Đảng sâm là cây của vùng cận nhiệt đới, được ghi nhận ở Trung Quốc, Myanma, Ấn Độ, Lào, Việt Nam và Nhật Bản. Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, phân bố tập trung nhất ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.
Mục lục
Đặc điểm sinh học
Đặc điểm thực vật
- Đảng sâm là cây thân thảo, leo bằng thân quấn. Thân leo dài 2 – 3 m, phân nhánh nhiều.
- Lá mọc đối, hình tim, mép nguyên, lượn sóng hoặc hơi khía răng cưa, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới có lông nhung trắng.
- Hoa mọc riêng rẽ ở kẽ lá, cuống dài 2 – 6 cm, đài gồm 5 phiến hẹp, tràng hình chuông màu trắng, chia 5 thuỳ, nhị 5.
- Quả nang hình cầu có 5 cạnh mờ, đầu trên có một núm nhỏ hình nón, khi chín màu tím hoặc đỏ. Hạt nhiều màu vàng nhạt.
- Rễ phình thành củ hình trụ dài, đường kính 1,5 – 2,0 cm, phía trên to, phía dưới có phân nhánh, màu vàng nhạt.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Rễ củ.
Công dụng: Rễ củ đảng sâm được dùng làm thuốc chữa tỳ vị kém, phế khí hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, ốm lâu ngày, cơ thể suy nhược… Ngoài ra còn được dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu tiện, chữa ho tiêu đờm.
- Ngày dùng từ 20g đến 40g, dạng thuốc sắc, viên hoàn, bột, ngâm rượu.
Kỹ thuật trồng trọt
Chọn vùng trồng
Cây đảng sâm chủ yếu sinh trưởng tốt ở vùng trung du và miền núi, có độ cao từ 400 m trở lên so với mặt nước biển.
Chọn đất nơi cao ráo, nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước, có nhiều chất dinh dưỡng. Các triền đồi thoải, ruộng bậc thang hay chân ruộng cao là thích hợp nhất. Các loại đất khác có thể trồng được nhưng năng suất thấp. pH thích hợp cho cây phát triển từ 5,5 – 6,5.
Giống và kỹ thuật làm giống
Đảng sâm trồng ở Việt Nam hiện nay có 2 loại:
- Lộ đảng sâm Codonopsis pilosula do Viện Dược liệu di thực từ Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay còn rất ít.
- Đảng sâm Codonopsis javanica là giống mọc hoang có sẵn ở Việt Nam, Viện Dược liệu đã tiến hành thuần hoá trồng thành công tại trạm nghiên cứu cây thuốc Sa Pa – Lào Cai.
Quy trình này chỉ áp dụng cho loài đảng sâm Codonopsis javanica:
- Đảng sâm có thể nhân giống hữu tính bằng hạt. Ngoài ra có thể nhân giống vô tính bằng mầm của đầu rễ (khi cần thiết).
- Lượng hạt dùng để gieo cho 1ha là 2,5 – 2,7 kg.
- Sử dụng hạt của cây 2 – 3 năm tuổi để làm giống. Không dùng hạt của cây trồng 1 năm tuổi vì chất lượng thấp. Nên dùng hạt mới thu hoạch, chọn hạt già, chắc, có tỷ lệ mọc cao từ 75 % trở lên.
Diện tích vườn ươm để trồng 1ha là 300 – 400m2
Kỹ thuật làm giống:
- Làm đất vườn ươm: Cần chọn đất tơi xốp, bằng phẳng, ít sỏi đá, thuận tiện tưới tiêu, làm sạch cỏ, cày hoặc cuốc sâu 30 cm. Phơi ải, bừa kỹ.
- Lên luống: Lên luống cao 30 cm, rộng 80 – 90 cm, dài tùy ruộng.
- Phân bón: Bón lót 10 tấn phân chuồng hoai mục + 150 kg phân lân + 100 kg phân KCl cho 1 ha vườn ươm. Trộn đều các loại phân, rải trên mặt luống, xáo nhẹ và san phẳng mặt luống để lấp phân. Khi cây cao 7 – 10 cm, có 5 – 6 lá, bón thúc 50 – 60 kg urê/ha pha loãng.
- Gieo hạt: Hạt được đãi sạch, trộn đều đất bột khô, chia đều cho các luống, gieo làm 3 lần, lấp đất dày 1 – 2 cm và phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên mặt luống.
- Chăm sóc vườn ươm: Luôn tưới và giữ ẩm, nếu không mưa hàng ngày tưới 1 lần vào buổi chiều mát.
Hạt mọc sau 10 – 15 ngày, chọn ngày không mưa bỏ rơm rạ tưới ẩm thường xuyên, làm cỏ tỉa loại bớt cây bị sâu hại, định kỳ 15 – 20 ngày tưới phân đạm pha loãng 2 – 3%.
Tiêu chuẩn cây giống:
- Cây được 5 – 6 lá thật, tỉa bớt cây để khoảng cách cây 3 – 5 cm.
- Cây được 9 – 10 lá (khoảng 3 tháng tuổi) chọn cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh đánh trồng ra ruộng sản xuất.
- Khi đánh cây tránh làm xây sát và đứt rễ củ.
Thời vụ trồng
Mỗi năm có thể gieo trồng 2 thời vụ:
- Thời vụ 1: Gieo hạt vào mùa xuân (tháng 2 – đầu tháng 3) và đánh cây con trồng vào tháng 5 – 6.
- Thời vụ 2: Gieo hạt vào mùa thu (tháng 9 – 10) và đánh cây con trồng vào tháng 2 – 3.
Kỹ thuật làm đất
Đất sau khi được chọn cày sâu 30 cm, phơi ải, bừa kỹ, dọn sạch cỏ. Lên luống cao 30 cm, rộng 60 – 70 cm, chiều dài tùy ruộng.
Đất ở vùng đồi có độ dốc vừa phải thì có thể trồng theo từng vạt nhỏ, đất có độ dốc lớn cần trồng theo đường đồng mức. Bổ hốc với khoảng cách 20 x 40 cm.
Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy loại đất đai để bố trí mật độ khoảng cách trồng thích hợp:
- Đất tốt trồng mật độ 83.000 cây/ha với khoảng cách 30 x 40 cm.
- Đất xấu trồng mật độ 125.000 cây/ha với khoảng cách 20 x 40 cm.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón
- Bón lót: ½ lượng phân hữu cơ + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali, trộn đều bổ theo hốc sau đó lấp đất lại.
- Sau khi thu hạt năm thứ nhất, cây bắt đầu lụi. Vào tháng 1 năm sau bón phân năm thứ 2 gồm ½ lượng phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali.
- Phân đạm được chia đều cho 2 năm, định kỳ mỗi năm bón 3 – 4 lần vào các tháng thứ nhất, 3, 6 và tháng 9, kết hợp với các lần làm cỏ xới xáo, mỗi lần 50 – 60 kg/ha (1,85 – 2,22 kg/sào Bắc bộ). Tháng thứ 7, 8 năm thứ 2 tiếp tục bón lượng kali còn lại.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Khi cây con đạt tiêu chuẩn, đánh cây trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Đặt rễ cây thẳng đứng, lấy tay lấp đất và ấn chặt gốc. Trồng xong cần tưới ngay. Nên trồng vào chiều mát, sau 5 – 7 ngày cây bắt đầu bén rễ hồi xanh.
Chăm sóc:
Năm thứ nhất: Định kỳ 30 ngày chăm sóc 1 lần, làm sạch cỏ, kết hợp với bón đạm, lượng đạm mỗi năm 200 – 250 kg/ha urê được chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng. Tháng 7, 8 khi cây chuẩn bị ra hoa, bón bổ sung ¼ lượng kali (100kg KCl) /ha. Cuối mùa đông cây lụi, cắt bỏ phần thân leo, vệ sinh đồng ruộng.
Năm thứ 2: Sang mùa xuân năm thứ 2 khi cây bắt đầu mọc trở lại bón thúc 10 tấn phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng kali. Trộn đều vùi quanh gốc kết hợp với làm cỏ vun gốc. Lượng đạm còn lại chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng kết hợp với làm cỏ. Tháng 7, 8 năm thứ 2 tiếp tục bón lượng
kali còn lại.
Kỹ thuật tưới tiêu nước:
Cây đẳng sâm thường trồng ở trung du và miền núi, cần đảm bảo nước tưới khi ở vườn ươm và lúc mới trồng đến bén rễ hồi xanh. Còn trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây chủ yếu là nhờ nước tự nhiên. Ở những nơi chủ động tưới tiêu có thể tưới khi cây gặp khô hạn.
Làm giàn cho cây leo:
Cây đảng sâm dài 15 – 20 cm bắt đầu cần làm giàn leo, dùng cây sặt, hoặc tre làm giàn cắm chéo hình chữ A để 2 hàng đảng sâm leo chung.
Phòng trừ sâu bệnh
Đảng sâm thường bị các loại sâu bệnh hại sau:
Sâu xám (Agrotis ipsilon) Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ.
Biện pháp phòng trừ
- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.
- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.
- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 – 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 – 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết.
- Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (ví dụ Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày.
Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Tiến hành thu hoạch vào cuối mùa đông năm thứ 2, khi cây vàng lụi. Trước khi thu hoạch cần phá bỏ giàn leo, cắt toàn bộ phần thân lá trên mặt đất, dùng cuốc thuổng đào sâu, tránh sây sát, đứt
rễ củ.
Sơ chế: Rễ thu về được rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, độ ẩm <12%.
Bảo quản: Khi đẳng sâm khô, đạt tiêu chuẩn, bảo quản trong bao nilon, bên ngoài bọc bao tải dứa hoặc các loại bao tải chống ẩm khác, để nơi khô ráo không được ẩm ướt. Khi bảo quản trong kho để trên giá hoặc kệ cao cách mặt đất ít nhất 5cm, Đảng sâm ít bị mối mọt.