Kim ngân có nguồn gốc ở vùng Đông Á, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Ở Việt Nam, chi Lonicera L. có khoảng 10 loài, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi và trung du phía bắc, như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây… Cây được trồng ở một số gia đình vừa làm cảnh, vừa lấy hoa làm thuốc.
Đặc điểm chung
Đặc điểm thực vật
- Cây leo bằng thân quấn, cành non có lớp lông bao phủ gồm long đơn ngắn và long tuyến có cuống, sau nhẵn, màu hơi đỏ có vân.
- Lá mọc đối, hơi dày, hình lưỡi mác, trái xoan, dài 4 – 7 cm, rộng 2 – 4 cm, gốc tròn, đầu nhọn; cuống lá dài 5 – 6 mm, có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ các lá tận cùng thành xim hai hoa; lá bắc giống các lá con hình mũi mác, lá bắc con tròn có lông thưa ở mép; đài 5 răng mảnh, đôi khi không bằng nhau, có lông; tràng màu trắng sau chuyển sang màu vàng, có lông mịn và lông tuyến ở ngoài, thơm, ống tràng dài 1,8 – 2,0 cm, môi dày 1,5 – 1,8 cm, nhị 5 thò ra ngoài, đính ở họng tràng, chỉ nhị nhẵn, bao phấn đính lưng, bầu nhẵn.
- Quả hình cầu, màu đen. Mùa hoa tháng 3 – 5, mùa quả tháng 6 – 8.
Một số loài khác đôi khi cũng được sử dụng như kim ngân lông (Lonicera cambodiana PD.), kim ngân lẫn (Lonicera confuse DC.), kim ngân hoa to (Lonicera macrantha DC.).
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Cành và lá hoặc nụ hoa có lẫn một số hoa phơi hoặc sấy khô.
Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc.
- Kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mày đay, lở ngứa ban sởi, tả, lỵ, ho do phế nhiệt.
- Dựa trên kết quả thực nghiệm, kim ngân đã được ứng dụng điều trị thấp khớp, viêm mũi dị ứng và bệnh dị ứng khác.
- Ngày dùng 4 – 6 g hoa hay 10 – 16 g cành lá dưới dạng thuốc sắc, hãm, cao, rượu thuốc hoặc hoàn tán.
Ở Trung Quốc, kim ngân được dùng từ lâu đời như một loại thuốc hạ sốt, làm dễ tiêu và trị lỵ. Hoa phơi khô dùng để lợi tiểu. Ngoài ra, kim ngân còn có tác dụng cải thiện chuyển hoá chất béo trong bệnh tăng lipid máu, sau khi uống thuốc các ester trong huyết thanh giảm. Nước cất nụ hoa kim ngân (kim ngân hoa lệ) được dùng
tiêm để điều trị bệnh nhiễm khuẩn.
Kỹ thuật trồng trọt
Chọn vùng trồng
Kim ngân thích nghi với nhiều vùng khí hậu và đất đai khác nhau. Có thể trồng được ở miền núi, trung du và đồng bằng. Những nơi có khí hậu mát mẻ và ôn hoà là thích hợp nhất đối với kim ngân.
Có thể trồng kim ngân trên nhiều loại đất, đất hơi chua độ pH 5,0 – 6,0, đất nhiều mùn và những vùng cao nguyên, trung du dễ thoát nước cây sinh trưởng tốt, có sản lượng hoa và cành rất cao.
Giống và kỹ thuật làm giống
Cây giống kim ngân chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp nhân giống vô tính, hom giống được cắt từ thân, cành bánh tẻ hoặc tỉa chồi.
Nhân giống bằng hom:
- Cắt lấy đoạn thân bánh tẻ dài 15 – 20 cm làm hom giống. Có thể giâm hom trực tiếp trên ruộng đã làm luống sẵn hoặc giâm vào bầu đất.
- Đặt cành giâm nghiêng 45o, cắm sâu 1/2 cành giâm xuống dưới lớp giá thể, nhưng phải đảm bảo có ít nhất 1 mắt ngủ ở trên và 1 mắt ngủ ở dưới lớp giá thể thì cành giâm mới ra rễ và bật chồi được.
- Sau khi giâm 7 – 10 ngày, cành giâm bắt đầu xuất hiện rễ và bật mầm.
- Sau 1 tháng là cành giâm có đủ rễ và mầm, đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Tùy điều kiện thời tiết, khí hậu khi giâm thời gian xuất vườn cũng có thể kéo dài hơn. Nếu trong thời gian giâm cành gặp điều kiện bất lợi như quá nóng, quá lạnh hoặc thời tiết hanh khô hay quá ẩm ướt, đều làm ảnh hưởng tới tỷ lệ cành giâm phát triển thành cây con và thời gian xuất vườn của cành giâm.
- Để tăng khả năng ra rễ của cành giâm, có thể nhúng nhanh phần gốc hom giâm vào dung dịch chất điều tiết sinh trưởng như: α – NAA, IBA, IAA ở nồng độ 2.000 – 4.000 ppm trong vài giây.
Thời vụ giâm hom từ tháng 8 – tháng 10 hàng năm. Giâm hom vào bầu hoặc giâm vào cát, khi cây ra rễ đem trồng. Phương pháp này giảm chi phí công chăm sóc và làm cỏ.
Nhân giống bằng tỉa chồi:
Phương pháp này ít được áp dụng, vì khi đánh chồi nụ hoa đang nở, làm ảnh hưởng đến cây mẹ và có thể cây sẽ không ra hoa cho năm kế tiếp và lượng giống thấp.
Thời vụ trồng
Có hai thời vụ trồng chính.
- Miền Bắc: Thường trồng vào tháng 9 – 11 hoặc tháng 2 – 3.
- Miền Nam và Tây Nguyên: Trồng vào tháng 4 – 5 hoặc tháng 9 – 10.
Kỹ thuật làm đất
Kim ngân thích nghi với nhiều loại đất và khí hậu khác nhau, tuy nhiên trồng ở vùng đất màu mỡ cây sinh trưởng tốt, sản lượng cao. Trồng trên đất bạc màu, cây sinh trưởng kém, sản lượng thấp.
Kim ngân có khả năng phát triển khá mạnh, là cây chống xói mòn đất nên phần lớn người ta thường trồng kim ngân ở đất đồi, dốc hoặc ruộng bậc thang.
Kỹ thuật làm đất:
- Nếu trồng ở vùng đồng bằng hoặc nơi đất bằng phẳng, trồng kim ngân theo luống Chọn vùng đất cao thoát nước tốt, đất có nhiều mùn. Lên luống rộng 1,2 – 1,3 m, chiều cao từ 30 – 40 cm.
- Ruộng có độ dốc lớn 25 – 40oC cần đào hốc trồng cây với mật độ định sẵn theo đường đồng mức để tránh xói mòn.
Mật độ, khoảng cách trồng
- Mật độ 28.500 cây/ha.
- Khoảng cách trồng 50 x 70 cm.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + toàn bộ lượng phân hữu cơ vi sinh. Trộn đều và chia ra bón theo hốc đã định sẵn khoảng cách.
Bón thúc: Chia làm 2 lần bón/năm.
- Bón lần 1: Sau trồng 40 – 45 ngày, bón 50% lượng phân NPK.
- Bón lần 2: Bón sau khi thu hoạch hoa và thân cành tuỳ thuộc vào vùng sinh thái – thường bón vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm. Bón lượng phân NPK thúc còn lại. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam sẽ bón theo mùa do phụ thuộc vào mùa mưa hàng năm, thường bón đầu mùa mưa và bón sau
khi mùa mưa kết thúc.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng:
Có thể dùng hom thân trồng trực tiếp như phần làm giống. Tuy nhiên, phương pháp này tốn nhiều công chăm sóc vì thời gian từ khi giâm đến khi cây ra rễ và phát triển khá dài, cần thường xuyên cung cấp đủ nước cho ruộng để cây nhanh ra rễ. Tỷ lệ sống không cao, chất lượng cây không đều, tốn nhiều giống và phải mất công trồng dặm cây cho đủ mật độ.
Trồng cây đã ra rễ trong bầu hoặc trong vườn ươm:
- Trước khi đem trồng nên tưới ẩm cây giống ở bầu và vườn ươm, xé bỏ túi nilon, đảo đều phân với đất trong hốc, trồng ngập đếm miệng bầu.
* Lưu ý: cây trồng cần cao hơn mặt luống tránh mưa ngập, làm cho cây sinh trưởng và phát triển kém, dễ bị chết do bị nấm bệnh xâm hại.
- Đào hốc cách nhau 50 x 70 cm; mỗi luống trồng 2 hàng theo kiểu nanh sấu, trồng cách mép luống 25 – 30 cm (để làm giàn cho cây leo).
- Sau khi trồng tưới đủ ẩm cho cây từ 1 – 2 lần, tạo điều kiện cho cây nhanh bén rễ. Thông thường đối với vùng đồi núi nên trồng vào mùa mưa.
Chăm sóc:
- Trồng kim ngân lấy hoa: cần phải làm giàn cho cây. Là cây có phần thân cành rất phát triển nên sử dụng vật liệu làm giàn cần lựa chọn cọc tre hoặc vật liệu bền.
- Sau khi trồng được 30 – 45 ngày bắt đầu làm giàn cho cây kim ngân, nên làm giàn kiểu chữ A, giàn có thể sử dụng được 1 – 2 năm và dễ chăm sóc cũng như thu hoạch.
- Trồng kim ngân lấy thân cành: Không cần làm giàn để dễ thu hoạch. Thường làm cỏ vun xới cho kim ngân vào trước các đợt bổ sung phân cho cây và sau các đợt thu hoạch tỉa thân cành.
- Để đạt được năng suất hoa cũng như thân cành cao kim ngân thường xuyên đốn tỉa cắt thân cành hàng năm, thông thường sau khi kết thúc thu hoạch hoa vào tháng 11 – 12 hàng năm.
Nên chọn thời điểm bón phân cho cây khi đất còn ẩm hoặc có mưa nhỏ. Bón phân cho kim ngân nên rắc đều phân xung quanh gốc, sau mỗi lần bón nên hót đất lấp phân và cung cấp nước cho cây giúp cây hấp thụ phân bón cao tránh thất thoát.
Có thể sử dụng các loại phân bón qua lá hoặc các phân vi lượng giúp tỷ lệ ra hoa cao. Thường phun trên cây vào trước thời gian phân hóa mầm hoa vào các tháng 2 – 3 hàng năm. Loại phân bón lá sử dụng thường có hàm lượng kali cao hoặc dùng phân K2SO4 phun ướt đều thân lá.
* Lưu ý: Nếu sản phẩm thu hoạch là hoa thì cắt tỉa cành già đã ra hoa vụ trước, thường tỉa vào cuối năm tháng 11 – 12; Nếu sử dụng thân, lá kim ngân, thu hoạch quanh năm nhất là mùa thu, mùa xuân và trước mùa mưa.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây kim ngân chủ yếu bị các loại sâu ăn lá (sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá) phá hại. Cần kiểm tra ruộng kim ngân thường xuyên để phát hiện sâu kịp thời. Ở các ruộng trồng kim ngân với diện tích nhỏ, biện pháp tốt nhất là cắt và hủy bỏ tất cả các lá có trứng và các ổ sâu non.
Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ sau: Hoạt chất Abamectin (Ví dụ Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC); Chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP). Hiệu quả phòng trừ tốt nhất khi phun thuốc ở giai đoạn sâu non tuổi nhỏ.
* Lưu ý: Ở những ruộng trồng kim ngân nhiều năm với diện tích lớn, cần chủ động phun phòng trước khi ra hoa vào tháng 4 – 5 và tháng 7 – 9, tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn trên nhãn mác.
Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Cây kim ngân có thể sử dụng thân lá hoặc hoa tùy thuộc vào mục đích của người trồng để đưa ra thời điểm thu hái thích hợp.
- Thu thân lá: Sau trồng 45 – 60 ngày có thể thu được lứa hái đầu tiên, cắt cành cách mặt đất 29 – 30 cm, cắt nhỏ dài 1,5 – 2,0 cm.
- Thu hoa: Thời vụ thu hoạch thường cuối tháng 5 đầu tháng 6 (ở miền Bắc), từ lúc cây có nụ đến lúc cây ra hoa tập trung trong khoảng 15 ngày. Tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ mà có sự xê dịch, nếu thời tiết có nhiệt độ cao thì hoa nở nhanh, nếu nhiệt độ thấp hoa nở chậm. Cây trồng vào tháng 9 – tháng 11, cây có thể cho ra 1 – 2 lần hoa; Nếu trồng ở vùng trung du, miền núi và Tây nguyên (có độ cao trên 500 m so với mặt nước biển) vào tháng 2 – 3 cây ra hoa 1 lần vào tháng 7 – 8 và kéo dài tới tháng 9 – 10.
Sơ chế:
Sau khi thu hoạch hoa phơi nắng nhẹ, hoặc phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió, hay sấy nhẹ, rải mỏng. Phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ <40oC để giữ nguyên màu sắc hoa, chất lượng hoa sẽ cao hơn, ngược lại hoa bị đen giảm chất lượng. Lưu ý, phơi hoa hoặc sấy kim ngân không được đảo nhiều, nhất là khi hoa còn tươi, để tránh làm dập hoa, làm đen màu của hoa và giảm chất lượng hoa.
Kim ngân lấy thân cành cần được cắt ngắn 3 – 4 cm phơi hoặc sấy khô đến khi đạt độ ẩm <12%. Lò sấy kim ngân nên thiết kế nhiều tầng (khoảng 5 – 6 tầng), nhiệt độ thích hợp để sấy hoa từ 38 – 40oC, tránh sấy ở nhiệt độ cao quá dễ làm hoa bị khô giòn. Trước khi sấy, nên để bay hết hơi nước, sau sấy nếu thời tiết có nắng nhẹ đem phơi lại và đóng bao.
Bảo quản: Dược liệu đủ tiêu chuẩn cất giữ trong túi nilon, bảo quản ở nơi khô mát trong kho chuyên dụng.