quả hàng năm, khi già tự mở để hạt phát tán ra xung quanh.
☛ Tham khảo chi tiết: Hình ảnh nhận dạng cây sâm cau
Phân bố
Trên thế giới, Sâm cau phân bố ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một vài nước khác ở Đông Nam Á. Ở nước ta, mọc phổ biến ở miền Bắc, có gặp từ Hà Tây (nay là Hà Nội) vào tới Lâm Đồng.
Trước năm 1980, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình thường khai thác được nhiều cây thuốc này và hiện nay trở nên hiếm dần. Gần đây, cây được đưa vào Danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam.
Cụ thể, theo thu thập thì vùng phân bố cây Sâm cau chủ yếu phân bố ở khu rừng lá rộng thường ở độ cao 700 – 1.200 m. Cây cũng có thể phân bố dưới tán rừng thông tại vùng núi thấp, nơi chuyển tiếp từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng ven biển.
Chúng mọc sát ngay bề mặt đất nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí; thậm chí ngay trên lớp thảm mục của rừng đang phân huỷ. Điều tra điểm khảo sát cho thấy loài Sâm cau phân bố rải rác với số lượng rất ít.
Điều này cho thấy, Sâm cau là loại cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên những nơi đất còn tương đối màu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven nương rẫy.
Mục tiêu và lợi ích của việc trồng cây Sâm cau
Mục tiêu của việc trồng Sâm cau không chỉ nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc chế biến thuốc Đông y mà còn góp phần bảo tồn một loài thực vật quý hiếm đang dần bị suy giảm do quá trình thu hái tự nhiên. Lợi ích của việc trồng Sâm cau còn thể hiện ở việc tạo ra cơ hội kinh doanh cho các hộ nông dân, đồng thời góp phần vào việc phát triển bền vững ngành dược liệu.
Ngoài ra, việc trồng Sâm cau còn giúp bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì cân bằng sinh thái ở những khu vực trồng trọt.
Kỹ thuật trồng cây sâm cau
Trước thực trạng này, công ty TNHH Tuệ Linh đã tiên phong phát triển một vùng trồng Sâm cau rộng 3 ha ở vùng núi Tây Bắc nhằm bảo vệ loại thảo dược quý này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng đang cận kề áp sát. Xem video bên dưới để rõ.
Sâm cau được nhân giống bằng hạt hoặc bằng mầm. Người dân thường đánh cây con mọc hoang về trồng. Tuy nhiên về kỹ thuật trồng sâm cau thì không phải ai cũng biết.
Cùng xem các kỹ thuật trồng sâm cau cần lưu ý:
Chọn giống
Thông thường người dân thường đánh cây con mọc hoang về trồng. Cách này cần chú ý là rễ sâm cau hình trụ, ăn sâu, khi đánh chú ý dào sâu lấy hết rễ. Nên đánh khi cây còn nhỏ.
Cùng là sâm cau nhưng với vị trí thổ nhưỡng khác nhau cũng cho chất lượng sâm cau khác nhau. Hiện tại cũng có nhiều nghiên cứu khoa học tối ưu hóa chất lượng giống sâm cau. Như nhân giống in vitro, nuối cây mô sau đó nhân giống với số lượng lớn.
Việc nhân giống này rất quan trọng. Thực tế có nhiều nghiên cứu khoa học[3],[4] đã phát triển nguồn giống sâm cau theo mô hình in vitro để áp dụng nhân giống với số lượng lớn. Các nghiên cứu này cũng có những đánh giá kết luận các hóa chất và môi trường phù hợp sử dụng trong nuôi cấy in vitro loài Sâm cau phù hợp nhất cho sinh trưởng của cây con trong vườn ươm.
Tiêu chuẩn cây giống sâm cau:
- Chiều cao: khoảng 15 cm.
- Số lá: trên 3 lá.
- Đường kính thân: trên 0,6 cm.
- Trạng thái: sinh trưởng khỏe mạnh, lá xanh đậm, không biểu hiệu sâu bệnh hại.
- Tuổi: khoảng 60 ngày sau giâm.
Từ những giống sâm cau này chúng ta có thể đem trồng trong môi trường tự nhiên với chăm sóc và thời vụ như bên dưới.
Thời vụ trồng
Sâm cau có thể trồng vào mùa mưa từ tháng 4 – 9 hàng năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa (tháng 5 – 6). Các mùa khác cũng trồng được nhưng phải chăm sóc nhiều hơn.
Chuẩn bị đất và vị trí trồng
Vùng trồng Sâm cau của công ty TNHH Tuệ Linh
Sâm cau sống rất khỏe, lá xanh tốt quanh năm, vì thế có thể trồng trong chậu, trong bồn như cây xanh. Tuy nhiên sâm cau thường được trồng theo vùng canh tác với quy mô lớn.
Nều trồng canh tác với quy mô lớn thực hiện như sau:
- Dùng cuốc để tạo hố hoặc rãnh rộng để đặt cây. Cây cần được đặt thẳng đứng, lấp đất nhẹ nhàng quanh gốc và nén chặt, nhưng không nên lấp đất quá cao để tránh làm hại ngọn cây. Sau khi trồng khoảng 4 – 5 ngày, nếu không có mưa, cần tưới nước cho cây.
- Khi đào hố, hình dạng và khoảng cách giữa các hố nên là 20cm x 25cm hoặc 30cm x 40cm. Nếu có đá, cần lượm bỏ để tránh cản trở sự phát triển của rễ.
- Đất trồng cần được bón phân lót để tạo độ tơi xốp, và cần được xới xáo định kỳ cùng với việc bón thêm phân.
Kỹ thuật chăm sóc cây
Cây Sâm cau sinh trưởng tốt trong điều kiện như sau:
- Được che nắng bằng lưới cắt nắng 50%
- Tưới với lượng nước 800 mL/cây/ngày để duy trì độ ẩm cho cây
- Làm cỏ kết hợp bón phân và phòng trừ bệnh trên lá vào mùa mưa.
- Và cần được bón phân định kỳ.
Chăm sóc cây
Trong quá trình chăm sóc cần:
- Phát dọn dây leo, cỏ dại xâm lấn: Làm cỏ 2 – 3 lần trong năm trên toàn bộ diện tích.
- Xới đất xung quanh cây
- Vun gốc để phần củ không bị nhô ra khỏi mặt đất.
- Không làm tổn thương đến cây đặc biệt bộ phận cây đang sinh trưởng dưới mặt đất.
Bón phân
Đối với việc bón phân bao gồm bón lót khi bắt đầu trồng và kéo dài trong quá trình sinh trưởng là thêm 4 lần bón thúc. Cụ thể các lần bón như sau:
- Bón lót: 3 tấn hữu cơ vi sinh + 500 kg vôi bột + 300 kg Supe lân. Vôi bột nên được rải đều trên toàn bộ diện tích, sau đó bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và phân lân.
- Bón thúc lần 1: 100 kg ure + 50 kg kali clorua sau trồng 1-2 tháng.
- Bón thúc lần 2: 100 kg ure + 100 kg kali clorua vào tháng 7-8 (năm thứ 2)
- Bón thúc lần 3: 100 kg ure + 350 kg supe lân + 50 kg kali clorua vào tháng 5-6 (năm thứ 2).
- Bón thúc lần 4: 100 kg ure + 150 kg kali clorua vào tháng 7-8 (năm thứ 2).
Khối lượng phân bón trên dành cho đơn vị diện tích 1 ha. Bón phân xong tưới nước cho phân tan tránh làm tổn thương lá và rễ.
Ngoài ra, cây Sâm cau khá khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, vì vậy hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vât và giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận cao.
Phòng trừ sâu bệnh
Nhìn chung, cây Sâm cau khá khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, vì vậy hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vât và giảm chi phí sản xuất, mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý sâm cau có thể bị gây hại bởi bệnh đốm nâu ở lá do nấm Curvularia sp và bệnh đốm lá do nấm Phoma sp gây ra vào tháng 6 – 8.
- Bệnh đốm nâu có vết bệnh trên lá ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu nhạt sau đó phát triển thành các vết bệnh bầu dục màu nâu đậm hơn, sau vết bệnh có màu đen.
- Bệnh đốm lá vết bệnh lúc đầu hình bầu dục hoặc hình sợi dài, màu nâu về sau vết bệnh lan rộng ra và có màu nâu đỏ, hơi lõm vào trong vỏ, trên đó có các hạt nhỏ màu đen đó là các bào tử.
Phòng trừ bệnh bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma bón trực tiếp vào xung quanh gốc cây, liều lượng bón từ 4 – 8kg/1.000m2 và có thể tỉa bỏ bớt các lá bị bệnh, tạo độ thoáng cho cây.
Thu hoạch
Sâm cau có thể thu hoạch sau 2 năm trồng hoặc lâu hơn. Thời gian thu hoạch thân rễ quanh năm, tốt nhất vào cuối năm từ tháng 9 – 12, khi cây đã vàng úa, tàn lụi, lá khô, thu hoạch lúc này đảm bảo hàm lượng hoạt chất của cây có thể được tích lũy ở mức cao nhất.
Chuẩn bị ruộng trước thu hoạch: Ruộng trước thời điểm thu hái ít nhất 1 tuần phải đảm bảo không được tưới nước đẫm vì có thể gây bẩn dược liệu, cây hút nước nhiều sẽ làm độ ẩm cao. Sau khi thu hoạch chưa kịp xử lý rất dễ bị hỏng và việc phơi sấy cũng tốn thời gian và nhiên liệu. Nên chọn ngày mát để thu hoạch.
Thu hoạch: Dùng cuốc, thuổng đào bới xung quanh để lấy củ và rễ. Tránh làm xây xát và gẫy củ. Đào và nhổ cả cây, giũ bỏ bớt đất cát, sau đó cắt bỏ phần lá, chỉ dùng phần củ.
Vận chuyển: Thân rễ tươi được vận chuyển bằng xe cơ giới. Xe vận chuyển không được dùng chung với các loại xe chở phân bón, thuốc trừ sâu, gia súc gia cầm và các loại khác có nguy cơ gây bẩn dược liệu. Phương tiện vận chuyển được rửa sạch trước khi sử dụng cho việc vận chuyển.
Link tham khảo và trích dẫn:
- [1] Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật,tập II, tr.693.
- [2] Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2007), Sách Đỏ Việt Nam, phần II- Thực vật, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, tr.396-397.
- [3] Nghiên cứu nhân giống in vitro cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn.) từ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng [https://b.vjst.vn/index.php/ban_b/article/view/682] [https://tracuuduoclieu.vn/nghien-cuu-nhan-giong-in-vitro-cay-sam-cau-curculigo-orchioides-gaertn-tu-nuoi-cay-dinh-sinh-truong.html]
- [4] Xây dựng quy trình canh tác cây Sâm cau giống nuôi cấy mô [https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS5/xay-dung-quy-trinh-canh-tac-cay-sam-cau-giong-nuoi-cay-mo-ecdcccb9-a65e-4bd4-ba32-1ebc8f4acb6d]